Phú Yên:

Cung đường lẫn lộn 'thần dược’ ông uống bà khen

Chủ Nhật, 24/09/2017 07:27  | Tường Vân

|

(CAO) Trong cái nắng nóng như đổ lửa ở miền Trung trong những ngày đầu tháng 8, trên cung đường “15 cây số ăn chơi” nằm trên tuyến quốc lộ 1A quanh co uốn lượn bên đầm Cù Mông, qua các xã Xuân Bình, Xuân Cảnh, Xuân Hòa (TX Sông Cầu, Phú Yên) với những cảnh quan thơ mộng hữu tình, chúng tôi ghé vào một quán nước ven đường.

Bên cạnh các quán nước giải khát, nhà hàng, chúng tôi còn bắt gặp hai bên đường hàng loạt bảng hiệu quảng cáo “cá ngựa sống, rượu cá ngựa” - một thứ “thần dược” miền biển do ngư dân săn bắt được từ đại dương.

“Thần dược” ông uống bà khen

Gọi 2 lon nước uống tăng lực Red Bull, bà chủ quán tên Nhanh đem ra và bắt chuyện với chúng tôi: “Mấy anh chắc không phải người ở đây? Các anh đi đường xa uống mấy thứ nước này sao mà khỏe, có sức mà đi tiếp với quãng đường dài tiếp theo nữa”.

Nghe bà chủ này nói vậy, chúng tôi tò mò hỏi: “Vậy uống nước gì thì khỏe hả chị?”. Bà này đáp: “Về xứ Nẫu chỉ có uống vài ly rượu cá ngựa thì các anh mới khỏe và thậm chí còn làm mấy anh “lên mây”. Loại hải mã là được giới ăn chơi xem như “Viagra thiên nhiên” có thể kết hợp hài hòa với một số vị đông y khác để tạo ra những phương thuốc độc đáo”.

Nói rồi bà Nhanh tiếp tục huyên thuyên về tác dụng trợ lực của cá ngựa, nào là rượu cá ngựa có tác dụng hỗ trợ, phòng và chữa các chứng bệnh như cao huyết áp, chân tay tê dại, giảm lipit, bổ thận; đặc biệt là “ông uống bà khen”... Khi biết chúng tôi đang tìm mua cá ngựa sống và rượu cá ngựa xuất khẩu sang Trung Quốc, bà này đáp. “Mấy anh tìm đúng chỗ rồi đấy. Nhưng mấy anh thông cảm cá ngựa dạo này hút quá, cung không đủ cầu nên mấy anh muốn mua số lượng nhiều thì phải chờ vài ngày nữa tàu thuyền cập bến mới có hàng cho các anh”.

Cung đường cá ngựa ông uống bà khen tại TX.Sông Cầu

Vừa nói bà chủ dẫn chúng tôi vào bên trong quán và chỉ vào những thùng nhựa, thùng xốp và hồ kính có hệ thống sục khí oxy bên trong đựng cá ngựa sống và những bình rượu ngâm cá ngựa. Bà chủ quán hạ giọng: “Mấy anh tha hồ lựa chọn cá ngựa sống nhé. Ưng cặp cá ngựa nào thì nói tôi. Mỗi cặp cá ngựa đen có giá 180.000 đồng, còn cá ngựa vàng thì đắt hơn với giá 400.000 đồng/cặp, nhưng bao giờ một cặp cá ngựa phải có con đực, con cái mới hiệu nghiệm.

Hiện giờ chúng tôi chỉ còn chục cặp thôi nếu mấy anh mua số lượng nhiều thì các anh thử ghé đến chỗ bà Loan, bà Tâm xem sao, nhưng chắc họ cũng không có nhiều đâu. Bởi họ cũng lấy từ của tôi ra làm đại lý. Bắt được con nào, ngư dân giao cho tôi ngay vì tôi đã ứng tiền trước cho họ rồi”.

Cảm ơn sự nhiệt tình của bà chủ vựa cá ngựa, chúng tôi lân la đến quán khác có tên Hưng gần đó. Ấn tượng đầu tiên khi tôi bước vào quán Hưng là hình ảnh những bình thủy tinh ngâm rượu cá ngựa nhiều kích cỡ khách nhau cùng nhiều loại động, thực vật các kiểu được trưng bày trên những kệ gỗ, kệ sắt xếp bậc thang trông rất hấp dẫn.

“Anh dùng cơm trưa hay mua rượu ngâm đặc sản cá ngựa?”, một ngư dân nước da đen trạy tên Tuấn đon đả hỏi. Thấy tôi lướt nhìn những bình rượu bằng ánh mắt dò xét, nghi ngại, Tuấn mời tiếp: “Nếu không ưng rượu ngâm thì hai anh có thể mua cá ngựa sống về rồi tự ngâm rượu”. Chỉ vào một chiếc xô nhựa, bên trong có khoảng 40 con cá ngựa sống đang bơi trong luồng oxy nhân tạo, Tuấn hào hứng khoe: “Để có mớ “chiến lợi phẩm” này, tôi đã thức trắng đêm cùng với giàn giã cào, cày đi xới lại “nát” cả một vùng biển Sông Cầu”.

Theo Tuấn, ngoài cá ngựa, trong các bình rượu ở đây còn có hải long, trùn biển, sao biển, hải sâm, bào ngư, bìm bịp, tắc kè và một số vị thuốc bắc như nhân sâm, câu kỷ tử, nhục thung dung, đảng sâm... Mỗi loại đều có giá thành khách nhau. Tùy theo loại, giá dao động trung bình từ 3-5 triệu đồng/bình, bình thấp nhất có giá 300.000 đồng.

“Nếu các anh muốn mua cá ngựa sống về tự ngâm rượu thì tôi hướng dẫn cách chế biến cũng khá đơn giản. Cá ngựa ăn phù du, ở nước mặn nên không bẩn như các loài khác, chỉ cần rửa sạch bên ngoài, cho vào bình rượu ngâm là xong hoặc muốn bình rượu của mình đậm đà hơn thì các anh kết hợp với tắc kè, sao biển, sáp ong, củ đinh lăng hay một vài vị thuốc bắc. Thông thường người ta ngâm một cặp cá ngựa sống với 2 lít rượu gạo nguyên chất”, Tuấn nhiệt tình.

Những bình cá ngựa sống đã ngâm rượu chờ bán cho khách đi đường

Trở lại với rượu ngâm cá ngựa và một số động, thực vật bày bán trên “cung đường cá ngựa”, tôi hỏi vui: “Vậy khi uống rượu thần dược “ông uống, bà khen” này có tác dụng phụ gì không và uống bao lâu thì được bà khen?”. Tuấn đáp lại bằng âm giọng khôi hài: “Tùy vào tửu lượng của anh, anh uống nhiều thì khi vào trận bà mới khen nhiều, uống ít thì bà khen ít. Tin chắc anh Hai mua về uống thử nhưng kiểu gì chị Hai cũng phải khen. Khách của “làng cá ngựa” chủ yếu là các quý ông tham quan du lịch, công tác ghé lại mua về bồi dưỡng cơ thể hoặc làm quà”.

Và anh này kể thêm: “Ở quán tôi đây đã “giúp” cho nhiều trường hợp rồi. Như chị Duyên ở huyện Sông Hinh (Phú Yên) có chồng sức khỏe không được tốt nên chị đến quán tôi mua 5 cặp cá ngựa sống về ngâm rượu uống. Sau 15 ngày, thấy chồng “bản lĩnh” hơn nên chiều hôm qua chị Duyên điện thoại cho tôi đặt thêm 5 cặp nữa nhưng đã hết hàng. Loại thần dược này độc chiêu hơn nhiều loại thuốc tây đang được quảng bá trên thị trường nhiều”, anh Tuấn mạnh miệng nói chắc như đinh đóng cột.

Thật giả lẫn lộn

Nghe ông chủ quán quảng bá “sướng tai”, chúng tôi quyết định mua 2 cặp cá ngựa sống với giá 500.000 đồng và 2 bình rượu đem về để tặng người quen ở Sài Gòn. Chúng tôi nghĩ thầm trong bụng chuyến này mình mua rẻ hơn so với mấy thằng bạn mua lúc trước. Tuy nhiên, niềm vui ngắn chẳng tày gang.

Khoảng 5 phút sau, chúng tôi di chuyển vào một quán cơm quen đường để ăn cơm trưa. Thấy chúng tôi bỏ 2 cặp cá ngựa trong bình thủy tinh và 2 bình rượu ngâm, ông chủ quán liền hỏi: “Mấy anh mua mấy thứ này ở đâu vậy? Cá ngựa sống thì đúng của thật rồi nhưng rượu thì không”. Nghe vậy, chúng tôi bực mình đáp: “Sao anh lại dám khẳng định rượu cá ngựa của tôi là giả?”. Anh này đáp: “Mấy anh tiền mất tật mang rồi. Tôi làm nghề ngâm rượu cá ngựa và đại lý cá ngựa sống có thâm niên cũng gần 20 năm nay rồi. Nhìn vô là tôi biết ngay bình rượu nào ngâm cá ngựa thật hay giả. Bình rượu ngâm của mấy anh chắc chắn là giả”.

Tôi nói: “Giả là giả thế nào. Cá ngựa này đâu phải nhựa đâu mà giả”. Ông này nói: “Để chứng minh lời nói của tôi đúng. Mấy anh đem con cá ngựa ra khỏi bình rượu để bên ngoài trời khoảng 5 phút xem nó có giống như cá ngựa đủ chất không hay nó tóp lại”. Đúng 5 phút sau thì chúng tôi phát hiện đúng như lời ông này nói.

Ngoài ngâm cá ngựa với rượu tắng, chủ quán còn ngâm với một số sao biển, hải sâm, bào ngư, bìm bịp, tắc kè và một số vị thuốc bắc... Mỗi loại đều có giá thành khách nhau.

Ông chủ quán chia sẻ: “Mấy anh ở xa không biết đấy chứ có người ở đây ọ ngâm cá ngựa trong khoảng 3 lần nước rượu. Lúc này cá ngựa hết chất họ lại đổ rượu vào bán cho người khác. Nên các anh mua bị lừa rồi, mua đúng cá ngựa không còn chất, chỉ còn xác thôi. Mà không chỉ các anh đâu, du khách phương nào tới đây ghé mua cá ngựa hầu hết đều bị lừa như thế”.

Thấy chúng tôi còn nghi ngờ, người đàn ông này nói vừa dứt câu thì lấy bật lửa đốt đuôi cá ngựa khô rồi bảo: “Các anh ngửi xem có mùi không sẽ biết”. Đúng là không còn mùi.

Ông này nói dặn dò chúng tôi: “Các anh biết vậy thôi. Có qua hỏi nơi mua bình cá ngựa giả thì các anh đừng nói là tôi nói nhé”. Chúng tôi hỏi tại sao? Thì ông này kể: “Cách đây vài hôm cũng có mấy anh ở trong nam mua mấy bình rượu cá ngựa giả. Tôi thấy tội nên mách bảo. Ai dè, những người này lại quán lớn tiếng với nhau. Thế là ngày hôm sau có mấy thằng mặt mày bặm trợn tới đe dọa tôi: “Liệu hồn mà im mồm đi nếu không bọn này không để yên cho mày đâu!”. Từ đó đến nay tôi không nói cho khách biết nữa mà thấy họ mua trúng đồ giả thấy mà tội”.

Ông chủ quán cơm cho biết thêm, cá ngựa thường xuất hiện nhiều từ tháng hai đến tháng năm âm lịch. Khi gió nam về, cá ít hơn. Săn cá ngựa chủ yếu là ngư dân vùng biển xã Xuân Phương, Xuân Thịnh. Họ đi đánh cá rồi lặn bắt thêm cá ngựa như một nghề tay trái hoặc bắt cá ngừa bằng giã cào. Mỗi lần kéo lưới, ngư dân thu được vài ký cá ngựa. Khi vào đến bờ, cá đã chết, có thể ướp lạnh hoặc phơi khô, giá rẻ hơn.

Cá ngựa sống được các đại lý để trong hồ kính có hệ thống sục khí oxy bên trong

“Ban đầu, trên đoạn đường này chỉ rải rác vài quán nhỏ bán cá ngựa ngâm rượu trắng. Tiếng lành về hiệu quả của loại rượu ngâm này ngày càng vang xa, nhất là đoạn “ông uống bà khen” nên có nhiều người đi công tác ngang qua hay ghé mua làm quà. Càng ngày số người mua càng tăng lên nhiều hơn nên các quán, cửa hàng kinh doanh cá ngựa lần lượt xuất hiện, với những tấm biển quảng cáo đủ kích cỡ, màu sắc. Người đi đường qua đây có cảm giác như mình đang đi đến một “làng” cá ngựa”, ông nói.

Rời cung đường 15 cây số ăn chơi, chúng tôi ôm cú lừa ngoạn mục của chủ quán Hưng. Nếu có dịp đi ngang qua đây, du khách nên cẩn thận những chiêu lừa rượu cá ngựa thứ “thần dược” ông uống bà khen đang được giới mày râu đặc biệt quan tâm này.

Cá ngựa có tên khoa học là Hipocampus, sống nhiều ở vùng biển châu Á Thái Bình Dương. Ở Việt Nam, cá ngựa có khắp các vùng biển nhưng nhiều nhất là vùng biển Sông Cầu. Đây là loại thủy sản quý hiếm, có tác dụng trị bệnh và bồi dưỡng cơ thể. Theo Đông y, cá ngựa có tính ôn vị ngọt, giúp khí huyết lưu thông tốt. Dân gian dùng cá ngựa dùng để trị bệnh hen suyễn, đinh nhọt, tráng dương bổ thận…

Bình luận (0)

Lên đầu trang