Khi giới siêu giàu đam mê thể thao:

Kỳ 4: Điểm nhấn "Made in China" tại World Cup ở Qatar

Thứ Năm, 15/12/2022 18:03

|

(CATP) Dù đội tuyển quốc gia không giành được vé tham dự Vòng chung kết World Cup 2022 diễn ra tại Qatar, nhưng các tập đoàn (TĐ) từ nhà nước đến tư nhân của Trung Quốc (TQ) đã kịp tạo dấu ấn ở giải bóng đá lớn nhất hành tinh, khi trở thành nhà tài trợ hàng đầu, thậm chí còn vượt các "ông lớn" đến từ Mỹ như McDonalds, Budweiser, Coca Cola... Trước khi quả bóng tròn ngừng lăn trên sân cỏ Qatar, nhiều TĐ lớn của TQ đã chi gần 1,4 tỷ USD cho World Cup 2022, so với 1,1 tỷ USD của các doanh nghiệp Mỹ, qua đó càng minh chứng cho tham vọng mở rộng sự nhận diện ra toàn cầu của các đại gia TQ.

Dấu ấn từ cơ sở hạ tầng lớn đến hàng hóa nhỏ

Bắt đầu từ 12 năm trước, khi Vòng chung kết World Cup 2010 diễn ra tại Nam Phi, Yingli Solar chuyên về sản xuất pin năng lượng mặt trời đã trở thành doanh nghiệp TQ tiên phong trong lĩnh vực tài trợ chính thức cho giải đấu, cùng 6 TĐ danh tiếng khác của nước này với khoản chi hơn 800 triệu USD để tài trợ cho giải đấu ở xứ sở bạch dương, kịp tạo dấu ấn với thế giới thông qua đấu trường của môn thể thao được yêu thích nhất.

Đến nay, hàng loạt "ông lớn" như Wanda Group - chuyên kinh doanh bất động sản, có trụ sở tại Bắc Kinh - cũng trở thành doanh nghiệp TQ tài trợ "khủng" nhất cho World Cup 2022, với khoản chi 850 triệu USD cho bản hợp đồng kéo dài 15 năm qua tất cả kỳ World Cup đến 2030. Chính "sự hào phóng cần thiết" ấy đã giúp Wanda Group trở thành đối tác chính thức của FIFA, đưa thương hiệu này ngang tầm với Adidas, Coca Cola, Hyundai... Quyết không kém cạnh, Công ty điện tử tiêu dùng Vivo của TQ cũng bỏ ra khoảng 450 triệu USD với hợp đồng 6 năm giai đoạn 2017 - 2022, trong khi hãng "đàn em" chuyên về hàng điện tử khác là Hisense chi khoảng 35 triệu USD...

Ấn tượng quy mô đầu tiên mà TQ tạo được trên đất Qatar chính là sân vận động Lusail lớn nhất quốc gia Trung Đông này, mang dáng dấp chiếc bát vàng lộng lẫy, là công trình do liên doanh giữa Qatar và TĐ xây dựng đường sắt Trung Quốc (CRCC) thực hiện. Lusail dự kiến sẽ là nơi diễn ra trận chung kết ngày 18-12, đánh dấu lần đầu tiên một doanh nghiệp nhà nước TQ tham gia xây dựng sân vận động tổ chức World Cup.

Linh vật Laeeb xuất hiện tại giải bóng đá lớn nhất hành tinh năm 2022 Ảnh: Reuters

Theo thống kê, gần 2/3 thị phần sản phẩm được sử dụng tại World Cup 2022 lần này - gồm trang phục thi đấu, cờ của 32 đội tuyển, kèn - còi dùng để cổ vũ, sản phẩm trang trí... - đều mang đậm dấu ấn TQ; trong đó, doanh số bán cờ và giày do TQ sản xuất tăng vọt lên 300% trước khi giải đấu khởi tranh. Ngoài độ phủ sóng dày đặc liên quan đến màu cờ, sắc áo của tuyển thủ các đội, 1.500 xe buýt của Yutong - hãng sản xuất phương tiện giao thông công cộng hàng đầu TQ này - cũng tạo dấu ấn trên đường phố Qatar, khi lần đầu tiên những chiếc xe buýt điện sử dụng năng lượng sạch của TQ được sử dụng trong một sự kiện thể thao lớn toàn cầu, chiếm khoảng 25% số xe buýt lưu thông tại World Cup 2022, giúp đưa đón hàng ngàn quan chức, giới truyền thông và người hâm mộ đến các điểm thi đấu.

Chưa hết, Nhà máy Xa Xa ở TP.Đông Quản, tỉnh Quảng Đông, miền Nam Trung Quốc đã đánh bại hàng chục nhà cung cấp toàn cầu, giành được hợp đồng sản xuất linh vật La'eeb của World Cup 2022. Dù ý tưởng này xuất phát từ Trung Đông nhưng các sản phẩm quà lưu niệm chủ yếu được sản xuất tại cơ sở trên và hầu hết chi tiết được làm bằng tay.

Khát vọng nâng tầm ảnh hưởng ra thế giới

Trước độ phủ sóng dày đặc của hàng hóa TQ tại Qatar, nhiều đến mức "chỉ trừ đội tuyển quốc gia, hầu như sản phẩm "Made in China" tại Qatar chẳng thiếu thứ gì”, tờ Al Jazeera của Qatar đã bình luận: "Sự thống trị của các doanh nghiệp TQ tại World Cup 2022 đã cho thấy khát vọng trong việc nâng tầm ảnh hưởng của họ đối với thị trường quốc tế".

Còn theo chuyên gia tư vấn thương hiệu Martin Roll thì việc "chọn mặt gửi niềm tin" tại World Cup lần này, chỉ dành cho những thương hiệu đủ khả năng tài chính, đã giúp TQ xóa dần những nhận thức có phần tiêu cực liên quan đến khái niệm "Made in China". Điều này rất dễ hiểu, bởi đối với thể thao, nhất là World Cup, mọi ranh giới và cách nhìn tiêu cực hầu như đều có thể xóa nhòa.

Tài trợ cho thể thao luôn là phương thức quan trọng để qua đó giúp quảng bá hình ảnh các doanh nghiệp muốn mở rộng thị trường và World Cup là nơi để các "ông lớn" TQ tối ưu hóa các khoản chi nhằm mục đích trên. Trong khi đó, về phương diện ngoại giao thì những dấu ấn TQ tạo ra tại Qatar lần này đã trở thành động lực mạnh mẽ cho sự phát triển mối quan hệ song phương giữa 2 nước...

(Còn tiếp...)

Kỳ 3: Những thương vụ cho môn
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang