Thế giới năm 2022: Hàn gắn trong xung đột, dĩ hòa các cực đối trọng

Thứ Sáu, 20/01/2023 20:34

|

(CATP) Tiếp nối các xung đột thương mại - công nghệ đang diễn ra giữa Mỹ - Trung Quốc (TQ), cuộc chiến Nga - Ukraine khởi đầu vào tháng 02-2022 đã chính thức khuếch đại mâu thuẫn giữa phương Đông và phương Tây dồn nén từ sau Chiến tranh Lạnh, bùng nổ thành những đứt gãy toàn diện trên mọi lĩnh vực: từ năng lượng, lương thực, công nghệ đến nguyên liệu và cả ý thức hệ về chính trị, bản sắc, văn hóa. 


Tuy nhiên, khi chuỗi xung đột Đông - Tây dần leo thang một cách phi lý trí đến sát lằn ranh của các “giới hạn đỏ” từ cả hai phía, xu hướng hòa giải đã kịp xuất hiện để vãn hồi tình hình đồng thời giúp “hạ nhiệt” căng thẳng, cho thấy sự tỉnh táo lý tính cần thiết vẫn tồn tại trong quan hệ quốc tế ngay cả khi các nhân tố bất ổn được đẩy đến cao trào. Trong đó, không thể phủ nhận nhóm quốc gia trung lập - đặc biệt là những nước nhỏ - tiếp tục trở thành tâm điểm định hình các vành đai liên kết, những hệ thống “vành nan hoa” mới nhằm điều phối xung đột đồng thời củng cố kết nối giữa các phe nhóm đối trọng lẫn nhau.

Từ những chấn động gây đứt gãy ở các trục chính...

Trong bối cảnh thế giới đang nỗ lực phục hồi sau các tổn thất kinh tế - xã hội từ đại dịch Covid-19, thì “di sản” của xung đột thương mại - công nghệ giữa trục Mỹ - Trung vẫn được duy trì khiến các đứt gãy về chuỗi cung ứng với xu hướng phân tách dần khỏi “công xưởng thế giới”.

Xu hướng di chuyển dòng vốn nước ngoài sang các khu vực sản xuất thay thế tại Đông Nam Á và Nam Á vốn chưa đủ điều kiện cạnh tranh về giá và hệ thống công nghiệp phụ trợ chuyên nghiệp như TQ làm cho giá cả hàng hóa tăng cao. Đỉnh điểm của sự đứt gãy Mỹ - Trung được xác lập từ chuyến thăm Đài Loan (Trung Quốc) đầu tháng 8-2022 của Chủ tịch Hạ viện Mỹ lúc đó là bà Nancy Pelosi đã khiến thị trường xuất khẩu linh kiện bán dẫn của thế giới gần như tê liệt.

Tác động từ đứt gãy quan hệ ở trục Mỹ - Trung càng thêm trầm trọng khi cuộc chiến Nga - Ukraine bùng nổ, kích hoạt xu hướng phân tách kinh tế giữa trục Nga - châu Âu thông qua 8 lần công bố các gói trừng phạt nhằm phong tỏa ảnh hưởng văn hóa, lợi ích kinh tế và công nghệ của Nga đối với Liên minh châu Âu (EU). Thêm vào đó, quá trình mở rộng ảnh hưởng ra phía Đông của khối NATO, tiến sát biên giới của Nga thông qua việc tăng cường quân đội ở khu vực Trung - Đông Âu, chấp thuận sự gia nhập của Thụy Điển, Phần Lan và cam kết hỗ trợ Ukraine trong cuộc chiến với Nga càng khoét sâu hơn những đứt gãy Đông - Tây giữa Nga với EU.

ASEAN-EU công bố Sách Xanh 2022 kỷ niệm 45 năm mối quan hệ đối tác

Không chỉ xuất hiện nhiều xung đột ở những trục chính giữa các cường quốc Đông - Tây, xu hướng xung đột trong năm 2022 cũng leo thang ở các tiểu khu vực như Đông Bắc Á (khi Triều Tiên liên tục phóng tên lửa đa tầm đồng thời đe dọa thử nghiệm vũ khí hạt nhân lần 3) và Đông Nam Á (khi vấn đề Myanmar vẫn chưa có bất kỳ tiến triển nào theo khuôn khổ Đồng thuận 5 điểm mà ASEAN đã đạt được với chính quyền quân sự).

... Đến xu hướng kiến tạo nhóm vành đai liên kết mới

Sự leo thang xung đột trong nửa đầu năm 2022 không chỉ tạo nên các đứt gãy nghiêm trọng trong chuỗi cung ứng Đông - Tây, mà còn khiến giá cả hàng hóa và lạm phát tăng cao ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Điều này đã định hình các xu hướng giảm thiểu thiệt hại từ nhóm nước lớn nằm giữa các trục đứt gãy nhằm điều hướng tương tác kinh tế sang những vành đai liên kết mới thay thế cho khuôn khổ cũ đã bị phong tỏa.

Trong đó, Nga đã kịp hoàn thành hai tuyến hành lang kinh tế quan trọng gồm tuyến đường biển Bắc cực (NSR) kết nối bờ tây và bờ đông lãnh thổ Nga, tuyến hành lang vận tải quốc tế Bắc - Nam (INSTC) từ Trung Á xuống Nam Á, đồng thời cũng thúc đẩy tuyến hành lang thương mại Vladivostok - Chennai (VCMC) đi từ bờ đông lãnh thổ Nga sang Nam Á. Với sự ủng hộ của nhiều quốc gia châu Á trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế phương Đông và trọng tâm là mối quan hệ đối tác chiến lược đặc quyền Nga - Ấn, dường như chính quyền Tổng thống Putin đã đạt nhiều tiến triển trong chiến lược “hướng Á” nhằm thay thế thị trường truyền thống châu Âu đang bị phong tỏa.

Tính đến ngày 16-10-2022, hơn 7,7 triệu tấn nông sản của Ukraine đã được xuất khẩu theo “Sáng kiến lương thực Biển Đen” (Ảnh: Reuters)

Về phía TQ, nước này cũng kịp tung ra nhiều chiến lược như Sáng kiến An ninh Toàn cầu (GSI) vào tháng 4-2022 và Sáng kiến Phát triển Toàn cầu (GDI) vào tháng 9-2022 đi kèm quá trình củng cố hàng loạt hành lang kinh tế mới như Vành đai phát triển kinh tế Lan Thương - Mekong (MLEDB) nhằm tăng cường kết nối với các tuyến hành lang kinh tế TQ - Đông Dương (CIPEC) và hành lang thương mại quốc tế hải - bộ mới (NILSTC) được xây dựng trước đây. Kết hợp với các tuyến hành lang kinh tế TQ - Myanmar (CMEC) và hành lang kinh tế TQ - Pakistan (CPEC) xoay quanh tâm điểm là Sáng kiến kết nối Trùng Khánh, chuỗi hành lang này sẽ tạo nên chiến lược liên kết kinh tế nối 5 vịnh từ vịnh Bột Hải - vịnh Lớn của TQ đến vịnh Bắc bộ, vịnh Thái Lan, vịnh Bengal ở Đông Nam Á và Nam Á.

Không chỉ vậy, xu hướng kiến tạo các liên kết kinh tế thay thế cũng được thúc đẩy ở khu vực EU. Điển hình là sự đẩy mạnh các dự án tự lực về quốc phòng trong khuôn khổ Cấu trúc Hợp tác Thường trực (PESCO), Nhóm sáng kiến các nước nhỏ EU (SCI) về an ninh y tế và phục hồi du lịch, chuỗi các hành lang kinh tế như hành lang Bothnian hướng đến Bắc cực thuộc Mạng lưới giao thông xuyên châu Âu (TEN-T), sáng kiến phát triển bền vững biển Baltic thuộc Hội đồng các quốc gia biển Baltic (CBSS), hợp tác Bắc Âu - Baltic - Visegrad (NB8-Visegrad) chuyên về phục hồi kinh tế, chuyển đổi năng lượng và biến đổi khí hậu cùng với việc hoàn thành các đường ống khí đốt mới như đường ống khí đốt Baltic, đường ống phía đông Địa Trung Hải (EastMed)... nhằm giảm phụ thuộc năng lượng vào bên ngoài.

Và sự định hình “trạng thái bình thường mới” dĩ hòa giữa các cực đối trọng

Có thể thấy xu hướng leo thang căng thẳng nửa đầu năm 2022 đã cùng lúc thúc đẩy sự định hình trật tự thế giới mới cùng sự gia tăng ảnh hưởng của nhóm các quốc gia trung lập với mong muốn vãn hồi hòa bình và “giảm nhiệt” xung đột. Trong đó, sự trung lập của những khối các nước nhỏ như Hiệp hội ASEAN, Tổ chức Hợp tác Nam Á (SAARC), Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), Hội đồng các quốc gia vùng Vịnh (GCC), Tổ chức các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), Liên hiệp châu Phi (AU) và Tổ chức Hợp tác các nước châu Mỹ (OAS) trong việc duy trì quan hệ cân bằng giữa các cực đối trọng như Mỹ - TQ, Liên minh châu Âu - Nga đã góp phần giữ các đứt gãy hiện tại không vượt quá tầm kiểm soát.

Sự điều phối hiệu quả của nước Chủ tịch Campuchia trong việc tổ chức thành công Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN mở rộng vào tháng 11, bên cạnh vai trò chủ nhà của Indonesia trong việc tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh G-20 và của Thái Lan về công tác tổ chức Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC cho thấy vai trò trọng tâm của các nước ASEAN trong việc kiến tạo xu hướng đối thoại liên khu vực giữa một thế trận Đông - Tây nhiều đứt gãy.

Các cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - TQ bên lề Thượng đỉnh G-20, gặp gỡ cấp cao Trung - Nhật bên lề Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC, quá trình hòa giải được ghi nhận giữa Nhật Bản - Hàn Quốc cũng như sức ép từ phương Tây đến Ukraine nhằm thúc đẩy đàm phán với Nga là những chỉ dấu quan trọng cho thấy hiệu quả của các xu hướng kiến tạo hòa bình đang trỗi dậy trở lại vào cuối năm 2022.

Nhìn chung, xu hướng hàn gắn trong xung đột đang diễn ra cho thấy sự định hình một trật tự thế giới lý tính hơn, cân bằng hơn giữa các cực đối trọng lẫn nhau nhưng vẫn muốn duy trì tồn tại hòa bình và sự phụ thuộc lẫn nhau về lợi ích. Vai trò của các nước nhỏ ngày càng được tăng cường cho thấy xu hướng phát triển bền vững nhằm ổn định hòa bình thế giới - một bước tiến quan trọng trong việc định hình trật tự thế giới đa cực mới, trong đó giảm dần tham vọng bá quyền truyền thống của một vài nước lớn. 

Bình luận (0)

Lên đầu trang