(CATP) Từ Thung lũng Chết tới Trung Đông, tiểu lục địa Ấn Độ đến cận Sahara châu Phi, tình trạng ấm lên toàn cầu đã khiến cuộc sống của hàng triệu người trở nên khó khăn hơn. Các chuyên gia hôm thứ năm, 28-10-2021, cảnh báo, nếu không có hành động nào được tiến hành để làm chậm sự biến đổi của khí hậu thì các mức nhiệt độ cao kỷ lục và những đợt nắng nóng chết người mà nó mang đến sẽ ngày càng trầm trọng hơn.
Nơi nóng nhất trên thế giới là Thung lũng Chết ở California, Mỹ. Tại đây, nhiệt độ hiện đang tăng lên. Bà Abby Wines - người phát ngôn của Công viên Quốc gia Thung lũng Chết - cho biết: “Nếu quan sát nhiệt độ trung bình ở nơi này trong 1 tháng mùa hè, bạn sẽ cảm thấy nó đã ấm lên nhiều trong vòng 20 năm gần đây”. Mùa hè năm nay là năm thứ 2 liên tiếp khu vực này ghi nhận nhiệt độ cao đáng kinh ngạc: tới 54,4 độ C. Nếu được Tổ chức Khí tượng Thế giới xác nhận thì đây sẽ là mức nhiệt nóng nhất được ghi nhận bằng các thiết bị hiện đại.
Theo Cơ quan Quản lý khí quyển và đại dương quốc gia Mỹ, tháng 7 này là tháng nóng nhất được ghi nhận trên trái đất. Bà Kuldeep Kaur - cư dân Sri Ganganagar, bang Rajasthan của miền bắc Ấn Độ, giáp với Pakistan - chia sẻ: “Chúng tôi bị ảnh hưởng rất nhiều bởi cái nóng không thể chịu nổi này, và những người nghèo bị tác động nặng nề nhất”. Cách xa nửa vòng trái đất ở phía tây Canada, nơi được gọi là “vòm nhiệt”, nhiệt độ lên đến trên 40 độ C vào mùa hè này, khiến cư dân Rosa ở Bắc Vancouver than thở “trời nóng đến nỗi không thể thở được”.
Bedouin chăn đàn cừu ở khu Bờ Tây bị chiếm đóng gần biên giới với Jordan hôm 15-7-2021
Nhiệt độ tăng đang dẫn đến tình trạng hạn hán, cháy rừng, bão gió, thậm chí là lũ lụt xuất hiện thường xuyên và ngày càng khốc liệt hơn. Số đợt nắng nóng gia tăng đang tàn phá nền nông nghiệp và tiềm ẩn nguy cơ khiến con người tử vong. Nhà khí hậu học Robert Vautard, phụ trách Viện Pierre-Simon Laplace của Pháp, cho biết: “Khả năng xảy ra hàng ngàn cái chết mỗi lần dẫn đến làn sóng nhiệt khắc nghiệt lớn, trong khi trên thực tế, những đợt nắng nóng đang tăng theo cấp số nhân”.
Theo dự thảo báo cáo của Liên Hiệp Quốc mà AFP tiếp cận được trước Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26 khai mạc vào chủ nhật, 31-10, ở Glasgow, Scotland, nếu thế giới ấm lên 2 độ C, thì 1/4 dân số trên quả địa cầu này có thể đối mặt với các đợt sóng nhiệt nghiêm trọng với tần suất ít nhất 1 lần trong vòng 5 năm.
Đối với Saudi Bedouin Nayef al-Shammari ở Saudi Arabia, cái nóng đã quá quen thuộc. Ông chia sẻ với phóng viên AFP: “Tôi nghĩ hiện giờ ít nhất cũng phải 43 độ C, trong khi mới 8 giờ rưỡi đến 9 giờ sáng” đồng thời cho biết thêm, trong ngày nhiệt độ có thể lên đến 50 độ C. Gia đình của người đàn ông 51 tuổi và người cha Saad 75 tuổi của ông đã sống và làm việc ở sa mạc Al Nufud Al-Kabir nhiều thế hệ, chăn nuôi lạc đà nên họ đã quen với thời tiết khắc nghiệt. Nhưng khi nhiệt độ tăng lên tới các mức đe dọa đến tính mạng thì sinh kế và văn hóa của họ có thể sớm bị đe dọa. Ông George Zittis của Viện Cyprus ở Nicosia cho hay: “Ngay cả những động vật giỏi chịu nhiệt trong khu vực, như lạc đà hay dê, cũng sẽ bị ảnh hưởng, nông nghiệp ít nhiều gì cũng bị tác động, vì vậy tình trạng nắng nóng khắc nghiệt naỳ se an h hưởng đến sản xuất lương thực”.
Truyền thuyết kể rằng, những đầm lầy chạy dọc 2 con sông nổi tiếng Tigris và Euphrates ở Iraq là nơi có vườn địa đàng và những nơi này có thể cũng sớm gặp nguy hiểm. Razak Jabbar - một chủ thuyền địa phương đang cân nhắc rời vùng đầm lầy nơi anh lớn lên - cho biết: “Nhiệt độ trên 50 độ C ảnh hưởng đến các loài thủy sản, động vật, con người và du lịch”.
Trước tình trạng các đợt nắng nóng chết người ngày càng đe dọa địa cầu, nhiều người đang đặt hy vọng vào Hội nghị thượng đỉnh Glasgow. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres nhấn mạnh: “COP26 diễn ra vào tháng 11 này phải đánh dấu bước ngoặt, mà tất cả các quốc gia cam kết đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào giữa thế kỷ này, đồng thời cần đưa ra các chiến lược rõ ràng, đáng tin cậy, dài hạn nhằm đạt được điều đó”.