(CAO) Ít nhất 37 người thiệt mạng sau trận lũ quét và dung nham lạnh chảy từ núi lửa tấn công đảo Sumatra phía tây Indonesia.
Nhiều giờ mưa lớn hôm 11/5 đã quét những dòng tro và đá xuống núi Marapi, ngọn núi lửa hoạt động mạnh nhất ở Sumatra.
Những trận lở đất kèm dung nham lạnh đã tràn ngập hai quận, cuốn trôi khiến nhiều người tử vong và làm hư hại hơn 100 ngôi nhà, nhà thờ Hồi giáo và các cơ sở công cộng.
Nhà chức trách cho biết số người chết có thể tăng lên do có 18 người mất tích.
Những người sống sót kể lại việc họ chạy trốn khi những khối dung nham lạnh - hỗn hợp vật liệu núi lửa và sỏi chảy xuống sườn núi lửa trong mưa - chảy về phía nhà của họ.
Rina Devina, một bà nội trợ 43 tuổi ở quận Agam nói với hãng tin AFP: “Tôi nghe thấy tiếng sấm và âm thanh giống như nước sôi. Đó là âm thanh của những tảng đá lớn rơi xuống từ núi Marapi. Trời tối đen như mực nên tôi dùng điện thoại di động làm đèn pin”.
Bà mẹ ba con cho biết thêm, nhà hàng xóm đã bị "những tảng đá lớn san phẳng" và 4 người hàng xóm của bà đã thiệt mạng.
Theo Cơ quan Tìm kiếm và Cứu nạn Quốc gia, đến chiều 12/5, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy 19 thi thể tại ngôi làng Canduang bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở quận Agam và tìm thấy 9 thi thể khác ở quận Tanah Datar lân cận.
Hiện trường vụ lở đất kèm theo dung nham lạnh
Trận lụt này là thảm họa mới nhất trong một loạt thảm họa thiên nhiên, ít nhất một phần là do hoạt động của con người.
Wengki Purwanto, giám đốc chi nhánh Tây Sumatra của Diễn đàn Môi trường Indonesia, cho biết: “Lũ quét và lở đất kèm dung nham lạnh tiếp tục tái diễn và gia tăng cường độ do khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên và phát triển hạ tầng bừa bãi. Kết quả là, các thảm họa lặp lại hàng năm. Trên thực tế, chúng tăng tần suất hàng năm. Khoảng cách giữa thảm họa này và thảm họa tiếp theo ngày càng gần hơn" - ông nói.
Khu vực xung quanh núi Marapi đã chứng kiến nhiều thảm họa tương tự trong sáu tháng qua.
Ngày 5/12 năm ngoái, 23 người đi bộ đường dài đã thiệt mạng khi núi lửa phun trào trong khi vào tháng 2 năm nay, lũ quét đã làm hư hại hàng chục ngôi nhà ở Tanah Datar.
Mới tháng trước, những ngày núi lửa phun trào đã khiến những đám mây tro khổng lồ - cao tới 2 km bay lên bầu trời. Các chuyến bay trong khu vực bị gián đoạn, đường sá bị đóng cửa và hơn 11.000 người được yêu cầu sơ tán.