(CAO) Sáng 28-9, Đơn vị Chẩn đoán trước sinh thuộc Khoa Phụ sản, Bệnh viện Đại học y dược TP.HCM chính thức đi vào hoạt động.
Việc tư vấn, khám thai, theo dõi siêu âm và làm thủ thuật được thực hiện với quy trình khép kín, giúp thai phụ rút ngắn thời gian chờ đợi, di chuyển.
Xem clip:
Với phương châm “An toàn cho bé – Hạnh phúc cho mẹ”, Đơn vị
Chẩn đoán trước sinh hứa hẹn sẽ là địa chỉ đáng tin cậy đối với thai phụ, giúp dự phòng sớm, chẩn đoán kịp thời và điều trị toàn diện các bất thường xảy ra ở mẹ lẫn con trong thai kỳ
ThS BS. Lê Thị Kiều Dung, Trưởng khoa Phụ sản BV Đại học y dược cho biết: “Sau hơn một năm hoạt động cùng sự hỗ trợ của các chuyên khoa sâu, trang thiết bị hiện đại, khoa Phụ sản – cơ sở 1 của Bệnh viện đã gặt hái được nhiều thành công nhất định với hơn 3.000 trường hợp nhập viện, 1.800 thai phụ, công suất giường bệnh đạt từ 85 - 97%. Chúng tôi hi vọng sự ra đời của Đơn vị chẩn đoán trước sinh BV sẽ được chào đón và ủng hộ".
PGS TS BS. Nguyễn Hoàng Bắc, Giám đốc Bệnh viện nhấn mạnh tầm quan trọng của chẩn đoán trước sinh, thể hiện trách nhiệm của người thầy thuốc, gia đình và xã hội trong việc đảm bảo cho mỗi em bé được sinh ra khỏe mạnh, an toàn, hạnh phúc.
Ngoài nhiệm vụ chăm sóc, giáo dục, tư vấn phụ nữ mang thai, Đơn vị Chẩn đoán trước sinh sẽ đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, đào tạo, phối hợp với các bệnh viện bạn nhằm tiếp cận và bắt kịp kiến thức, kỹ năng mới, phù hợp với sự phát triển của thế giới.
Việc tư vấn, khám thai, theo dõi siêu âm và làm thủ thuật được thực hiện với quy trình khép kín, giúp thai phụ rút ngắn thời gian chờ đợi, di chuyển
Hiện nay, các bệnh lý thai kỳ ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp. TS BS. Trần Nhật Thăng, Trưởng đơn vị Chẩn đoán trước sinh cho biết, tỉ lệ thai phụ mắc nhiều bệnh lý nội - ngoại khoa kết hợp hoặc có liên quan thai kì như thiếu máu di truyền (Thalassemie), cường giáp, tim mạch, viêm gan siêu vi B, tiền sản giật và đái tháo đường thai kì ngày càng gia tăng.
Theo thống kê của Hiệp hội Sản phụ khoa thế giới (FIGO, 2015), tỷ lệ mắc đái tháo đường trong thai kỳ ngày càng gia tăng, chiếm khoảng 16% trên tổng số các bà mẹ mang thai, bên cạnh đó tiền sản giật chiếm 3 – 5%.
Tuy nhiên, đa số các trường hợp được phát hiện khá muộn, thường là vào 3 tháng cuối thai kỳ. Không được phát hiện kịp thời, các bệnh lý này không những gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng của thai phụ mà thai nhi còn buộc phải sinh ra trong những hoàn cảnh ngặt nghèo (chủ động sinh non) hoặc thậm chí không có cơ hội sống (chủ động kết thúc thai kỳ nhằm bảo vệ người mẹ).
Để được tư vấn, xin vui lòng liên hệ số điện thoại
028-39525220 hoặc liên hệ trực tiếp tại Đơn vị Chẩn đoán trước sinh thuộc khoa Phụ sản lầu 2, khu B, BV Đại học y dược, 215 Hồng Bàng P.11 Q.5 TP.HCM
Điển hình là trường hợp mới đây của thai phụ Lê Ngọc M. (30 tuổi, ở Tiền Giang), mang thai tuần thứ 22, siêu âm ở quê thì thấy thai nhi hoàn toàn khỏe mạnh.
Tuy nhiên, do nghe người nhà nói sóng siêu âm không tốt cho thai nhi, vì vậy chị quyết định không đi khám nữa mà chỉ đợi tới ngày sinh. Nhưng đến tuần thứ 30, chị bắt đầu có những triệu chứng chóng mặt, mờ mắt, nước tiểu màu nâu đỏ như xá xị. Lúc đó, gia đình mới đưa chị đến khám tại Khoa Phụ sản BV Đại học y dược.
Nhập viện trong tình trạng huyết áp cao, rối loạn đông máu, suy chức năng gan, tổn thương võng mạc, người bệnh được chẩn đoán bị tiền sản giật nặng, siêu âm thì phát hiện thai nhi bị suy dinh dưỡng và chết lưu trong bụng mẹ.
TS BS. Trần Nhật Thăng nhận định, đây là một trường hợp rất đáng tiếc vì không theo dõi thai kỳ liên tục để có hướng điều trị kịp thời. Trong giai đoạn mang thai, cơ thể người phụ nữ có những thay đổi liên tục và khó dự đoán. Việc khám thai thường xuyên và định kì là biện pháp quan trọng nhằm đánh giá rủi ro, phát hiện sớm các biến chứng thai kỳ thường gặp, cũng như chẩn đoán sớm và đầy đủ những dị tật bẩm sinh của thai nhi, nhằm có một kế hoạch ra đời an toàn và điều trị sơ sinh kịp thời cho những khiếm khuyết bẩm sinh còn cơ hội sửa chữa.
TS BS. Trần Nhật Thăng khuyến cáo, không nên chờ đến khi xuất hiện những triệu chứng bất thường mới đi khám, mà nên bắt đầu chăm sóc tiền sản ngay từ 3 tháng đầu thai kì và duy trì việc thăm khám định kì cho đến ngày sinh nở.
(CAO) Cùng với thai phụ, trong suốt hành trình, người chồng, người thân trong gia đình cũng được hướng dẫn cách xử lý tình huống, cách hỗ trợ thai phụ khi đi sinh con và có thể tận tay cắt dây rốn cho đứa trẻ mới chào đời.