(CAO) Một bé gái 9 tuổi qua đời sau một cơn hen suyễn được cho là người đầu tiên trên Thế giới được toà tuyên ô nhiễm không khí là nguyên nhân gây tử vong.
Đây là phán quyết mang tính bước ngoặt của cơ quan điều tra làm dấy lên hồi chuông cảnh báo về vấn nạn môi trường mà mọi người thường coi nhẹ này.
Theo CNN, bé gái Ella Kissi-Debrah sống ở Lewisham, đông nam London (Anh), gần một trong những con đường sầm uất nhất của thủ đô Vương quốc Anh, tuyến South Circular.
Em qua đời tại bệnh viện vào tháng 2-2013 sau khi bị ngừng tim và không thể hồi sức. Em bị hen suyễn nặng gây ngưng tim và ngưng thở, phải nhập viện cấp cứu thường xuyên trong 3 năm.
Nguyên nhân tử vong của Ella được xác định là suy hô hấp cấp tính, hen suyễn nặng và tiếp xúc với không khí ô nhiễm. Kết luận của nhân viên điều tra là Ella "chết vì bệnh hen suyễn do tiếp xúc với không khí ô nhiễm quá mức”.
Ella, qua đời vào tháng 2-2013, được cho là người đầu tiên trên Thế giới được xác định tử vong do ô nhiễm không khí. trong giấy chứng tử của mình.
Cô bé Ella Kissi-Debrah là người đầu tiên trên Thế giới được toà kết luận tử vong vì ô nhiễm không khí - Ảnh: PA
Trợ lý điều tra viên Philip Barlow nói rằng mẹ của Ella đã không được cung cấp thông tin về ô nhiễm không khí và bệnh hen suyễn để giúp thực hiện các bước ngăn ngừa "có thể" nhằm ngăn chặn cái chết của con gái bà.
“Ô nhiễm không khí là một yếu tố góp phần quan trọng vào việc khởi phát và làm trầm trọng thêm bệnh hen suyễn của cô bé” - Barlow nói khi đưa ra kết luận của mình tại Tòa án sau cuộc điều tra kéo dài 2 tuần.
"Trong thời gian bị bệnh từ năm 2010 đến năm 2013, cô bé đã tiếp xúc với mức khí nitơ điôxít (NO2) và các chất dạng hạt vượt quá ngưỡng cho phép của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Nguồn gốc chính của sự phơi nhiễm này là khí thải giao thông" - ông nói.
Barlow cho biết đã có sự thất bại trong việc giảm mức khí nitơ điôxít xuống trong giới hạn do luật pháp của Liên minh Châu Âu (EU) và trong nước đặt ra. "Chúng tôi đã có được công lý cho cô bé" - mẹ của Ella, Rosamund Kissi-Debrah, nói sau phán quyết.
Bà nói thêm: "Ngoài ra, đây là chiến thắng dành cho những đứa trẻ khác khi phải dạo quanh thành phố có mức độ ô nhiễm không khí cao. Di sản của vụ việc này là giúp đưa ra Đạo luật không khí sạch mới không chỉ cho chính phủ Vương quốc Anh mà còn cho các chính phủ trên toàn Thế giới, buộc họ phải xem xét vấn đề này một cách nghiêm túc" - bà Kissi-Debrah nhấn mạnh.
Một phán quyết điều tra trước đó từ năm 2014, kết luận Ella chết vì suy hô hấp cấp tính, đã bị Tòa án cấp cao bác bỏ sau khi xuất hiện những bằng chứng mới về mức độ ô nhiễm không khí nguy hiểm gần nhà Ella. Thị trưởng London - Sadiq Khan gọi đây là "khoảnh khắc mang tính bước ngoặt" và ca ngợi mẹ Ella vì lòng dũng cảm "phi thường" và nhiều năm vận động cho trường hợp của con bà.
Mẹ của Ella, Rosamund Kissi-Debrah không ngừng đấu tranh vì cái chết của con - Ảnh: PA
Ông nói trong một tuyên bố: “Ô nhiễm không khí là một cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là đối với trẻ em của chúng ta. Hôm nay phải là một bước ngoặt để những gia đình khác không phải đau lòng như gia đình Ella".
Báo cáo năm 2018 của Stephen Holgate, giáo sư tại Đại học Southampton, cho thấy mức độ ô nhiễm không khí tại trạm quan trắc Catford cách nơi Ella sống vượt quá giới hạn hợp pháp của EU trong 3 năm trước khi cô qua đời.
"Nếu chúng ta muốn một thế hệ khỏe mạnh ra đời, chúng ta sẽ phải làm sạch môi trường của mình" - Holgate nói trong một cuộc họp báo sau cuộc điều tra.
Sau cái chết của Ella, Người phát ngôn chính phủ Anh cho biết đang thực hiện một kế hoạch trị giá 3,8 tỷ bảng Anh để làm sạch khí thải từ phương tiện giao thông, giải quyết ô nhiễm khí NO2 (nitơ điôxít) và tiến xa hơn trong việc bảo vệ cộng đồng khỏi ô nhiễm không khí, cũng như đặt ra "các mục tiêu mới về quy chuẩn chất lượng không khí đầy tham vọng”.
Những thành phố ô nhiễm vì khí thải từ phương tiện giao thông đang trở thành vấn nạn toàn cầu - Ảnh: Getty