Bầu cử Anh:

Khả năng Anh rút ra khỏi Liên minh châu Âu

Thứ Sáu, 08/05/2015 17:30  | 

|

(CAO) Truyền thông quốc tế đang dõi theo cuộc bầu cử Hạ viện Anh diễn ra vào ngày 7-5-2015.

 

Hệ thống chính trị Anh gồm Thượng viện (House of Lords) và Hạ viện (House of Commons). Nữ hoàng Anh Elisabeth II chỉ có nhiệm vụ thực hiện các nghi lễ như tuyên bố danh tính thủ tướng và các thượng nghị sĩ, khai mạc quốc hội và giải tán quốc hội theo yêu cầu từ thủ tướng.

Cuộc bầu cử Hạ viện Anh được tổ chức với 50.000 điểm bỏ phiếu đặt tại các trường học, nhà thờ, quán rượu … với 650 vùng cử tri phân bổ theo tỉ lệ quân bình 45 triệu người/phiếu và chỉ được bầu một vòng/lượt. 

Gọi tắt là Anh quốc, nhưng thật ra nước Anh là một vương quốc liên hiệp  gồm bốn quốc gia là Anh (England), Scotland, Wales, và Bắc Ireland, cùng các lãnh thổ hải ngoại. 

Hạ viện Anh, trong lần bầu cử năm 2010 gồm 650 ghế dân biểu, trong đó đảng Bảo thủ (Conservative Party) cầm quyền chiếm 302 ghế, đảng Tự do dân chủ (Liberal Democrats) chiếm 56 ghế, đảng Lao động (Labour Party) chiếm 256 ghế, ba đảng nhỏ khác chiếm 36 ghế còn lại.

Cuộc bầu cử Hạ viện 2015 có thể được xem là cuộc bầu cử "gián tiếp" trả lời cho câu hỏi Anh có rút khỏi Liên minh châu Âu (EU) hay không. Sở dĩ có diễn biến này vì hai ứng cử viên mạnh nhất trong đợt bầu lần này  có hai chương trình tranh cử đối lập nhau. Ông David Cameron muốn rút khỏi EU, còn ông Ed Miliband- 45 tuổi, dẫn đầu đảng Lao động không muốn rút. 

David Cameron sẽ phải trả lời câu hỏi "Anh có rút khỏi EU không" trong thời gian tới - Ảnh: AP

Kết quả tạm thời vào lúc 23 giờ ngày 7-5-2015 cho thấy: Đảng Bảo thủ chiếm 316 ghế (thêm 14 ghế), đảng Liberal Democrats có 10 ghế (mất 46 ghế), đảng Lao động đoạt 239 ghế (mất 17 ghế), đảng Dân tộc Scotland (SNP) thắng lớn với 58 ghế.

Như thế đảng Bảo thủ do thủ tướng David Cameron dẫn đầu đã thắng trong cuộc bầu cử, tiếp tục nhiệm kỳ thứ hai từ 2015 cho đến 2020, tuy rằng về vấn đề cân đối lực lượng cánh tả, cánh hữu thì Cameron không chiếm được đa số, tức là phải có 326 ghế. Cameron sẽ phải kết hợp với những đảng khác để hành động.

Thủ tướng David Cameron, 48 tuổi, xuất thân từ một gia đình giầu có, gốc Do Thái, hành nghề ở thị trường chứng khoán. Theo như lời hứa hẹn trước lúc bầu cử, ông Cameron cam kết nếu tái đắc cử nhiệm kỳ lần hai ông sẽ tổ chức trưng cầu dân ý vào năm 2017 để dân chúng quyết định có rút khỏi EU hay không.

Trước giờ Cameron luôn "khuấy động" chính trường Liên minh châu Âu vì ông luôn chống lại các nghị quyết về ngân sách của khối, chống lại việc bầu ông Jean-Claude Juncker làm chủ tịch Cơ quan quản lý khối Liên minh châu Âu (Commission européenne) vào tháng 11-2014 vừa qua.

Cũng vì áp lực chính trị từ phía cánh hữu mà Cameron phải hứa tổ chức trưng cầu dân ý về EU, và có thể ông sẽ là thủ tướng đầu tiên tuyên bố sẽ rời khỏi khối này.

Theo báo chí châu Âu thì Cameron với tính cách cá nhân kiêu ngạo và kiểu cách quý phái không được dân chúng ưa thích cho mấy. Một số tham dò ý kiến dân chúng Anh  cho thấy tình hình dân Anh đa số đều không ưa thích Liên minh châu Âu, khi họ cảm thấy London bị ràng buộc và muốn rút ra. Cho nên  hứa hẹn sẽ rút ra khỏi EU của Cameron là "chiêu" giúp ông hút phiếu từ cử tri. Kết quả sơ bộ ban đầu đã thể hiện rõ điều này khi đảng Bảo thủ của David Cameron thành đảng mạnh nhất trong Hạ viện nhiệm kì 2015-2020.

Ngoài ra, trong chương trình ứng cử, Cameron hứa sẽ tăng thêm ngân sách cho bảo hiểm sức khỏe lên10,8 tỷ Euro.

David Cameron đã từng tổ chức trưng cầu dân ý cho câu hỏi và cũng là quyết định cho sự kiện "Scotland (Écosse) có phải là một quốc gia độc lập hay không ?" vào ngày 18-9-2014, và kết quả là "không!" chiếm 84,59% số phiếu bầu.

Hy Lạp đang đứng trên bờ vực "tiến thoái lưỡng nan", rút ra hay không rút ra khỏi Liên minh châu Âu, nhưng chính quyền mới của Hy Lạp với thủ tướng Alexis Tsipras, vừa đắc cử vào tháng một năm 2015, lại không quả quyết bằng David Cameron.

Sự kiện Anh quốc có thể sẽ rút ra khỏi Liên minh châu Âu vào năm 2017 sẽ có ảnh hưởng lên sự tham dự của nước Anh trong các liên kết với châu Âu và trên bình diện quốc tế .  

Bảo Tâm (từ Pháp)

Bình luận (0)

Lên đầu trang