Thức ăn, đồ uống ở sân bay giá vẫn "trên trời"!

Thứ Năm, 08/10/2020 07:38

|

(CATP) Dù đã nhiều lần Cục Hàng không Việt Nam mở đợt rà soát giá dịch vụ (DV) tại các sân bay (SB) hay áp giá trần, nhưng câu chuyện về bát phở, tô mì tôm hay chai nước lọc... giá cao ngất ngưởng vẫn xảy ra tại một số SB ở nước ta. Nhiều người rất bức xúc với cách thu tiền vô tội vạ và đắt hơn rất nhiều lần so với một số SB quốc tế ở châu Á.

GIÁ CẢ "NHẢY MÚA"

Đầu tháng 10 vừa qua, gia đình anh Trần Thanh Vũ (40 tuổi, ở Q.Phú Nhuận) bay lên TP.Đà Lạt có công việc, đặt vé giá rẻ của Vietjet. Trong thời gian chờ ra máy bay (MB), gia đình anh tới Cửa hàng Bigbowl (SB Tân Sơn Nhất) để ăn lót dạ. Thấy giá tô phở tái 145 nghìn đồng, vợ chồng anh đành nhịn, chỉ mua ổ bánh mì 75 nghìn đồng cho cậu con trai. Cũng chính tại cửa hàng này, vào tháng 4-2020, 1 tô phở tái lèo tèo vài miếng thịt bò có giá 80 nghìn đồng và 6 tháng sau đã tăng gần... gấp đôi! Giá tô phở phục vụ trên MB thời điểm này dao động 35 - 45 nghìn đồng đối với khách trong và ngoài nước.

Nhà hàng cạnh cửa ra MB số 2, lầu 1 của SB Tân Sơn Nhất, nơi cung cấp DV lớn nhất tại SB này, cũng bị nhiều khách hàng phản ứng, khi giá 1 tô bún bò (rẻ nhất) là 85 nghìn, phở bò 95 nghìn, dĩa cơm hơn 100 nghìn. Khi bưng tô bún ra, ai cũng lắc đầu vì như chỉ dành cho... em bé, trong khi giá thì quá đắt.

Giá đồ ăn trên máy bay còn rẻ hơn ở sân bay

Ngoài giá đồ ăn quá đắt, tại SB quốc nội của thành phố lớn nhất nước, giá đồ uống cũng khiến nhiều người xót xa. Tại một số cửa hàng bán đồ ăn, nhân viên luôn miệng chào mời bán thêm nước suối, với mức giá loại nửa lít lên tới 60 nghìn đồng 1 chai. Ở SB Tân Sơn Nhất, giá đồ ăn ở ngoài sảnh rẻ hơn, còn vào khu vực làm thủ tục có phòng chờ, máy lạnh, bàn ghế sang trọng, giá cao hơn rất nhiều lần. Trước đây, các quán ăn trong SB đã bị thanh kiểm tra, sau đó một thời gian, giá thức ăn, nước uống đã "hạ nhiệt". Tuy nhiên, vài năm qua lại tăng vút... Buôn bán kiểu này, ai còn dám đến lần sau?

Tại SB Nội Bài, dĩa cơm rang dưa bò giá 85 nghìn đồng, 1 ly cà phê đen đá lên tới 58 nghìn đồng; các cửa hàng bán quần áo, đồ lưu niệm tại ga quốc nội thì giá gấp bên ngoài cả 5 - 10 lần. Tương tự, hành khách tới SB Liên Khương (Lâm Đồng) ngán ngẩm khi dĩa cơm sườn bé tẹo của cửa hàng nằm cạnh lối vào lên tới 86 nghìn.

Ra miền Trung, SB Phù Cát (Bình Định) trên tầng 1 cũng bị nhiều "thượng đế” ca thán vì giá quá cao so với mặt bằng chung về thu nhập tại địa phương duyên hải Nam Trung bộ.

Khách tại sân bay Tân Sơn Nhất vẫn chưa đông

AI SẼ XỬ LÝ NẠN "CHẶT, CHÉM"?

Độc giả Nguyễn Trần Tùng (38 tuổi, ngụ Q1) sau khi đi nhiều nước, thưởng thức phở ở các SB quốc tế, cho biết: "Ở SB Thái Lan, mua phiếu ăn 1 bát phở, tính ra tiền Việt chỉ hết 35 nghìn đồng, 1 lon Coca khoảng 10 nghìn". Chị Nguyễn Thị Thanh Tâm (45 tuổi, ngụ Q2) kể, sảnh quốc tế SB Tân Sơn Nhất bán chai nước suối Dasani giá 45 - 60 nghìn đồng, trong khi ai từng đi Nhật sẽ biết giá chai nước trong SB chưa đến 25 nghìn đồng tiền Việt".

Từ năm 2017, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành thông tư quy định mức giá, khung giá một số DV chuyên ngành hàng không tại cảng hàng không, SB Việt Nam. Đáng chú ý là quy định về khung giá DV cơ bản được áp dụng đối với DV cung cấp đồ ăn, đồ uống hàng hóa nội địa.

Cụ thể, giá bán ở nhà ga quốc nội đối với mặt hàng nước lọc đóng chai nhỏ hơn hoặc bằng 500ml tối thiểu là 3.500 đồng/chai và tối đa là 20.000 đồng/chai; sữa hộp các loại nhỏ hơn hoặc bằng 180ml có giá thấp nhất là 4.500 đồng/hộp, cao nhất 20.000 đồng/hộp. Các loại đồ uống trên được bán ở ga quốc tế có giá lần lượt từ 0,35 - 2 USD/chai nước suối và từ 0,45 - 2 USD/hộp sữa... Nhưng trên thực tế, giá mỗi SB trong nước lại mỗi khác, cuối cùng chỉ có khách đi MB phải gánh chịu, trong khi chẳng biết kêu ai!

Nhiều người cho rằng, giá thuê cửa hàng kinh doanh tại các SB cao hơn bên ngoài, nhưng do có sự độc quyền trong khai thác và cho thuê lại nên giá thức ăn, đồ uống mới đắt như vậy. Giờ đi MB còn rẻ hơn tàu hỏa giường nằm, trong khi người kinh doanh trong SB vẫn giữ theo lề lối cũ? Bên cạnh đó, cung cách phục vụ tại một số cửa hàng tại các SB chưa theo kịp... giá tiền đã tính cho khách, vẫn còn thái độ khó chịu.

Một cửa hàng tại sân bay Tân Sơn Nhất

Đề nghị các Cảng vụ Hàng không nơi đang quản lý các SB và Bộ Giao thông vận tải thành lập ngay các đoàn thanh kiểm tra để chấn chỉnh tình trạng "loạn" giá như hiện nay, phải triệt tiêu lý do độc quyền để lợi dụng trục lợi, bỏ túi. Có như vậy mới xây dựng được hình ảnh văn minh, thanh lịch trong mắt du khách trong và ngoài nước, nhất là giữa bối cảnh phục hồi các đường bay trong và ngoài nước sau dịch Covid.

Luật sư Đỗ Hồi Khanh - Đoàn Luật sư TPHCM - cho biết, đối với DV cung cấp đồ ăn, đồ uống là hàng hóa nội địa (không áp dụng với hàng hóa nhập khẩu) tại điều 25 Thông tư 53/2019/TT-BGTVT quy định mức giá tại Cảng hàng không Việt Nam "nước lọc đóng chai <= 500ml, sữa hộp các loại <= 180 ml, phở ăn liền, mì ăn liền, bánh mì... không bổ sung thêm thực phẩm" mức giá bán tối đa tại ga quốc nội là 20.000 đồng/tô, tại ga quốc tế 2 USD/tô, chưa bao gồm phí phục vụ. Doanh nghiệp cung ứng dịch vụ cơ bản thiết yếu tự quyết định chi phí phục vụ nhưng không vượt quá 15% so với giá tối đa quy định. Cá nhân hay tổ chức có hành vi cố ý hoặc vô ý vi phạm các quy định của pháp luật trong lĩnh vực giá sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Theo đó, tùy từng giá trị hàng hóa và mức giá mà điều chỉnh tăng lên sẽ bị xử phạt theo quy định tại điều 13 Nghị định 109/2013/NĐ - CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá.

Bình luận (0)

Lên đầu trang