Chiến sự Ukraine “phủ bóng” hội đàm song phương Mỹ - Trung

Thứ Ba, 15/03/2022 12:58

|

(CAO) Hôm 15-3, tờ South China Morning Post đưa tin nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc - Dương Khiết Trì đã gặp cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan tại Rome (Ý) vào hôm 14-3, khi cuộc chiến ở Ukraine có nguy cơ trở thành nguồn cơn căng thẳng mới giữa hai nước.

Các quan chức Mỹ cho biết trong 7 giờ đồng hồ hội đàm, hai ông Dương Khiết Trì và Sullivan đã thảo luận về toàn bộ căng thẳng đang chia rẽ Washington và Bắc Kinh, nhưng họ tập trung nhiều vào Ukraine, với cảnh báo của Mỹ rằng Trung Quốc sẽ phải đối mặt với hậu quả nghiêm trọng nếu nước này hậu thuẫn Nga trong cuộc chiến.

“Những gì chúng tôi đã truyền đạt - và những gì đã được cố vấn an ninh quốc gia của chúng tôi truyền đạt trong cuộc họp này - đó là, nếu họ cung cấp quân sự hoặc hỗ trợ khác tất nhiên là vi phạm lệnh trừng phạt hoặc hỗ trợ nỗ lực chiến tranh, thì sẽ có những hậu quả đáng kể” - phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki cho biết.

Các bình luận được đưa ra là dấu hiệu mới nhất cho thấy cuộc tấn công của Nga vào Ukraine vào cuối tháng trước càng làm tăng thêm sự ngờ vực trong mối quan hệ vốn đã căng thẳng của Washington với Bắc Kinh. Căng thẳng Mỹ - Trung trong bối cảnh có thông tin cho rằng Moscow đã yêu cầu Bắc Kinh hỗ trợ quân sự và tài chính trong cuộc chiến.

Psaki từ chối thảo luận về hình thức các biện pháp trừng phạt có thể áp dụng, nhưng bà cho biết rằng chúng sẽ do Mỹ khởi xướng và được thực hiện với sự phối hợp của các đồng minh.

Bà nói: “Không phải là thay đổi suy nghĩ của họ (về bản chất mối quan hệ của họ với Nga) mà còn là việc làm rõ với họ về hậu quả sẽ là gì nếu họ thực hiện các hành động bổ sung để hỗ trợ cuộc chiến của Nga đối với Ukraine”.

Trong khi đó, 1 bản tin của Trung Quốc về cuộc họp nói rằng ông Dương Khiết Trì đã cảnh báo Mỹ không nên hiểu sai lập trường của Bắc Kinh về cuộc chiến, vốn đã được tranh luận ở Washington trong bối cảnh Trung Quốc từ chối lên án chiến dịch quân sự của Nga cho đến nay.

"Ông Dương Khiết Trì nhấn mạnh rằng Trung Quốc kiên quyết phản đối bất kỳ lời nói hoặc việc làm nào truyền bá thông tin sai lệch, xuyên tạc hoặc bôi nhọ lập trường của Trung Quốc" - một báo cáo của truyền thông nhà nước cho biết.

Báo cáo cho biết thêm rằng ông Trì, một ủy viên Bộ Chính trị và là Trưởng ban đối ngoại của Đảng Cộng sản, nói với ông Sullivan rằng “tình hình ở Ukraine đã đi đến mức mà phía Trung Quốc không muốn thấy”.

"Trung Quốc cam kết thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình và cộng đồng quốc tế nên cùng hỗ trợ các cuộc đàm phán hòa bình Nga-Ukraine, đạt được kết quả thực chất càng sớm càng tốt và mong muốn thúc đẩy tình hình hạ nhiệt" – ông Trì nói.

Cuộc gặp giữa Sullivan và ông Trì diễn ra một ngày sau khi Sullivan cảnh báo Bắc Kinh rằng họ sẽ phải đối mặt với “hậu quả” nghiêm trọng nếu điều này giúp Nga né tránh các lệnh trừng phạt.

Triệu Lập Kiên, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đã phủ nhận các báo cáo của phương tiện truyền thông Mỹ rằng Moscow đã yêu cầu Bắc Kinh hỗ trợ quân sự.

“Phía Mỹ đã nhiều lần phổ biến thông tin sai lệch về Trung Quốc về vấn đề Ukraine và họ rất thiếu thiện chí” - ông nói hôm 14-3 tại Bắc Kinh.

Một quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ đã nói ngắn gọn với các phóng viên sau cuộc họp rằng ông Trì và Sullivan cũng đã thảo luận về Triều Tiên, căng thẳng ở eo biển Đài Loan và tầm quan trọng của việc duy trì các đường dây liên lạc cởi mở.

“Đó là một phiên họp kéo dài bảy giờ căng thẳng phản ánh tầm quan trọng của thời điểm này cũng như cam kết của chúng tôi trong việc duy trì các đường dây liên lạc cởi mở” - quan chức này cho biết.

Phái đoàn Mỹ - Trung gặp nhau tại Rome - Ảnh: Tân Hoa Xã

Quan chức giấu tên vì tính nhạy cảm của các cuộc thảo luận nói rằng kế hoạch cho cuộc gặp đã bắt đầu từ nhiều tháng trước, sau khi nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp nhau vào tháng 11.

Người phát ngôn của Liên minh châu Âu Nabila Massrali cho biết sẽ không có quan chức EU nào gặp ông Trì trong chuyến đi.

Bà cũng nói rằng Brussels “không có bằng chứng” về việc Nga yêu cầu Trung Quốc hỗ trợ quân sự và cho biết: “Chúng tôi không thể xác nhận hoặc phủ nhận bất kỳ cáo buộc nào về việc Nga yêu cầu Trung Quốc hỗ trợ. … Nhưng chúng tôi liên hệ chặt chẽ với Mỹ về tất cả các vấn đề liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine, bao gồm cả vị trí của Nga”.

Trước cuộc họp giữa Sullivan và ông Trì, Pang Zhongying, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Hải dương Trung Quốc, cho biết: “Cuộc gặp này sẽ là chìa khóa để Mỹ xác định liệu Trung Quốc có thể bị vô hiệu hóa hay Bắc Kinh sẽ giúp Nga ở mức không có giới hạn”.

Quan hệ đối tác giữa Trung Quốc và Nga đã hình thành một khối đoàn kết bền chặt đến mức Mỹ không cần hoặc không thể đối xử riêng rẽ với họ.

“Hai điều trong cuộc thảo luận về Ukraine sẽ giúp Mỹ đưa ra kết luận này: liệu Trung Quốc có cung cấp vũ khí cho Nga hay không, và liệu Bắc Kinh có cung cấp huyết mạch kinh tế cho Nga hay không” – chuyên gia nhận định.

“Tất nhiên bây giờ Trung Quốc thể hiện mình như thế nào thì vẫn chưa rõ. Nhưng câu hỏi lớn được đặt ra là liệu có quá muộn để Trung Quốc rút lui khỏi vị thế cũ hay không” – người này nói.

Wally Adeyemo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ hôm 14-3 cho biết ông chưa thấy bằng chứng cho thấy Trung Quốc đang vi phạm các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga, đồng thời nói thêm rằng Bắc Kinh bị hạn chế về những gì họ có thể cung cấp.

“Trung Quốc không thể cung cấp cho Nga những gì họ không có” - Adeyemo nói trong một cuộc phỏng vấn với CNBC.

“Và điều mà Nga cần nhất là nước này sẽ cần những thứ như chất bán dẫn trong tương lai, chất bán dẫn mà Trung Quốc không có và không thể cung cấp chúng”.

Ông Dương Khiết Trì - Ảnh: AP

Ông nói thêm: “Các tổ chức tài chính Trung Quốc và nhà nước Trung Quốc đã rất thận trọng về việc vi phạm không chỉ các lệnh trừng phạt của Mỹ mà cả các lệnh trừng phạt do các nước khác đưa ra. Chúng tôi chưa thấy bất kỳ bằng chứng nào cho thấy Trung Quốc đã làm bất cứ điều gì để vi phạm các lệnh trừng phạt của chúng tôi”.

Ren Xiao, giáo sư chuyên về quan hệ Trung - Mỹ tại Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải, cho biết ông tin rằng hai bên sẽ cố gắng hạn chế tác động của tình hình Ukraine đối với mối quan hệ của họ và Bắc Kinh sẽ bày tỏ sự bất bình trước quan điểm của Mỹ đối với Đài Loan.

“Các chính sách của Trung Quốc về Ukraine đã khá rõ ràng và những chính sách này có thể sẽ tiếp tục. Trung Quốc sẽ không tham gia các lệnh trừng phạt của phương Tây” - ông nói.

Bình luận (0)

Lên đầu trang