(CATP) Khi tỷ phú duy nhất của Tanzania - Mohammed Dewji (SN 1975) và cũng là tỷ phú trẻ nhất Châu Phi năm 2017 bị các tay súng bịt mặt bắt cóc, Tạp chí Forbes ước tính giá trị tài sản của anh là 1,5 tỷ USD. Việc doanh nhân "thích thể thao và chăm làm từ thiện" rơi vào tay nhóm tội phạm có hành vi như phim xã hội đen khiến dư luận quốc gia nghèo bậc nhất "lục địa đen" này vốn yên ả đột nhiên dậy sóng.
Hành động như phim
Vụ việc xảy ra lúc 5 giờ sáng 11/10/2018 khi doanh nhân 43 tuổi này như thường lệ lái ôtô từ đường Laibon đến phòng tập thể dục tại khách sạn Colosseum ở thị trấn Oyster Bay sang trọng dành cho những người túi rủng rỉnh tiền thuộc TP. Dar es Salaam của Tanzania. Theo lời một tài xế taxi có mặt tại đây vào thời điểm trên, tỷ phú Dewji vừa rẽ vào khách sạn đã bị nhóm người đàn ông da trắng đeo mặt nạ bước tới, lôi anh ra đưa lên xe, vừa rời đi vừa bắn chỉ thiên, dù hình ảnh lấy từ camera an ninh của khách sạn không rõ.
Do vụ việc liên quan đến nhân vật nổi tiếng ở Tanzania - quốc gia Đông Phi vốn yên bình, nên cảnh sát đã huy động tổng lực vào cuộc điều tra và sau đó 1 ngày bắt giữ gần 30 người để thẩm vấn. Những trường hợp đầu tiên liên quan đến người của khách sạn trên, gồm 1 quản lý và 5 nhân viên. Cảnh sát Tanzania cho rằng, nhóm bắt cóc có thể là người Nam Phi, vì tỷ phú đã trao đổi với họ bằng tiếng địa phương của quốc gia này.
Nhận được tin dữ, ông Azim Dewji - cha của tỷ phú trẻ - cho biết: "Chúng tôi sẽ làm mọi cách để đưa con trai mình trở về an toàn. Người cung cấp thông tin giúp giải cứu Dewji sẽ được giữ kín thân phận". Gia đình sau đó đã treo thưởng 1 tỉ shilling (tiền Tanzania, tương đương 440.000 USD) cho ai cung cấp thông tin về tung tích của doanh nhân trẻ này.
Tỷ phú Mohammed Dewji và hiện trường vụ bắt cóc
Khoản tiền chuộc bí ẩn
Dù sinh ra tại Tanzania nhưng tổ tiên của Mohammed Dewji là nhóm thương nhân Ấn Độ sang Đông Phi làm ăn từ thế kỷ XIX. Là người kế nghiệp, Dewji trở thành chủ sở hữu của Mohamed Enterprises Tanzania Ltd (MeTL) - tập đoàn do cha của anh thành lập vào thập niên 70 của thế kỷ XX, hiện có cơ sở kinh doanh tại 6 quốc gia Châu Phi, chủ yếu là hàng dệt may, dầu ăn, ngũ cốc.
Tốt nghiệp Đại học Georgetown, là thành viên Quốc hội Tanzania 2 nhiệm kỳ từ năm 2005 - 2015 trước khi rút khỏi chính trường để tập trung vào việc kinh doanh của gia đình, tỷ phú Dewji là người yêu thể thao và là cổ đông chính của Câu lạc bộ bóng đá Simba SC lâu đời nhất ở Châu Phi, từng lọt vào vòng 8 Giải vô địch châu lục này năm 2003. Doanh nhân trẻ cũng nổi tiếng với việc cung cấp nước sạch ở quê nhà Singida, điều hành Quỹ Mo Dewji - cung cấp học bổng cho các học sinh muốn học lên cao thêm. Năm 2014, doanh nhân Dewji còn ra mắt dòng nước giải khát "Mo Cola" để cạnh tranh với thương hiệu Coca - Cola nổi tiếng thế giới.
Vụ bắt cóc tỷ phú tài năng gây rúng động Tanzania, vì lần đầu tiên xảy ra ở quốc gia Đông Phi vốn an toàn này, dù đây là tỷ phú đôla thứ 6 tại châu lục này bị bắt cóc trong năm 2018. Doanh nhân Dewji năm 2016 từng cam kết sẽ dành nửa gia tài cho các hoạt động từ thiện. Những kẻ bắt cóc đã yêu cầu một khoản tiền chuộc, nhưng được giữ bí mật.
Theo cảnh sát, điều lạ là không có vệ sĩ nào theo bảo vệ tỷ phú Dewji vào thời điểm xảy ra vụ bắt cóc, khi mọi ngày anh thường được lực lượng an ninh vây quanh; trong khi bắt cóc tống tiền cũng hiếm khi xảy ra ở TP. Dar es Salaam, nơi được xem là khá yên bình so với những thành phố khác ở Châu Phi. Trên mạng xã hội, nhiều người đã chia sẻ các dòng trạng thái về Dewji cùng lời kêu gọi "Trả tự do cho Mo" (biệt danh của tỷ phú Dewji).
Cảnh sát Tanzania cho biết đã thu được những hình ảnh về tài xế cũng như chiếc xe hai cầu màu xanh sử dụng để bắt cóc tỷ phú Dewji và 2 trong số 3 nghi phạm bị bắt giữ là người nước ngoài, với ít nhất 5 vệ sĩ và 1 quản lý của G1 Security - công ty cung cấp dịch vụ bảo vệ cho tỷ phú Dewji - làm dấy lên nghi án đây có thể là vụ bắt cóc tống tiền được một số nhân vật thân cận với Dewji thực hiện.
Trở về với những vết bầm tím trên tay và chân do bị nhóm bắt cóc trói, tỷ phú Dewji cho biết anh được đưa đến một cánh đồng rồi bỏ lại đó vào sáng sớm 20/10/2018. Phía Tập đoàn METL đã dẫn lời cảm ơn của tỷ phú với những người đã tham gia giải cứu anh, gồm cả lực lượng cảnh sát.
(Còn tiếp...)
(CATP) Tuy là quốc gia ít xảy ra bắt cóc tống tiền nhất, nhưng vào những năm đầu của thế kỷ này, các vụ án liên quan đã gây rúng động dư luận tới nỗi có người chỉ trích một bảng xếp hạng ở xứ hoa tulip vì đã công bố danh tính các công dân giàu nhất để dẫn đến tình trạng trên. Trong đó nổi lên trường hợp bắt cóc con gái của Hans Melchers - triệu phú nằm trong danh sách những người giàu nhất Hà Lan, khiến Cảnh sát Châu Âu phải vào cuộc truy lùng các đối tượng tham gia đường dây tội phạm này.
NGUYỄN XUÂN (theo Guardian)