Những "ngôi sao" khởi nghiệp sớm lâm vòng lao lý:

Kỳ 2: Doanh nhân trẻ và vết nhơ "thổi" giá thuốc điều trị

Thứ Ba, 18/04/2023 12:42

|

(CATP) Năm 2015, Martin Shkreli từng bị dư luận Mỹ phản ứng khi "thổi" giá thuốc Daraprim - dùng để trị sốt rét, nhiễm ký sinh trùng Toxoplasma cho người bị HIV/AIDS - từ 13,5 lên 750 đôla/viên chỉ sau 1 đêm.

Giọt nước tràn ly

Tháng 12-2015, Martin Shkreli (32 tuổi) bị bắt giam, nhưng không phải vì tội nâng giá thuốc, dù Martin vẫn luôn cho rằng mình là nạn nhân của sự thù ghét và ác cảm sau hành vi trên. Thực tế cho thấy Martin bị bắt do dùng thông tin giả để lừa hàng loạt nhà đầu tư (NĐT) bỏ vốn vào các quỹ mạo hiểm do anh ta thành lập trong giai đoạn trước năm 2015 và dùng tiền vốn của quỹ sau để bù đắp các khoản lỗ của quỹ trước theo mô hình lừa đảo đa cấp về vốn.

Martin Shkrelin nổi tiếng (theo nhiều nghĩa) khá sớm: Năm 17 tuổi được nhận vào học việc ở Quỹ đầu tư mạo hiểm Cramer, Berkowitz and Company. Trong 4 năm làm việc tại đây, Martin đem lại cho quỹ món lợi lớn khi dự báo chính xác việc giảm giá của 1 công ty sinh học chuyên sản xuất thuốc giảm cân. Lúc đó, Ủy ban Giao dịch chứng khoán Mỹ đã điều tra về vụ này, nhưng thấy Martin không vi phạm.

Rời Quỹ Cramer, Martin trở thành chuyên gia phân tích tài chính cho các quỹ khác trước khi thành lập Quỹ đầu tư Elea Capital Management năm 2006, song bị lỗ do dự đoán sai. Năm 2007, Ngân hàng (NH) Lehman Brothers (đã phá sản trong khủng hoảng tài chính NH 2008-2009) kiện Elea về tội giấu lỗ và được tòa án xử thắng kiện 2,3 triệu đôla.

Tháng 9-2009, Martin cùng người bạn thời ấu thơ Marek Biestek lập Quỹ MSMB Capital Management (MSMB là những chữ cái đầu tên của hai người). Đầu năm 2011, quỹ này lỗ sạch vốn trong thương vụ bán khống 32 triệu cổ phiếu của công ty sản xuất thuốc giảm béo. Sau đó, tài sản của MSMB còn 58.500 đôla và không tham gia vào bất kỳ giao dịch nào sau tháng 02-2011.

Martin Shkreli

Thực ra, Martin đã gian dối ngay từ khi thành lập MSMB. Để thu hút được khoảng 3 triệu USD từ 8 NĐT, anh ta quyết định giấu nhẹm vụ mất vốn của Quỹ Elea và phán quyết 2,3 triệu đôla của tòa án, đồng thời tuyên bố với NĐT lớn nhất của mình rằng MSMB Capital quản lý lượng tài sản trị giá 35 triệu đôla, trong khi thực tế MSMB Capital có chưa tới 700 đôla trong tài khoản NH và tài khoản môi giới.

"Phóng lao phải theo lao"

Trong lúc MSMB Capital ngưng hoạt động trên thực tế, Martin vẫn tiếp tục gửi các bản báo cáo kinh doanh bịa đặt cho NĐT với mức lợi nhuận lên tới 40%, đồng thời lập tức cho ra đời cỗ máy hút tiền khác: Quỹ đầu tư mạo hiểm MSMB Healthcare với những cam kết hệt như khi thành lập MSMB Capital.

Từ tháng 02 đến tháng 11-2012, Martin dụ dỗ được 13 NĐT bỏ 5 triệu đôla vào Quỹ MSMB Healthcare, trong khi che giấu họ về những thất bại thảm hại trong quá khứ cùng các khoản nợ đang phải đối mặt. Martin cũng khai man rằng MSMB Healthcare quản lý số tài sản trị giá 55 triệu đôla và cùng lúc thành lập Retrophin - công ty dược phẩm sinh học chuyên về các phương pháp trị bệnh hiếm người mắc - để nhận tiền đầu tư của MSMB Healthcare.

Giống như đã làm với MSMB Capital, Martin cung cấp cho các NĐT của MSMB Healthcare những bản báo cáo kết quả kinh doanh bị thổi phồng của Retrophin. Một lần nữa, Martin biển thủ bằng cách rút tiền từ MSMB Healthcare vượt xa mức phí quản lý 1% và khoản phân bổ khuyến khích lợi nhuận ròng 20% được thỏa thuận hợp tác cho phép. Ngoài ra, Martin còn âm thầm sử dụng tài sản của MSMB Healthcare để thanh toán cho các nghĩa vụ không thuộc trách nhiệm của quỹ.

Chưa hết, để giải quyết những khoản thua lỗ và nợ nần cũ, Martin - với sự giúp sức của luật sư Greebel - đã tìm cách "hồi sinh" MSMB Capital nhằm "rút ruột" Retrophin. Tháng 12-2012, mặc dù sổ sách và hồ sơ của Retrophin không phản ánh bất kỳ khoản đầu tư nào của MSMB Capital, nhưng Martin và Greebel đã bày ra loạt giao dịch gian lận, quá hạn để có chứng cứ rằng MSMB Capital đã đầu tư vào Retrophin. Kết quả là Martin tuyên bố với Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ vào tháng 11-2012 rằng MSMB Capital vẫn đang hoạt động với 2,6 triệu đôla tài sản được quản lý.

Ủy ban Chứng khoán Mỹ nhận định, Martin lập MSMB Healthcare và Retrophin nhằm tiếp tục lừa lấy tiền của các NĐT để khỏa lấp những khoản nợ kinh doanh cũ, cũng như chi dùng cá nhân. Tháng 8-2014, Retropin quyết định sa thải Martin. Sau khi nộp đơn kiện Martin đã gây thiệt hại 65 triệu đôla, công ty này đổi tên thành Travere Therapeutics Inc. nhằm xóa đi thời kỳ "đen tối" dưới quyền của Martin.

Rời Retrophin, Martin tiếp tục đầu quân cho Công ty dược phẩm Turing và ở đây anh ta đưa ra chiến lược mới: Mua các loại thuốc hết thời hạn độc quyền để bán lại với giá mới nhằm thu lợi cao và Daraprim với giá cao gấp 50 lần là sản phẩm của chiến lược trên.

Martin Shkreli bị kết án 7 năm tù và đã mãn hạn vào tháng 5-2022 ở tuổi 39. Tuy nhiên, trước đó 3 tháng, một tòa án đã buộc Martin phải hoàn trả 64,6 triệu đôla lợi nhuận không chính đáng do vụ nâng giá thuốc để phân chia lại cho các nạn nhân trên toàn quốc, nộp phạt 1,39 triệu đôla vì "vi phạm các quy định về chứng khoán" đồng thời bị cấm vĩnh viễn đảm nhiệm chức vụ trong ngành dược và làm giám đốc các công ty truyền thông.

(Còn tiếp...)

Kỳ 1:
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang