'Đám cưới địa ngục' của hai tập đoàn hoá học hàng đầu thế giới

Thứ Sáu, 14/10/2016 00:22  | Bảo Tâm (Pháp)

|

(CAO) Tháng 10- 2016, trên các tờ báo Pháp và Đức (chủ yếu Le Figaro, Der Spielgel và manager-magazin) đưa tin Tập đoàn Bayer (tại thành phố Leverkusen, Đức) mua lại Monsanto (Mỹ) với giá là 59 tỷ Euro (66 tỷ USD).

Giới báo chí e ngại rằng “đám cưới” của hai công ty hóa chất lớn nhất nhì hành tinh này hợp thành một công ty duy nhất đứng hàng đầu thế giới trong mảng thị trường hạt giống và chất khai quang, tiêu diệt côn trùng sẽ đem lại nhiều hậu quả khôn lường.

Sau khi hai công ty hóa học Dow Chemical và DuPont quyết định sát nhập với nhau để trở thành Dow DuPont thì công ty hóa học Trung Quốc ChemChine cũng muốn "thanh toán" Syngenta, công ty hóa học Thụy Sĩ lại làm một.

Bayer và Monsanto là sự kết hợp giữa hai tập đoàn từ lâu nay đã cung cấp cho chúng ta thực phẩm, thuốc men và ảnh hưởng lớn đến cách trồng trọt canh tác của con người

Đây là một "đám cưới lớn nhất" cho tới giờ của kỹ nghệ Đức. Dự tính Bayer-Monsanto sẽ trở thành một người khổng lồ trong kỹ nghệ hóa học với doanh thu là 23 tỷ Euro một năm và kiểm soát 140.000 công nhân.

Số tiền 129USD cho mỗi một điểm chứng khoán được Bayer đề nghị. Ngày 14-9-2016, tổng giám đốc Bayer ông Werner Baumann ký với tổng giám đốc Monsanto ông Hugh Grant hợp đồng thỏa thuận mua bán, với một văn bản gồm 80 trang giấy.

Vì vậy, hầu hết các vụ án khởi tố của Monsanto có thể bị tiêu hủy vì trên nguyên tắc công ty này bị bán đi, không còn danh nghĩa tồn tại nữa.

Công ty Monsanto, ở St. Louis, Missouri, được thành lập năm 1901 bởi John Francis Queeny, ông lấy họ của vợ làm tên công ty.

Trong thời điểm mua bán này, Monsanto có 22.500 nhân công trên 66 nước trên thế giới và có doanh thu 15USD, lợi nhuận 2,3USD một năm và chiếm lĩnh 30% thị trường thế giới về sinh (thực) vật biến đổi gen (OGM, Organisme genetiquement modifie, tiếng Anh viết là GMO, Genetically modified organism). Hugh Grant, tổng giám đốc của Monsanto có mức lương 12USD một năm (2015).

Những thương hiệu nổi tiếng nhất của Monsanto là Dekalb, Asgrow, Deltapine, Round up.

Monsanto tham gia vào việc sản xuất chất độc khai quang Agent Orange (Chất độc da cam) rải xuống miền Nam Việt Nam trong những năm 1960, thời chiến tranh chống Mỹ.

Ngoài việc sản xuất chất hóa học được sử dụng là vũ khí chiến tranh, Monsanto là nhà sản xuất chủ yếu các hạt giống OGM trong nông nghiệp, vì thế phong trào chống Monsanto là "multinationales de l'empoisonnement" (công ty toàn thế giới về đầu độc) lan mạnh với những cuộc biểu tình hàng năm "marche mondiale contre Monsanto".

Lần cuối cùng biểu tình được tổ chức vào tháng 5-2016 trên 400 tỉnh thành toàn thế giới, trong đó có khoảng 30 tỉnh thành ở Pháp. Tháng 10-2016, một tòa án quốc tế, được gọi là "Tribunal Monsanto", thành lập bởi một cộng đồng luật gia, luật sư và các tổ chức ONG tại La Haye, sẽ được triệu tập và xử vụ án "diệt chủng môi trường" (ecocide) của Monsanto. Tuy nhiên, tòa án này không được công nhận chính thức.

Sự thống trị của Monsanto trên thị trường hạt giống và sức mạnh của Bayer trên thị trường hóa chất nông nghiệp đồng nghĩa với việc họ sẽ bán cho người nông dân cả hạt giống biến đổi gen và thuốc trừ sâu

Chịu áp lực của sự phản kháng này, những thế lực chính trị và kinh tế chịu sự chi phối của thế lực "lợi ích nhóm" tại Bruxelles, bỏ phiếu gia hạn chỉ có 18 tháng cho chất Glyphosate, một chất độc hóa học gây ung thư có trong sản phẩm khai quang Roundup của Monsanto.

Không kể đến những sự phản kháng của nhà nông châu Âu (về cây bắp và cây đậu nành làm thí dụ), những người nông dân châu Phi cũng lên tiếng phản đối: Tại sao họ phải trả cho Monsanto lệ phí cao trong khi người châu Âu không hề ăn những loại hạt đó? Và ngay cả trên đất Mỹ, chuỗi nhà hàng ăn Chipotle cũng từ chối sử dụng thực phẩm từ gen biến đổi, loại "Frankenfood" (thực phẩm của ma quỷ) như người ta đặt tên cho nó.

Quả thật vậy, ông Werner Baumann phải tuyên bố ngay lập tức, theo báo Le Figaro ngày 11-10-2016, rằng: "Đó là một điều rõ ràng. Chúng tôi không muốn mua Monsanto để áp đặt những loại thực vật bị biến đổi gen lên châu Âu. Có những người cho rằng, với uy tín mà chúng tôi đang thừa hưởng trên châu Âu, điều này sẽ dễ dàng hơn là đối với Monsanto. Nhưng sẽ không có vấn đề đó. Nếu chính trị và xã hội không muốn những hạt giống có gen biến đổi, thì chúng tôi sẽ chấp nhận điều ấy".

Ông nói như có vẻ không phải là sự việc "thuận mua vừa bán", mà sự việc dân chúng phải ăn thực phẩm gen biến đổi và những tai họa kéo theo sau đó là một "án lệnh" từ "trên" đưa xuống.

Và theo ông Werner Baumann, nếu trước đây 20 năm người ta có thể còn "nghi ngại" về thực vật biến đổi gen thì ngày hôm nay không có một bằng chứng nào chứng tỏ sự "không chắc chắn" hay là "nguy hiểm cho môi trường" của nó. Ông Werner Baumann, tổng giám đốc mới nhậm chức sau ông Marijin Dekkers được vài tuần lễ, muốn chứng minh bản lĩnh của mình.

Công ty Bayer-Leverkusen có tham vọng trở thành một công ty toàn cầu "Khoa học cho sự sống" (Life-Science) với ba cột trụ: thuốc chữa bệnh (Pharma), sức khỏe cho người tiêu thụ (Consumer Health- các loại thuốc không cần có toa bác sĩ) và Crop Science (mọi sản phẩm dùng cho nông nghiệp). Ngoài ra còn có một nhánh Animal Health được thành lập, quy tụ những sản phấm diệt trùng.

Công ty Bayer Aktiengesellschaft gồm có 307 công ty con và 116.800 công nhân, được thành lập bởi Friedrich Bayer và Johann Friedrich Weskott vào ngày 1-8-1863, cách đây 153 năm.

Tại Bayer, các chất Diacetylmorphins, Acetylsalicylsäure und Sulfonamide được sáng chế và thương mại hóa dưới các tên như Heroin, Aspirin và Prontosil thành công. Năm 1939, Gerhard Domagk đoạt giải Nobelpreis ngành Y khoa với sáng chế Prontosil (Sulfonamide), là một chất trị liệu Chemotherapie, được dùng làm chất kháng sinh.

Trong lịch sử, công ty Bayer tham gia vào việc sản xuất các loại chất gas hóa học như Chlorgas, Phosgen, Chlorpikrin và Senfgas (còn gọi là Lost) dùng làm vũ khí trong Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất. Các chất gas này làm mù mắt và gây trọng thương cho quân lính Pháp một cách thê thảm.

Chất độc màu da cam gây ảnh hưởng nặng nề đến những nạn nhân chiến tranh Việt Nam

Trong Đại chiến thế giới lần thứ hai, Hans Kühne làm giám đốc các phân xưởng kể từ năm 1935, Bayer phục vụ chiến tranh với việc sản xuất dầu máy, cao su và các loại gas.

Đến năm 1944 có đến 4.460 người của các nước khác như Ba Lan, Pháp, Bỉ, Hòa Lan... bị cưỡng bức lao động, chịu tù đày khi vi phạm luật lệ và phải chịu nhiều thiệt hại sức khỏe cho hãng Bayer. Trong hồ sơ về Bayer, người ta tìm thấy có sự kiện Bayer dùng người làm thí nghiệm: 150 người phụ nữ được mua và sau khi làm thí nghiệm tất cả đều chết, Bayer cần mua thêm người nữa, trong khoảng thời gian đó.

Công ty Bayer cũng tham dự cùng với công ty Degussa sản xuất chất hóa học Zyklon B, vốn là một chất diệt trùng, dùng để tiêu diệt người Do Thái ở các trại tập trung trong Đại chiến thế giới lần thứ hai. Lãnh nhiệm vụ thực hiện là công ty Degesch (Deutsche Gesellschaft für Schädlingsbekämpfung mbh), nắm giữ văn bằng phát minh chất Zyklon B, mà trong đó, năm 1936, thì 42,5 % cổ phần thuộc về Bayer (mang tên khi ấy là I.G. Farben), 42,5% cổ phần thuộc về công ty Degussa, sản xuất vàng, bạc miếng, và 15% cổ phần thuộc về Th. Goldschmidt.

Còn nhiệm vụ sản xuất thì được giao phó cho công ty Dessauer Zuckerraffinerie GmbH, thuộc địa phận Sachsen-Anhalt. Từ năm 1922 việc sản xuất Zyklon B đã được Degesch giao cho Dessauer Werk làm thử, đến năm 1924 thì được cấp giấy phép sản xuất chính thức. Do nhu cầu chiến tranh, sau này việc sản xuất Zyklon B được mở rộng thêm ra ở những công ty khác.

Năm 1954, Bayer sáng lập với Monsanto một công ty chung mang tên là MOBAY (hai chữ đầu của Monsanto và Bayer) ở Pittsburgh, sản xuất chất độc da cam Agent Orange dùng trong chiến tranh Việt Nam, cho đến năm 1967 thì MOBAY là công ty có 100% vốn của Bayer.

Hiện tại, Bayer và Syngenta đang đối mặt với tố cáo của những người bảo vệ môi trường về vấn đề chất diệt bệnh và côn trùng clothiandin, imidacloprid thuộc dòng néonicotinoïdes của họ sản xuất cũng tiêu diệt luôn loài ong. Đài truyền hình Europe 1 đưa tin vào ngày 29-4-2016 có một triệu người trên thế giới ký bản kiến nghị yêu cầu ngừng bán những chất này.

Nhà nông Việt Nam, nếu phải mua lúa giống để gieo trồng của Monsanto (hay những thương hiệu bán lại của Monsanto) thì lúa giống chỉ nảy mầm một lần, không ủ lúa giống được, khi mất mùa thì mất hết và phải mua lại lần nữa, cứ mỗi lần gieo là một lần phải mua hạt giống.

Công thức biến đổi gen này đã được Monsanto hợp thức hóa trên thế giới bằng văn bản "bằng cấp" phát minh, nên muốn tránh nó, thí dụ như dùng lúa nảy mầm thiên nhiên thì phải dùng lúa giống không có trong danh sách "bằng cấp" của Monsanto.

Sử dụng lúa giống của Monsanto thì cái hại trước mắt cho nhà nông là phá sản mỗi khi mất mùa và đồng thời gây ra nạn đói cho dân chúng vì cứ phải mua hạt giống mỗi lần trồng.

Ở châu Âu hiện tượng này đã xảy ra với nhiều loại rau củ quả, như quả cà chua, bắp, đậu nành, hoa hướng dương... thậm chí đến khoai lang tây, một số củ khoai giống không nảy mầm được nữa.

“Đám cưới” Bayer và Monsanto được giới báo chí Pháp và Đức bày tỏ lo ngại, mà theo một số nhà nông nghiệp và những người bảo vệ môi trường cho là "đám cưới địa ngục".

Bình luận (0)

Lên đầu trang