(CATP) Trước tình trạng khủng hoảng bạo lực gia tăng trong khi kinh tế ngày càng khó khăn, mỗi năm có hàng ngàn người buộc phải rời khỏi quê nhà, kéo tới vùng biên giới phía Nam Mexico với hy vọng vào được đất Mỹ. Lợi dụng "những cuộc khủng hoảng di cư” này, các băng nhóm tội phạm ma túy còn thực hiện hành vi buôn người, bắt cóc, bán nội tạng trẻ em...
Những "chuyến tàu tử thần"
Ngoài nỗi lo tội phạm bạo lực hoành hành, điều kiện sống tồi tệ ở những làng quê Mexico, nhất là khi người lớn thức dậy sau đêm dài trằn trọc, nghe tiếng khóc ngằn ngặt của những đứa trẻ vang lên vì đói mà không có sữa hoặc thứ gì bỏ bụng cũng là lý do khiến nhiều người di cư Mexico muốn tìm đến Mỹ với hy vọng sẽ được đổi đời. Trong khi đó, những bé gái tuổi vị thành niên khi còn ở làng luôn khiến các bậc cha mẹ nơm nớp lo bị các băng nhóm ma túy địa phương bắt cóc bán vào động mại dâm. Và dù đang là thời bình, nhưng nhà nào có con gái trong làng cũng phải đào hầm cho các bé trốn hoặc xây những nơi trú ẩn ngụy trang bên ngoài trông như cửa tiệm tạp hóa hay dựng lều ở những nơi xa. Thêm biện pháp để tránh sự chú ý của các nhóm bắt cóc - buôn người là các cô gái tự bôi bẩn mặt để làm mình xấu đi, không được phép ăn mặc đẹp hoặc trang điểm. Một số phụ huynh cẩn thận hơn còn bắt con gái cắt tóc ngắn và ăn mặc như con trai để tránh bị các đối tượng dòm ngó...
Những chuyến đi tìm miền đất hứa khó khăn là thế, nhưng niềm lạc quan cũng nhanh chóng tan như bong bóng xà phòng, bắt đầu từ những "chuyến tàu tử thần" hướng về khu vực biên giới với rất nhiều nguy hiểm rình rập, phổ biến nhất là bắt cóc tống tiền. Nếu không được đáp ứng, nạn nhân sẽ bị đánh đập, cưỡng bức hoặc sát hại. Các bé gái tuổi vị thành niên và phụ nữ là những nạn nhân đầu tiên rơi vào tầm ngắm của bọn buôn người: Họ sẽ bị bắt cóc bán vào nhà thổ ở Mỹ do các cartel ma túy điều hành từ xa và đòi tiền chuộc từ phía gia đình...
Cảnh sát Mexico bao vây ngôi nhà nơi những người di cư bị bắt cóc đưa về Ảnh: Reuters
Nguồn thu béo bở từ người di cư
Mexico đứng hàng thứ 5 thế giới về tội phạm buôn người với hàng chục ngàn nạn nhân mỗi năm. Trong đó, nổi lên tình trạng bắt cóc trẻ em - thường từ 7 đến 10 tuổi - sát hại để lấy nội tạng bán. Tháng 3/2014, Cảnh sát ở miền Tây Mexico đã bắt giữ Manuel Plancarte Gaspar - thành viên của băng Knights Templar - để điều tra đường dây bắt cóc trẻ em đưa về những "căn nhà ma" ở khu vực hẻo lánh sát hại nạn nhân rồi mổ lấy nội tạng bảo quản để tìm mối bán. Các bé may mắn sống sót được bọc kín trong chăn chất vào thùng lạnh vận chuyển bằng xe bán tải về hướng cảng.
Theo các chuyên gia của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), loại tội phạm này hoạt động khá kín kẽ, trong khi nhiều gia đình Mexico cố gắng lo cho con vượt biên vào Mỹ, vì tin rằng nếu bị bắt giữ cũng được đối xử tốt hơn, mà chẳng ngờ các bé rất dễ rơi vào tay các đối tượng bắt cóc bán nội tạng cho thị trường Mỹ, Úc, Canada... Theo dư luận, nhờ có "tay trong" nên các băng nhóm tội phạm này vẫn hành động nhanh hơn chính quyền địa phương.
Thống kê của Ủy ban nhân quyền Mỹ cho biết, có hàng ngàn trẻ em tại Mexico bị sát hại từ năm 2006 đến nay hoặc buộc phải làm việc cho các tổ chức tội phạm.
Ngày 27/6/2023, hơn 1.000 thành viên của lực lượng An ninh Mexico đã tham gia tìm kiếm, giải cứu 16 nhân viên cảnh sát bang Chiapas, bị băng nhóm tội phạm bắt cóc, trong chiến dịch giải cứu con tin lớn nhất Mexico tính đến thời điểm trên, trong bối cảnh tội phạm nước này ngày càng lộng hành...
(Còn tiếp...)
(CATP) Khi tỷ phú duy nhất của Tanzania - Mohammed Dewji (SN 1975) và cũng là tỷ phú trẻ nhất Châu Phi năm 2017 bị các tay súng bịt mặt bắt cóc, Tạp chí Forbes ước tính giá trị tài sản của anh là 1,5 tỷ USD. Việc doanh nhân "thích thể thao và chăm làm từ thiện" rơi vào tay nhóm tội phạm có hành vi như phim xã hội đen khiến dư luận quốc gia nghèo bậc nhất "lục địa đen" này vốn yên ả đột nhiên dậy sóng.
NGUYỄN XUÂN (theo Reuters, Toutiao)