Cẩn thận với thói quen ăn trầu

Thứ Bảy, 12/05/2018 17:28  | Ngô Đồng

|

(CAO) Ăn trầu là một thói quen có từ rất xưa, hiện nay vẫn còn phổ biến ở những người cao tuổi. Các chuyên gia y tế cho rằng, việc ăn trầu và vệ sinh răng miệng không đúng có thể là nguyên nhân gây ung thư miệng.

Ăn trầu là một thói quen có từ rất xưa, hiện nay vẫn còn phổ biến ở những người cao tuổi. Mặc dù cơ chế sinh bệnh còn chưa được rõ ràng nhưng nhiều nhà y học cho rằng nó có thể gây ra các tổn thương niêm mạc miệng và các tổn thương này có thể phát triển thành ung thư niêm mạc miệng. Các tổn thương này y học gọi là tổn thương tiền ung thư.

Không ít người quan niệm nhai trầu sẽ khiến răng miệng thơm, sạch, có thể thay thế cả việc chải răng, bởi vậy họ thường không để ý đến vệ sinh răng miệng hoặc đi khám định kỳ. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cho rằng, đây là quan điểm sai lầm, vì lâu ngày ăn trầu khiến vôi răng tích tụ ngày càng nhiều tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, răng vàng ố.

Hầu hết các bệnh nhân bị ung thư miệng không có cảm giác đau ở giai đoạn sớm nên bệnh nhân thường chủ quan. Người bệnh thường bỏ qua các triệu chứng sớm của ung thư vì nghĩ miệng bị lở loét, đau rát có thể do trợt niêm mạc, cơ thể nóng… Thậm chí, khi vết loét đã lan rộng, người bệnh vẫn không đến bệnh viện mà tự mua thuốc uống khiến bệnh càng nặng thêm.

BS Ngô Quang Bảo Luân, chuyên khoa Răng Hàm Mặt BV thẩm mĩ JW (TP.HCM) cho biết, các yếu tố nguy cơ chính gây ung thư hốc miệng ở người Việt Nam là hút thuốc, ăn trầu và uống rượu.

Ăn trầu là một trong các yếu tố gây ung thư miệng.  Ảnh minh họa

BS Luân khuyến cáo, để tránh mắc bệnh về răng miệng, nên đến nha sĩ kiểm tra răng 3 tháng/lần, lấy vôi răng 6 tháng/lần. Đồng thời, phải vệ sinh răng miệng sạch sẽ để tránh các bệnh về răng miệng, đặc biệt phòng ngừa mắc ung thư hốc miệng dù không ăn trầu. Việc vệ sinh răng miệng đúng cách sẽ khiến hàm răng khỏe, trắng đẹp hơn.

Đối với người cao tuổi, BS Luân cũng đưa ra cảnh báo về những thay đổi răng miệng và những bệnh thường gặp ở người cao tuổi như: Sự thay đổi niêm mạc miệng; Bệnh sâu răng; Bệnh nha chu; Bệnh đau khớp thái dương hàm; Khô miệng; Mòn răng và ê buốt răng.

Sức khỏe răng miệng rất quan trọng đối với người cao tuổi vì họ thường dễ mắc các bệnh ảnh hưởng đến vùng miệng và lúc đó thì những tổn thương vùng miệng lại tác động ngược lại đến dinh dưỡng, sức đề kháng và chất lượng cuộc sống.

Tuổi càng cao thì sự lão hóa răng miệng cũng càng tiến triển nhưng không phải là yếu tố ảnh hưởng chính trên sức khỏe răng miệng. Trong khi đó, các bệnh: sâu răng, nha chu, bệnh niêm mạc miệng,... mới là những yếu tố chính làm tổn thương răng miệng ở người cao tuổi. Tổn thương răng miệng cũng tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh xâm nhập vào máu hay cơ quan hô hấp gây bệnh nặng nguy hiểm đến tính mạng.

Ngày hội Sống Khỏe tại TP.HCM:

Sáng 12-5, tại TP.HCM, Báo Khoa học & Đời sống đã tổ chức Ngày hội sống khỏe lần 2.

Nhà báo Bùi Hương, Trưởng cơ quan thường trực phía Nam Báo Khoa học và Đời sống cho biết, chương trình Ngày hội Sống Khỏe lần 2 là buổi giao lưu, trò chuyện cùng với các bác sĩ khách mời về các vấn đề sức khỏe răng miệng và bệnh lý hô hấp ở của người lớn tuổi. Với sự chia sẻ thông tin của BS Nguyễn Năng Viện, Trưởng khoa B3, BV Phạm Ngọc Thạch TP.HCM cùng BS Ngô Quang Bảo Luân, Khoa răng Hàm Mặt - BV Thẩm mỹ JW.

Tại ngày hội, các bác sĩ đã cung cấp, chia sẻ những thông tin bổ ích nhằm nâng cao kiến thức về y học thường thức để những người cao tuổi có cuộc sống vui, sống khỏe để hạnh phúc cùng con cháu.

Khi người trưởng thành già đi, mỗi hệ cơ quan trong cơ thể đều trải qua những sự thay đổi khác nhau. Những biến đổi này là kết quả của sự tương tác giữa môi trường sống, bệnh tật, di truyền, stress và rất nhiều yếu tố khác. Những thay đổi này đôi lúc rất dễ nhận thấy như tóc bạc, da nhăn, lưng gù. Tuy nhiên, có rất nhiều biến đổi âm thầm trong cơ thể mà mắt thường không thể nhận ra được.

Tại ngày hội, các bác sĩ đã cung cấp, chia sẻ những thông tin bổ ích nhằm nâng cao kiến thức về y học thường thức để những người cao tuổi có cuộc sống vui, sống khỏe để hạnh phúc cùng con cháu.

Ngoài những vấn đề về răng miệng, người cao tuổi cũng thường dễ mắc các bệnh lý về hô hấp. BS Nguyễn Năng Viện khuyến cáo, bộ máy hô hấp bao gồm từ mũi, miệng, thanh quản, khí quản, phế quản, phế nang. Bệnh có thể xảy ra ở bất kì phần nào nên có rất nhiều bệnh hô hấp. Một số bệnh về hô hấp thường gặp ở người cao tuổi như: Bệnh viêm họng, viêm phế quản mạn tính, giãn phế quản, tâm phế mạn tính, hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính... Khi người cao tuổi có các biểu hiện nghi ngờ cần đến điều trị tại các cơ sở y tế, bệnh nhân sẽ được chẩn đoán chính xác cũng như xác định các bệnh căn bản kèm theo để có hướng điều trị thích hợp. Thời điểm điều trị càng sớm và thích hợp thì khả năng hồi phục cũng như giảm đi tỷ lệ tử vong càng nhiều.

Ổ vi trùng trong răng 'ăn' vào tim khiến người phụ nữ suýt chết
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang