(CAO) Lạm dụng các thuốc giảm đau một cách thái quá hoặc sử dụng các chế phẩm “giả danh” thuốc nam, thuốc bắc, đông y, các bài thuốc gia truyền,... trong việc điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp sẽ để lại hậu quả về sau cực kì nghiêm trọng.
Theo BS Cao Thanh Ngọc, BV Đại học Y Dược TP.HCM, viêm khớp dạng thấp có thể xảy ra ở tất cả các lứa tuổi. Lứa tuổi thường bị bệnh nhiều nhất là 30-50 tuổi (chiếm 73 – 85%). Nữ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nam gấp 2 - 6 lần. Nam giới mắc bệnh có xu hướng nặng nề hơn nữ giới.
Nữ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nam gấp 2 - 6 lần. Ảnh minh họa
Chớ coi thường bệnh
Theo BS Cao Thanh Ngọc, viêm khớp dạng thấp là bệnh lý tự miễn, nghĩa là cơ thể tự tạo ra kháng thể chống lại các tế bào của màng hoạt dịch khớp gây viêm khớp.
Nguyên nhân của bệnh vẫn chưa được hiểu biết đầy đủ. Sự xuất hiện của bệnh được cho là do sự tương tác giữa các yếu tố di truyền, môi trường, hóc môn, miễn dịch và nhiễm trùng. Các yếu tố về kinh tế xã hội, tâm lý và lối sống (chẳng hạn vấn đề hút thuốc lá, uống cà phê, tiếp xúc sillicon) có thể ảnh hưởng đến tiến triển của bệnh. Một số nghiên cứu cho thấy bệnh có thể khởi phát sớm hơn ở những người hút thuốc lá.
Viêm khớp dạng thấp thường có biểu hiện sưng đau nhiều khớp kèm theo tình trạng cứng khớp buổi sáng kéo dài. Bệnh biểu hiện rõ khi thời tiết thay đổi hoặc khí trời ẩm ướt.
Các khớp thường bị ảnh hưởng là khớp nhỏ ở cổ tay, bàn tay, cổ chân, bàn chân. Ngoài ra, tất cả các khớp khác cũng đều có thể bị ảnh hưởng như khớp khuỷu, vai…
Đau khớp có thể làm ảnh hưởng tới toàn bộ sức khỏe cũng như cuộc sống của người bệnh. Đó là cảm giác khó chịu, đau nhức, tê buốt tại các khớp xương, và bị hành hạ nhiều về ban đêm ảnh hưởng tới giấc ngủ của người bệnh. Bên cạnh đó, bệnh còn tác động tới tâm lý của người bệnh thông qua việc luôn cảm thấy buồn phiền, và ngại cử động dẫn tới các khớp trở nên tê cứng và ngày càng bệnh nặng thêm.
Lạm dụng thuốc giảm đau, hậu quả khó lường
Chẩn đoán sớm và điều trị sớm là rất quan trọng bởi vì tổn thương phá hủy khớp có thể xuất hiện rất sớm trong quá trình của bệnh. Khoảng 30% người bệnh có biểu hiện bào mòn xương tại thời điểm chẩn đoán và tỷ lệ này có thể tăng lên 60% trong vòng 2 năm.
"Tuy nhiên, viêm khớp dạng thấp khó chẩn đoán vì không có một xét nghiệm riêng nào dành cho bệnh này. Bệnh dễ chẩn đoán nhầm cũng như dễ bỏ sót chẩn đoán. Chính vì vậy, người bệnh cần đến các bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và chẩn đoán sớm", BS Cao Thanh Ngọc cho biết.
Bệnh này không chữa khỏi hoàn toàn nhưng nếu người bệnh đi khám bác sĩ chuyên khoa sớm và được chữa đúng thì khớp sẽ hết viêm, người bệnh sẽ hết đau và tránh được biến dạng khớp – tàn phế về sau.
Người bệnh cần đi khám khi có các dấu hiệu như đau nhức khớp hoặc cứng khớp thường xuyên vào buổi sáng; đau khớp dai dẳng, nặng thêm theo thời gian; khớp sưng, nóng, đau đối xứng; đau khớp, mệt mỏi, đôi khi sốt như cúm làm hạn chế vận động, hoạt động hàng ngày; sưng đau khớp kéo dài trên 2 tháng ở phụ nữ trung niên.
"Nếu không được điều trị, khớp viêm có thể tiến triển đến hẹp khe khớp, dính, biến dạng khớp và gây tàn phế", BS Cao Thanh Ngọc cảnh báo.
BS Cao Thanh Ngọc khuyến cáo, người bệnh nên tuân thủ điều trị, không nên tự điều trị hoặc lấy toa thuốc cũ đi mua thuốc uống tiếp, dẫn đến người bệnh uống liều cao liên tục sẽ gây ra những tác dụng phụ.
Bên cạnh đó, vấn đề lớn nhất trong điều trị viêm khớp dạng thấp là việc lạm dụng các thuốc giảm đau một cách thái quá hoặc sử dụng các chế phẩm “giả danh” thuốc nam, thuốc bắc, đông y, các bài thuốc gia truyền,... các thuốc này làm giảm triệu chứng nhanh chóng nhưng để lại hậu quả về sau cực kì nghiêm trọng như tăng huyết áp, đái tháo đường, loãng xương, béo phì,… Điển hình là hội chứng cushing như má đỏ do giãn tĩnh mạch, tụ mỡ ở vùng gáy (lưng trâu), da mỏng, tăng huyết áp, rạn da bụng, tụ mỡ bụng, teo cơ ở tay và chân, khó lành vết thương.
(CAO) Người phụ nữ nhập viện trong tình trạng ói ra máu, xuất huyết đường tiêu hóa do nghe lời hàng xóm tự mua thuốc về điều trị sưng khớp.