(CAO) Hôm 5-11, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) cho biết, giá lương thực toàn cầu đã đạt mức cao nhất trong hơn một thập kỷ sau khi tăng hơn 30% trong năm ngoái.
Các số liệu của cơ quan này cho thấy chi phí tăng cao của ngũ cốc và dầu thực vật trên khắp thế giới.
Giá dầu thực vật đạt mức cao kỷ lục sau khi tăng gần 10% trong tháng 10.
Sự gián đoạn nguồn cung cấp, giá hàng hóa cao, đóng cửa nhà máy và căng thẳng chính trị đang cộng hưởng đẩy giá tăng lên.
FAO cho biết thước đo giá ngũ cốc của họ đã tăng hơn 22% so với một năm trước đó.
Giá lúa mì là một trong những nhân tố chính góp phần vào sự gia tăng này, tăng gần 40% trong 12 tháng qua sau khi các nhà xuất khẩu lớn - như Canada, Nga và Mỹ có vụ thu hoạch kém.
Peter Batt, một chuyên gia kinh doanh nông nghiệp tại Trường Kinh doanh Curtin nói với BBC: “Trong trường hợp của ngũ cốc, chúng ta đang đối mặt với một tình huống mà người ta có thể nói rằng chính biến đổi khí hậu đang khiến sản lượng sụt giảm. Chúng ta đã có những năm thu hoạch khá tồi tệ ở nhiều nơi".
Giá lương thực toàn cầu tăng cao nhất trong vòng 10 năm - Ảnh: BBC
FAO cho biết chỉ số giá dầu thực vật được đẩy lên do giá dầu cọ, đậu nành, hướng dương và hạt cải dầu tăng.
Trong trường hợp dầu cọ, giá đã được đẩy lên cao hơn sau khi sản lượng từ Malaysia "giảm xuống" do tình trạng thiếu hụt lao động nhập cư liên tục, FAO cho biết.
Tình trạng thiếu lao động cũng đang góp phần đẩy chi phí sản xuất và vận chuyển thực phẩm ở các nơi khác trên thế giới tăng cao.
Việc gián đoạn vận chuyển do dịch Covid-19 cũng đang đẩy giá sữa lên cao, với giá thành của các sản phẩm sữa tăng gần 16% so với năm ngoái.
Brigit Busicchia từ Đại học Macquarie nhấn mạnh giá lương thực tăng cao thường được người nghèo cảm nhận một cách sâu sắc nhất, vì các nhóm thiệt thòi sẽ ngày càng lún sâu vào nghèo đói vì giá lương thực tăng và điều này có khả năng làm gia tăng căng thẳng xã hội và chính trị.