Thương vụ khí hóa lỏng lớn nhất từ trước tới nay giữa hai nước Mỹ - Trung

Thứ Sáu, 05/11/2021 10:15

|

(CATP) Nằm trong mục tiêu thực hiện quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu đồng thời khẳng định ý nghĩa to lớn đối với việc hiện thực hóa "carbon kép" của Trung Quốc (cắt giảm khí thải CO2 ở mức cao nhất vào năm 2030 và đạt trung hòa carbon trước năm 2060), sau thời gian bàn bạc, ngày 4-11-2021 Tập đoàn Hóa dầu Trung Quốc (Sinopec) và Công ty Venture Global của Mỹ đã chính thức ký kết thỏa thuận mua bán khí hóa lỏng (LNG) quy mô lớn nhất từ trước tới nay giữa hai nước với thời hạn lên tới 20 năm, cho phép cung cấp mỗi năm 4 triệu tấn LNG, nằm trong nỗ lực đảm bảo nguồn cung LNG ổn định dài hạn cho Trung Quốc giữa lúc nước này đang nỗ lực đối phó với vấn đề an ninh nhiên liệu.

Theo trang web của Bộ Năng lượng Mỹ, thương vụ mua bán khí hóa lỏng dài hạn lớn nhất mà Trung Quốc ký kết với Mỹ từ trước đến nay diễn ra giữa lúc tình trạng thiếu hụt năng lượng ở quốc gia đông dân nhất thế giới này tiếp tục ảnh hưởng trực tiếp đến ngành công nghiệp và chuỗi cung ứng toàn cầu, trong bối cảnh nền kinh tế số 2 thế giới đang tìm cách giải quyết tình trạng thiếu điện nghiêm trọng. Trước đó, Công ty khí đốt tư nhân ENN và Tập đoàn Cheniere Energy cũng đã ký kết hợp đồng 13 năm, đánh dấu thỏa thuận thương mại lớn nhất giữa Mỹ - Trung từ năm 2018.

Trong thương vụ mua khí đốt hóa lỏng từ Mỹ mà Trung Quốc đã ký có hợp đồng với Unipec - công ty con của Sinopec, cung cấp 1 triệu tấn LNG/năm trong vòng 3 năm bắt đầu từ tháng 3-2023. Hiện cả hai tập đoàn đều từ chối bình luận về thông tin trên, dù theo các chuyên gia, thỏa thuận đã đạt được từ tháng trước. Trên thực tế, LNG có thể trở thành nguồn cung dồi dào cho lĩnh vực công nghiệp và sản xuất điện khí, giữa lúc giá khí đốt tăng cao và tình trạng thiếu điện trong nước vừa qua đã làm dấy lên nhiều lo ngại tại Trung Quốc về vấn đề an ninh nhiên liệu, khi 8 tháng đầu năm Bắc Kinh đã phải nhập gần 26 triệu tấn LNG từ Mỹ và Úc.

Nhiều nhà máy nhiệt điện ở Trung Quốc đang lâm vào tình trạng thiếu than đốt nghiêm trọng

Trước đó, trong bài phát biểu được thu phát qua video tại cuộc họp thường niên của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ngày 21-9, Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình đã cam kết chống biến đổi khí hậu, cho biết nước này sẽ không xây dựng các dự án nhiệt điện than mới ở nước ngoài đồng thời sẽ giảm sự phụ thuộc vào điện than trong kế hoạch giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu, chính vì thế LNG trở thành nguồn năng lượng sạch giữ vai trò ngày càng thiết yếu đối với Trung Quốc, giúp đảm bảo những cam kết của Bắc Kinh trong việc giảm lượng khí thải carbon, đáp ứng các mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Trên thực tế, khủng hoảng năng lượng đã ảnh hưởng đến hàng loạt quốc gia, dẫn đến hậu quả có thể kéo dài nhiều năm và giữa lúc hội nghị thượng đỉnh mang tính bước ngoặt về biến đổi khí hậu đang diễn ra tại vương quốc Anh thì khủng hoảng năng lượng bất ngờ ập đến đã đe dọa các chuỗi cung ứng vốn đã bị "kéo căng" do đại dịch, thêm những yếu tố tác động khác làm cạn kiệt nguồn dự trữ, trong đó mối quan hệ Trung Quốc - Australia trở nên xấu đi khiến Bắc Kinh ngừng nhập khẩu than của Down Under cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn cung.

Khủng hoảng đang lan từ thị trường năng lượng này sang thị trường năng lượng khác và điều quan trọng mà các quốc gia khó thể kiểm soát được chính là thời tiết, một phần do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Tại châu Á, giá LNG từ dưới 5 USD vào tháng 9 - 2020 đã lên hơn gấp 11 lần vào tháng 10 năm nay. Tình trạng thiếu hụt năng lượng ngày càng trầm trọng do thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp. Khủng hoảng về điện cũng làm gia tăng áp lực đối với kinh tế Trung Quốc, vào đúng thời điểm nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới giảm tốc do các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt vì Covid-19. Trong khi đó, đối mặt với tình trạng giá khí đốt và giá điện tăng cao kỷ lục, cuộc họp nhóm Bộ trưởng Tài chính các quốc gia thành viên khu vực đồng tiền chung châu Âu diễn ra vào thượng tuần tháng 10 vừa qua tại Luxembourg đã thảo luận đưa ra biện pháp giúp các quốc gia thành viên có thể đối phó với giá năng lượng ngày càng tăng hiện nay...

Bình luận (0)

Lên đầu trang