Đầu tư 1 triệu USD cho chương trình 'Vì lá phổi khỏe'

Thứ Bảy, 23/09/2017 08:20

|

(CAO) Chương trình nhằm nâng cao chất lượng quản lý bệnh hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân, góp phần làm giảm gánh nặng kinh tế y tế tại Việt Nam, với giá trị đầu tư là 1 triệu USD trong hơn 3 năm.

Tập đoàn dược và dược sinh học AstraZeneca vừa cùng các đối tác y tế tại Việt Nam (Cục Quản lý khám chữa bệnh, BV Phổi Trung ương, Chương trình chống lao Quốc gia, Hội Lao và Bệnh Phổi Việt Nam, Hội Hô Hấp Việt Nam, Hội Hen-Dị Ứng-Miễn dịch lâm sàng TP.HCM) khởi động chương trình “Vì Lá Phổi Khỏe” từ 2017-2020.

Phát động chương trình 'Vì lá phổi khỏe' ở Việt Nam

Chương trình nhằm nâng cao chất lượng quản lý bệnh Hen và Bệnh Phổi tắc nghẽn mãn tính tại Việt Nam, giúp bệnh nhân được kiểm soát bệnh một cách tốt nhất, góp phần làm giảm số ca mắc, tàn tật và tử vong do Hen và bệnh Phổi tắc nghẽn mạn tính, cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân, góp phần làm giảm gánh nặng kinh tế y tế tại Việt Nam. Sáng kiến này tương đồng với những mục tiêu của “Chương trình mục tiêu về Hen và bệnh Phổi tắc nghẽn mạn tính” của chính phủ Việt Nam.

Chương trình Vì Lá Phổi Khỏe là sáng kiến đa quốc gia của AstraZeneca nhằm nâng cao chất lượng quản lý bệnh Hen và BPTNMT tại 9 quốc gia Châu Á. Trong đó, tại Việt Nam, AstraZeneca phối hợp cùng Cục Quản Lý Khám Chữa Bệnh và các đối tác của ngành y tế Việt Nam để cùng thực hiện chương trình với giá trị đầu tư là 1 triệu USD trong hơn 3 năm, hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng quản lý bệnh hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, đồng thời nâng cao nhận thức đúng của cộng đồng về các căn bệnh này.

Với kinh phí đầu tư, dự kiến sẽ thành lập 150 phòng quản lý bệnh hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính ngoại trú với cơ sở hạ tầng đạt chuẩn trên cả nước. Các đơn vị này sẽ được hỗ trợ năng lực chuyên sâu về khám, chữa và quản lý bệnh ngoại trú, tăng khả năng tiếp cận đến thuốc tốt và điều trị tốt cho bệnh nhân.

Ngoài ra, chương trình cũng hướng đến mục tiêu đào tạo y khoa cho cán bộ y tế tuyến cơ sở (tỉnh thành, quận, huyện) trên cả nước nhằm quản lý tốt 2 căn tốt bệnh này.

Bệnh hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính gây ra các gánh nặng xã hội, từ chi phí điều trị trực tiếp đến các chi phí gián tiếp. Ảnh minh họa

GS.TS.BS Ngô Quý Châu, Chủ tịch Hội Hô Hấp Việt Nam cho biết: “Bệnh hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính gây ra các gánh nặng xã hội, từ chi phí điều trị trực tiếp đến các chi phí gián tiếp như giảm năng suất lao động, bỏ học, bỏ việc giữa chừng để điều trị. Việc quản lý tốt bệnh vô cùng cần thiết, vì nó sẽ giúp giảm số ca mắc, tàn tật và tử vong, cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân, giảm gánh nặng kinh tế y tế cho VN".

Tại Việt Nam, tỉ lệ bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính ở dân số 40 tuổi được thống kê chiếm 4,2% dân số, trong đó tỉ lệ ở nam là 7,1% và ở nữ là 1,9%. Ngoài thuốc lá và nhiên liệu sinh học, ô nhiễm môi trường và đặc biệt là bệnh lao phổi đã góp phần làm tăng các yếu tố nguy cơ bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính ở Việt Nam.

Theo GS Ngô Quý Châu, bệnh hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nói riêng và các bệnh hô hấp nói chung vẫn chưa được chú trọng đúng mức tại Việt Nam. Tỉ lệ hen tại Việt Nam chiếm 4,1% dân số. Tuy nhiên chỉ có 29,1% bệnh nhân hen dùng thuốc điều trị duy trì và 39,7% bệnh nhân được kiểm soát hen tốt.

PGS.TS.BS. Lê Thị Tuyết Lan cho biết thêm, trong một nghiên cứu về việc áp dụng Chiến lược toàn cầu xử trí và phòng ngừa Hen phế quản (GINA) tại TP.HCM cho thấy, trong số bệnh nhân đến khám tại cơ sở điều trị ban đầu, có 16% dùng thuốc uống điều trị hen, dẫn đến nhiều tác dụng phụ nguy hiểm.

Chương trình “Vì Lá Phổi Khỏe” được AstraZeneca khởi xướng chính từ sự thấu hiểu về mức độ quan trọng của việc quản lý tốt các căn bệnh này và nhìn thấy sự cấp thiết có các biện pháp can thiệp để đạt được mục tiêu chung.

ThS. Nicholas Jones, Trưởng đại diện AstraZeneca tại Việt Nam chia sẻ: “Chúng tôi mong muốn góp phần cải thiện sức khỏe của người Việt Nam, đặc biệt là các vấn đề về quản lý tốt các bệnh mạn tính hô hấp, thông qua việc hỗ trợ các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức đúng về bệnh, nâng cao năng lực quản lý tốt bệnh hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính của cán bộ y tế, hỗ trợ cải thiện và thành lập các đơn vị quản lý ngoại trú đạt chuẩn nhằm giúp bệnh nhân Việt Nam ở mọi miền đất nước được tiếp cận sớm với chẩn đoán, điều trị và kiểm soát bệnh tốt, giúp họ có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Đó chính là cam kết của chúng tôi tại Việt Nam”.

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan chia sẻ: “Mạng lưới Đơn Vị quản lý ngoại trú bệnh hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính sẽ giúp giảm gánh nặng kinh tế-y tế cho y tế Việt Nam. Ước tính tại BV Đại học y dược, chi phí điều trị của một bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính không được điều trị trong giai đoạn ổn định dẫn đến nhập viện do đợt kịch phát có thể lên đến 225 triệu đồng mỗi năm, gấp 10 lần so với chi phí điều trị ngoại trú chỉ khoảng 22 triệu đồng mỗi năm. Quản lý ngoại trú giúp giảm tỉ lệ tử vong cho bệnh nhân so với việc chỉ quản lý bệnh nhân trong đợt cấp".

Bình luận (0)

Lên đầu trang