Theo Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, nguồn nước tại các sông đang bị ảnh hưởng bởi chất thải từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, gây tác động xấu đến nguồn nước mặt. Tại các khu vực chưa có mạng lưới cung cấp nước sạch, người dân phải sử dụng nước giếng khoan, vốn có tỷ lệ đạt chuẩn vi sinh, hóa lý rất thấp.
Tại các quận ngoại thành và các huyện vùng ven, vấn đề đảm bảo nước sạch cho người dân chưa được phủ kín. Ảnh minh họa (Nguồn ảnh: Lao động)
Nước đã qua xử lý vẫn chưa sạch
Theo Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, nguồn cung cấp nước cho thành phố chủ yếu từ sông Đồng Nai và sông Sài Gòn qua xử lý của Nhà máy nước Thủ Đức, Nhà máy nước Tân Hiệp,... Tất cả các nguồn nước trên sau khi xử lý sẽ theo hệ thống đường ống cấp nước đến từng nhà dân.
Tuy nhiên, thực tế chất lượng nguồn nước theo giám sát của Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cho thấy, nước chưa qua xử lý và cả xử lý đến tay người dân đều có chút vấn đề.
Trong 10 mẫu nước nguồn được kiểm tra (năm 2015), thì chỉ có 3 mẫu (chiếm 30%) đạt chỉ tiêu vi sinh (70% chưa đạt) và 1 mẫu (chiếm 10%) đạt chỉ tiêu hóa lý (90% chưa đạt).
Riêng nước đã qua xử lý cũng chưa đạt 100% ở các trạm cấp nước. Cụ thể, chất lượng nước tại các trạm cấp nước tập trung cung cấp nước dưới 500 người cũng còn hơn 40% số mẫu kiểm tra chưa đạt các chỉ tiêu về vi sinh và hơn 19% số mẫu chưa đạt chỉ tiêu về hóa lý.
Chất lượng nước tại các trạm cấp nước tập trung cung cấp nước từ 500 người trở lên, qua kiểm tra các chỉ tiêu cũng chưa đạt 100%. Cụ thể, chỉ tiêu vi sinh mới đạt 99,63%, riêng chỉ tiêu hóa lý còn gần 4% số mẫu chưa đạt.
Tại các quận ngoại thành và các huyện vùng ven, vấn đề đảm bảo nước sạch cho người dân lại càng nghiêm trọng hơn khi mạng lưới đường ống chưa thể phủ kín 100% số hộ dân.
Nhiều hộ dân ở Cần Giờ thiếu nước sạch phải trữ nước mưa để sử dụng. Ảnh: Ngô Đồng
Các hộ dân chưa có nước sạch phải sử dụng nguồn nước giếng hoặc mua nước từ bồn và từ các cơ sở cung cấp nước có quy mô nhỏ tại địa phương. Những cơ sở này thường rất khó để đảm bảo được các yêu cầu về vi sinh, chất lượng theo chuẩn.
Riêng về nước giếng, qua kiểm tra của Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM năm 2015, vẫn còn gần 7% chỉ tiêu vi sinh và hơn 60% chỉ tiêu hóa lý chưa đạt tiêu chuẩn.
Nguy cơ mắc bệnh về nhiễm trùng tiêu hóa
Theo Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM, các chỉ tiêu vi sinh không đạt bao gồm Coliform tổng số và E.coli; các chỉ tiêu hóa lý không đạt chủ yếu là độ pH, clo dư, hàm lượng sắt tổng số,… Điều này dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh về nhiễm trùng tiêu hóa cho người dân khá cao.
E.coli và Coliforms là những nhóm vi khuẩn định danh, khi chúng hiện diện trong nước chứng tỏ nguồn nước đã bị nhiễm phân người hoặc phân súc vật, và có thể dẫn đến việc nguồn nước có thể nhiễm những vi khuẩn đường ruột khác (tả, lỵ thương hàn…). Việc sử dụng nước nhiễm vi sinh có thể gây ra các bệnh đường ruột, tiêu chảy cấp, một số trường hợp có thể gây nên suy thận, nhiễm khuẩn huyết...
Độ pH thấp về cơ bản không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Tuy nhiên, pH thấp làm tăng tính axit trong nước, làm ăn mòn kim loại trên đường ống, vật chứa và tích lũy các ion kim loại gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, làm mau hỏng vải, quần áo khi giặt… Mặt khác, pH thấp còn gây ngứa khi tắm gội, gây hỏng men răng, và có thể tạo điều kiện xuất hiện các bệnh ngoài da.
Vấn đề hàm lượng sắt tổng số có trong nước, sẽ gây cho nước có mùi tanh, nước đục màu đỏ nâu gây mất thẩm mỹ cho nước, làm cho quần áo bị ố vàng, sàn nhà, dụng cụ bị ố màu nâu đỏ. Ngoài ra, lượng sắt có nhiều trong nước sẽ làm cho thực phẩm biến chất, thay đổi màu sắc, mùi vị; làm giảm việc tiêu hóa và hấp thu các loại thực phẩm, gây khó tiêu…
Lượng sắt có nhiều trong nước làm nước đục mà mâu đỏ. Ảnh minh họa (Nguồn ảnh: Lao động)
Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cho biết, thời gian tới, ngành y tế dự phòng sẽ tăng cường các hoạt động giám sát chất lượng nước với kiểm soát chủ động các bệnh truyền qua đường tiêu hóa, xây dựng mạng lưới giám sát ca bệnh từ cộng đồng tại các khu vực thường bị ảnh hưởng của triều cường, khu vực có cầu tiêu trên kênh rạch,…
Để chủ động phòng chống dịch bệnh trong năm 2016, Trung tâm Y tế dự phòng đã xây dựng các giải pháp như khống chế ca mắc thông qua thực hiện tốt giám sát dịch tễ; tăng cường giám sát ca bệnh từ cộng đồng, can thiệp theo điểm nguy cơ, vùng nguy cơ; nâng cao năng lực kiểm soát các bệnh truyền nhiễm của hệ thống y tế theo cơ chế hỗ trợ, phối hợp giữa hệ điều trị và hệ dự phòng; xây dựng kế hoạch cụ thể cho các quận, huyện có nguy cơ cao…
Từ những tác hại tiềm ẩn trong việc sử dụng nguồn nước ô nhiễm, người dân cần quan tâm hơn đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống trong việc chọn lựa nguồn nước an toàn cho bản thân và gia đình.
Tại các khu vực có nguồn nước máy hoặc nguồn nước được kiểm soát của cơ quan chức năng, chất lượng nước tương đối ổn định và được sửa chữa sự cố, chất lượng tại nguồn cung cấp. Còn lại là khu vực người dân phải tự khai thác nước sinh hoạt, cần chủ động xử lý nguồn nước trước khi sử dụng.