Nguy cơ trầm cảm ở người bệnh đái tháo đường và tim mạch

Thứ Ba, 28/06/2022 10:06  | Ngô Đồng

|

(CAO) Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, trầm cảm ở người mắc các bệnh mạn tính như đái tháo đường, tim mạch… sẽ có thể khiến bệnh trở nặng và nhiều hậu quả đáng tiếc.

Người bệnh đái tháo đường tim mạch có nguy cơ cao bị trầm cảm

Trầm cảm là bệnh lý tâm thần ngày càng trở nên phổ biến trong xã hội hiện đại. Nếu không được phát hiện sớm có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.

Trầm cảm là nguyên nhân của hơn 50% trường hợp tự tử. Tỉ lệ mắc bệnh trầm cảm ngày một gia tăng. Theo Tổ chức Y tế Thế giới ước tính mỗi năm có khoảng 850.000 tự tử vì trầm cảm. Số lượng người được chẩn đoán và điều trị trầm cảm kịp thời còn rất thấp, chỉ chiếm khoảng 25%.

Theo ThS BS. Nguyễn Minh Mẫn, Trưởng Đơn vị Tâm lý lâm sàng Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, trầm cảm có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó một nguyên nhân ít người quan tâm đó là từ các bệnh lý mạn tính như đái tháo đường và tim mạch. Khi tinh thần căng thẳng sẽ làm tăng khả năng mắc bệnh đái tháo đường và bệnh tim mạch. Ngược lại, bệnh đái tháo đường làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh về tâm - thần kinh, trong đó có trầm cảm.

Một số nghiên cứu cho thấy, người mắc các bệnh đái tháo đường, tim mạch có nguy cơ bị trầm cảm cao gấp 2-3 lần so với người bình thường. Trầm cảm cũng làm tăng nguy cơ tử vong ở người bệnh đái tháo đường và tim mạch lên gấp 2 lần, khiến người bệnh thờ ơ với sức khỏe, không chủ động tuân thủ điều trị làm bệnh trở nặng. Do đó, người bệnh cần được phát hiện sớm các bất thường về mặt tâm lý để được Bác sĩ tư vấn điều trị sớm, tránh bệnh tiến triển nặng dẫn đến các hậu quả đáng tiếc.

Chẩn đoán, điều trị trầm cảm ở người bệnh đái tháo đường và tim mạch

ThS BS. Nguyễn Minh Mẫn cho biết, người có dấu hiệu trầm cảm sẽ được chẩn đoán thông qua các bảng hỏi, thang điểm, trò chuyện trực tiếp với bác sĩ tâm lý.

Bác sĩ sẽ tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến trầm cảm, phối hợp với các bác sĩ chuyên khoa liên quan như tim mạch, đái tháo đường, thần kinh… và thực hiện các cận lâm sàng cần thiết. Từ đó, bác sĩ tâm lý sẽ đánh giá các nguy cơ tự tử, ngăn ngừa tự tử, cân nhắc điều trị trầm cảm bằng thuốc hoặc không dùng thuốc, điều trị các bệnh lý đi kèm.

Để việc điều trị trầm cảm được hiệu quả, bác sĩ và người nhà luôn phải đồng hành, động viên người bệnh tuân thủ điều trị, suy nghĩ tích cực, lạc quan để chiến thắng bệnh tật.

Bác sĩ tư vấn tâm lý cho người bệnh

Khác với người bệnh trầm cảm thông thường, để điều trị trầm cảm trên người bệnh đái tháo đường và tim mạch đòi hỏi người bệnh cần được đánh giá toàn diện về các vấn đề tâm lý, mối quan hệ giữa trầm cảm và các bệnh mạn tính đi kèm.

Bác sĩ tâm lý sẽ chỉ định phương pháp điều trị trầm cảm bằng phương pháp dùng thuốc hoặc không dùng thuốc (kiểm soát các căng thẳng, nguyên nhân gây ra trầm cảm). Trường hợp cần sử dụng thuốc chống trầm cảm, bác sĩ sẽ cân nhắc xem việc sử dụng thuốc có ảnh hưởng đến quá trình điều trị bệnh đái tháo đường và tim mạch hay không, phối hợp với Bác sĩ điều trị đái tháo đường, tim mạch trong việc xây dựng phác đồ điều trị cho người bệnh.

ThS BS. Nguyễn Minh Mẫn khuyến cáo, dấu hiệu trầm cảm ở những người có bệnh mạn tính, bác sĩ sẽ sử dụng các thang đo chẩn đoán sức khỏe tinh thần: buồn bã, u uất với thời gian kéo dài trên 2 tuần, thay đổi thói quen, hạn chế tiếp xúc với người khác, bế tắc… là những dấu hiệu thường gặp ở người bị trầm cảm.

Ngay khi phát hiện người thân có các dấu hiệu này, người nhà nên quan tâm, động viên và đồng hành cùng bác sĩ tâm lý để giúp người bệnh vượt qua trầm cảm, tránh các hậu quả đáng tiếc lên sức khỏe và tính mạng của người bệnh.

Bình luận (0)

Lên đầu trang