(CAO) Hôm 20-5, BBC dẫn lời Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh Thụy Điển và Phần Lan có "sự ủng hộ đầy đủ, toàn diện và hoàn toàn" của Mỹ trong quyết định xin gia nhập tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Trước đó, cả hai nước Bắc Âu đã nộp đơn đăng ký trở thành một phần của liên minh quốc phòng phương Tây trong tuần này, đánh dấu một sự thay đổi lớn trong bàn cờ địa chính trị ở Châu Âu.
Để tham gia liên minh, hai quốc gia cần sự ủng hộ của tất cả 30 quốc gia thành viên NATO.
Nhưng động thái của các quốc gia Bắc Âu đã bị Thổ Nhĩ Kỳ phản đối.
Phát biểu cùng với Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson và Thủ tướng Phần Lan Sauli Niinisto tại Nhà Trắng hôm 19-5, ông Biden gọi các quyết định của Thụy Điển và Phần Lan là "một bước ngoặt trong an ninh Châu Âu".
Ông nói: “Các thành viên mới gia nhập NATO không phải là mối đe dọa đối với bất kỳ quốc gia nào. Tổng thống nói thêm rằng việc có thêm hai thành viên mới ở "vùng cao phía bắc" sẽ "tăng cường an ninh cho các đồng minh của chúng ta và làm sâu sắc hơn hợp tác an ninh của chúng ta trên diện rộng".
Nga đã nhiều lần cho biết họ coi NATO là một mối đe dọa và đã cảnh báo về "hậu quả" nếu khối này tiếp tục các kế hoạch mở rộng của mình.
Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã cáo buộc cả Thụy Điển và Phần Lan tiếp nhận các tay súng bị tình nghi thuộc Đảng Công nhân người Kurd (PKK), một nhóm mà nước này coi là tổ chức khủng bố.
Tuy nhiên, cả Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và Bộ trưởng Quốc phòng Anh - Ben Wallace đều bày tỏ tin tưởng rằng những lo ngại này cuối cùng sẽ được giải quyết.
Bình luận của ông Biden được đưa ra khi Thượng viện Mỹ bỏ phiếu thông qua dự luật mới trị giá 40 tỷ USD để cung cấp viện trợ quân sự và nhân đạo cho Ukraine. Đây là gói viện trợ khẩn cấp lớn nhất cho đến nay dành cho Ukraine.
Ông Biden tuyên bố ủng hộ hoàn toàn Thuỵ Điển, Phần Lan gia nhập NATO - Ảnh: BBC
Dự luật - đã được Hạ viện thông qua với sự ủng hộ rộng rãi của lưỡng đảng vào ngày 10-5 - dự kiến sẽ được thông qua vào đầu tuần này, nhưng đã bị nghị sĩ Đảng Cộng hòa ở bang Kentucky - Rand Paul ngăn cản vì tranh chấp về việc giám sát chi tiêu.
Tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - Lloyd Austin và Ngoại trưởng Mỹ - Antony Blinken đã hối thúc Quốc hội thông qua gói này và cảnh báo rằng quân đội Mỹ chỉ có đủ kinh phí để gửi vũ khí tới Kyiv cho đến ngày 19-5.
Tổng thống Ukraine - Volodymyr Zelensky ca ngợi gói viện trợ là "đóng góp đáng kể của Mỹ trong việc khôi phục hòa bình và an ninh ở Ukraine, Châu Âu và thế giới".
Gói này nâng tổng số viện trợ Mỹ chuyển cho Ukraine lên hơn 50 tỷ USD, bao gồm 6 tỷ USD hỗ trợ an ninh như đào tạo, trang thiết bị, vũ khí và hỗ trợ.
8,7 tỷ USD khác sẽ được phân bổ để bổ sung kho thiết bị của Mỹ đã được gửi đến Ukraine.