(CAO) Các bác sĩ khoa Ngoại tim mạch lồng mạch (thuộc Đơn vị Tim mạch Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long) vừa cứu sống kịp thời một bệnh nhân mắc tim bẩm sinh hiếm gặp, nhập viện với chẩn đoán hẹp van động mạch chủ bẩm sinh, thiểu sản góc động mạch chủ (vòng van bị nhỏ so với tuổi) và lá van bất thường bẩm sinh bằng phương pháp Konno.
(CAO) Phát hiện mình bị bệnh tim hơn 10 năm qua, nhưng vì không tiền chạy chữa nên đành “làm ngơ” sống chung với bệnh, cố làm lụng kiếm tiền nuôi vợ, nuôi con gái cũng mắc bệnh tim như anh.
Phương pháp Konno được biết đến là phương pháp mở rộng góc động mạch chủ bằng miếng vá nhân tạo và thay van động mạch chủ cơ học, tái tạo lại cấu trúc góc động mạch chủ. Tỷ lệ thực hiện rất ít vì số ca bệnh được điều trị rất hiếm, phương pháp này được sử dụng trong trường hợp thiểu sản vòng van cần tái cấu trúc.
Bệnh nhân là em N.T.T.T (14 tuổi, ngụ tại xã Phước An, Đắc Lắc). Sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn, mẹ em có tiền sử hở van tim nhẹ, cha bị thoái hóa cột sống mất khả năng lao động. Mẹ là lao động chính trong gia đình, thu nhập từ việc phụ quán dưới 2 triệu/tháng nhưng phải lo cái ăn, cái mặc cho cả nhà 6 người. Các anh chị em của T. đều đang trong tuổi ăn, tuổi học nên gánh nặng đều trút lên vai của người mẹ. T được phát hiện mắc bệnh tim bẩm sinh vào năm em 4 tuổi, trong một đợt khám tầm soát từ thiện nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên việc điều trị cho em đành phải gác lại.
Các bác sĩ thực hiện ca mổ
Trong suốt thời gian này, em thường hay bị ngất đột ngột vào những lúc đang ngồi chơi hay khi ở lớp. Nhưng vì có bạn bè và người thân bên cạnh nên chưa gặp tình huống nguy hiểm đến tính mạng. Mặc dù mắc căn bệnh hiếm gặp nhưng T. không bao giờ gục ngã trước số phận. Em luôn là tấm gương học tập cho các bạn trong lớp và được thầy cô yêu mến. Sau thời gian chờ đợi “một phép màu”, tháng 8-2016, gia đình T. được thông báo: toàn bộ chi phí chữa trị của em sẽ được Quỹ Healing Hearts Việt Nam, quỹ Hiểu về Trái tim và hội Bảo Trợ bệnh nhân nghèo TP.HCM tài trợ với tổng chi phí gần 80 triệu đồng. Được biết, đây là một trong những trường hợp được tài trợ 100% chi phí phẫu thuật từ các đơn vị này.
Miếng vá nhân tạo
Sau khi tiến hành các xét nghiệm, siêu âm tim, chụp MSCT, chụp DSA, ngày 23-8, bệnh viện tiến hành họp hội chẩn. Sau hội chẩn và chỉ định phẫu thuật, ê-kíp Bác sĩ đã quyết định tiến hành phương pháp Konno. Đây là một kỹ thuật khó và lần đầu tiên được thực hiện tại Cần Thơ, đòi hỏi ekip phải có kỹ năng chuyên môn cao đồng thời trang thiết bị kỹ thuật hiện đại.
Ths.BS Trần Phước Hòa – Trưởng khoa Ngoại tim mạch – lồng ngực Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long và là bác sĩ điều trị trực tiếp cho bệnh nhân, chia sẻ: “Đây là phương pháp mở rộng góc động mạch chủ khi bị thiểu sản và là phương pháp hiệu quả cao trong những phương pháp mở rộng góc động mạch chủ. Tuy nhiên, phương pháp này cũng có những mặt hạn chế như: khả năng chảy máu sau mổ, rối loạn nhịp tim, ảnh hưởng đến mạch vành bên phải. Do đó, ê-kíp thực hiện phẫu thuật đặc biệt chú ý đến việc theo dõi tình trạng bệnh nhân trong suốt quá trình thực hiện và hậu phẫu.”
Ca mổ thành công ngoài mong đợi, sau phẫu thuật không lâu, T. phục hồi rất nhanh. Khi vận động gắng sức không mệt, các triệu chứng đau ngực đã không còn, em cũng không bị ngất nữa và ăn uống hoàn toàn bình thường. T. mong muốn nhanh chóng được xuất viện để trở lại lớp học vì “Em nhớ cô và các bạn lắm!”…