Tôi có thể sống với tình trạng ung thư tuyến tiền liệt trong bao lâu?

Thứ Bảy, 18/03/2017 14:22

|

(CAO) "Chúng ta không thể thay đổi sự thật là mình bị ung thư, nhưng có thể thay đổi cung cách sống trong quãng đời còn lại của cuộc đời - hãy cố gắng lựa chọn sao cho lành mạnh và giữ gìn sức khỏe càng nhiều càng tốt".

Ung thư tuyến tiền liệt (TTL) là một bệnh hay gặp ở nam giới trên 50 tuổi. Dấu hiệu để nhận biết ung thư TTL thường không rõ ràng nên nhiều người phát hiện bệnh khi bước vào giai đoạn nặng.

Nỗi ám ảnh tuổi già

Theo PGS.TS.BS Vũ Lê Chuyên, BV Bình Dân TP.HCM, tuyến tiền liệt nằm ngay dưới bọng đái và ở trước trực tràng, có đường ống dẫn nước tiểu chạy ngang. Tuyến tiền liệt tạo ra chết dịch có nhiệm vụ giữ cho tinh trùng sống tốt và khỏe mạnh.

Tuy nhiên, tuyến tiền liệt có xu hướng phình lớn hơn khi đàn ông già đi. Đôi khi, tuyến này có thể đè ép đường dẫn nước tiểu và gây ra vấn đề về tiểu tiện.

Khi một nhóm tế bào tăng trưởng vượt tầm kiểm soát ở tuyến tiền liệt thì gọi là ung thư TTL và nguy cơ bị ung thư TTL tăng lên khi nam giới già đi.

PGS.TS.BS Vũ Lê Chuyên giải đáp thắc mắc của bệnh nhân. Ảnh: NĐ

PGS.TS.BS Vũ Lê Chuyên cho biết, đa số bệnh nhân mới chớm bị ung thư TTL đều không có dấu hiệu hay triệu chứng. Các triệu chứng thường lộ ra trễ, khi bệnh đã tiến triển thêm. Ở mức độ nặng, bệnh nhân có dấu hiệu như: Khó cương cứng hoặc khó giữ tình trạng cương cứng; có máu trong nước tiểu; đau nhức ở lưng, hông háng, xương sườn hoặc các loại xương khác; cảm thấy yếu sức, tê bại ở chân hoặc bàn chân; mất kiểm soát khi đi tiêu hay tiểu.

Phần lớn các trường hợp, những triệu chứng này đều do bệnh lý khác, không phải ung thư gây ra. Tuy nhiên, khi gặp bất kì một trong số các triệu chứng trên, bệnh nhân nên đi khám và phát hiện sớm nguyên nhân, điều trị.

Đến nay vẫn chưa rõ nguyên nhân gây ra ung thư TTL, nhưng y học phát hiện rằng, tần suất mắc bệnh tăng tỷ lệ so với lứa tuổi, phần lớn các trường hợp phát hiện bệnh sau 50 tuổi. Đặc biệt, những người đàn ông có người thân trong gia đình từng bị ung thư TTL sẽ dễ mắc bệnh này hơn.

Làm sao bác sĩ biết tôi bị ung thư tuyến tiền liệt?

Theo PGS.TS.BS Vũ Lê Chuyên, có 2 cách chính để dò tìm ung thư TTL là: định lượng PSA (chất do TTL tạo ra) trong máu và khám trực tràng để chẩn đoán và sinh thiết tuyến tiền liệt.

BS Chuyên lý giải: "Ung thư TTL có thể làm lượng PSA trong máu tăng lên. Ngoài ra, đa số ung thư TTL đều bắt đầu ở vùng có thể sờ được khi khám trực tràng".

Ở giai đoạn đầu, các tế bào ung thư chỉ phát triển bên trong tuyến. Khi không được điều trị kịp thời, khối bướu sẽ to dần và xâm lấn ra bên ngoài tuyến đến các cấu trúc hoặc cơ quan lân cận như túi tinh, bàng quang và trực tràng. Đến giai đoạn trễ, các tế bào ung thư sẽ lan sang các cơ quan khác theo đường máu hoặc theo đường bạch huyết, thuật ngữ y khoa gọi đó là hiện tượng di căn. Ung thư TTL thường di căn vào xương và tăng trưởng tại đó.

Tôi có thể sống với tình trạng ung thư này trong bao lâu?

Hiện có nhiều phương pháp điều trị ung thư TTL: theo dõi tích cực, xạ trị (không lấy khối u ra khỏi cơ thể), liệu pháp nội tiết tố (khống chế sự phát triển của tế bào ung thư), điều trị hóa chất và phẫu thuật.

Việc điều trị phụ thuộc vào nhiều yếu tố: tuổi, bệnh kèm theo, mức độ ung thư, nhu cầu điều trị ung thư của bệnh nhân, mức độ chịu đựng những phản ứng phụ xảy ra trong khi điều trị…

TS.BS.Trần Vĩnh Hưng, Giám đốc Bệnh viện Bình Dân chia sẻ về phẫu thuật robot. Ảnh: NĐ

Theo PGS.TS.BS Vũ Lê Chuyên, ung thư TTL thường tăng trưởng rất chậm chạp, vì vậy có thể một số bệnh nhân sẽ hoàn toàn không cần điều trị. Khi đó, bác sĩ sẽ đề nghị một chương trình theo dõi tình trạng ung thư. Tuy nhiên, việc theo dõi tích cực này đôi khi không là lựa chọn sáng suốt cho những bệnh nhân còn trẻ, khỏe mạnh và bệnh có dấu hiệu tăng trưởng nhanh.

Ở giai đoạn sớm, việc điều trị đơn giản, ít tốn kém tiền bạc và thời gian, hiệu quả cao. Ở giai đoạn muộn, việc điều trị tuy phức tạp hơn nhưng bệnh vẫn có thể kiểm soát được, bệnh nhân vẫn có thể sống thêm nhiều năm với chất lượng sống tốt.

“Bị ung thư và phải xoay sở với vấn đề điều trị là điều khó khăn. Nhưng đó cũng là lúc bệnh nhân nên nhìn lại cuộc đời theo quan điểm mới hơn, suy ngẫm cách tăng cường sức khỏe, lựa chọn một cách sống lành mạnh, vui tươi”, BS Chuyên khuyên cáo.

Bình luận (0)

Lên đầu trang