Nhật nói hiện tại không phải là thời điểm để đối thoại với Triều Tiên

Thứ Ba, 18/07/2017 10:17  | Anh Duy

|

(CAO) Đáp lại lời kêu gọi của Hàn Quốc đề xuất đối thoại quân sự và nối lại các cuộc đoàn tụ thân nhân với Triều Tiên vào hôm 17-7, tờ New York Times dẫn lời phát ngôn viên chính phủ Nhật Norio Maruyama nhấn mạnh cần gia tăng áp lực với Bình Nhưỡng chứ không phải ngồi đối thoại.

Phát ngôn viên Norio Maruyama cho rằng Triều Tiên đã đạt đến “một trình độ mới” khi phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) vào ngay ngày quốc khánh Mỹ (4-7) vừa qua.

Ông Norio cũng nhắc chính quyền Hàn Quốc về tuyên bố chung giữa 3 bên Mỹ - Nhật –Hàn bên lề hội nghị G20 tại Đức về một “hiểu biết chung” trong cách thức để hành xử với Triều Tiên. Theo đó, lãnh đạo 3 nước đã nhất trí cùng nhau chống lại mối đe dọa từ Triều Tiên bằng cách “áp đặt những biện pháp nhằm gây áp lực một cách mạnh mẽ nhất” lên Bình Nhưỡng để “thay đổi con đường, ngăn chặn những hành vi khiêu khích và đe dọa đồng thời thực hiện những bước đi cần thiết để buộc Triều Tiên trở lại bàn đàm phán nghiêm túc về vấn đề phi hạt nhân hóa”.

Trong khi đó, Mỹ đang hối thúc Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc ra nghị quyết mới áp thêm lệnh trừng phạt ngặt nghèo lên Triều Tiên. New York Times dẫn lời đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley nhấn mạnh: Nếu Hội đồng Bảo an đoàn kết, cộng đồng quốc tế hoàn toàn có thể cắt nguồn tiền chảy vào túi các quan chức Triều Tiên, giới hạn lượng cung cấp dầu và ngăn chặn chương trình quân sự và vũ khí của Bình Nhưỡng, đồng thời giới hạn các hoạt động hàng không và hàng hải của nước này.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un - Ảnh: Reuters

Trước đó vào hôm 17-7,Hàn Quốc đã gây bất ngờ khi đưa ra đề xuất đối thoại quân sự với Triều Tiên ngay trong tuần này. Nếu đạt đồng thuận, đây sẽ là những cuộc đối thoại liên Triều đầu tiên ở cấp chính phủ kể từ cuối năm 2015.

Đề xuất đối thoại quân sự với Bình Nhưỡng là đề xuất đầu tiên thuộc dạng này dưới thời tân tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.

Ông Moon xuất thân từ một gia đình đào tẩu khỏi Triều Tiên đến Hàn Quốc để tị nạn, từ khi bước chân vào Nhà xanh đã nhiều lần nhấn mạnh một đường lối ôn hòa hơn thông qua đối thoại với Bình Nhưỡng. Nhưng đồng thời ông cũng gây áp lực buộc láng giềng phương Bắc phải xuống thang giảm thiểu căng thẳng.

Phó Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Suh Choo-suk tiết lộ với báo giới: “Chúng tôi đã yêu cầu tổ chức những cuộc đối thoại quân sự với Triều Tiên vào ngày 21-7 tới ở Tongilgak (một tòa nhà ở làng Bàn Môn Điếm, nằm ở khu phi quân sự DMZ chia hai miền). Những cuộc đối thoại này nhằm chấm dứt tất cả các hoạt động không thân thiện làm gia tăng căng thẳng quân sự”.

Lần cuối cùng những cuộc đối thoại liên Triều cấp chính phủ được tổ chức là vào tháng 12-2015.

Cột cờ Triều Tiên nhìn từ làng Bàn Môn Điếm phía Hàn Quốc nhìn qua - Ảnh: Reuters

Hiện chưa rõ những hành động quân sự “không thân thiện” mà Seoul đề cập là gì. Đó có thể là việc Hàn Quốc đặt dàn loa công suất lớn dọc biên giới để phát đi thông điệp chống Triều Tiên cùng với cuộc tập trận chung Mỹ- Hàn tổ chức hằng năm mà Bình Nhưỡng gọi đó là hành động khiêu khích.

Tổng thống Hàn Quốc cũng đề xuất hai bên chấm dứt các hành động quân sự không thân thiện dọc biên giới hai nước vào ngày 27-7 để kỷ niệm ngày đạt được một thỏa hiệp ngừng bắn, kết thúc cuộc chiến tranh Triều Tiên đẫm máu vào năm 1953.

Lính Hàn Quốc đứng gác ở khu phi quân sự (DMZ) liên Triều - Ảnh: EPA

Truyền thông Hàn Quốc đưa tin Hội Chữ thập đỏ Hàn Quốc hôm 17-7 cũng đề xuất thảo luận với chính quyền Bình Nhưỡng nối lại những cuộc đoàn tụ cho thành viên các gia đình có người ly tán ở hai miền sau Thế chiến thứ 2 với đề xuất sự kiện này diễn ra vào tháng 10 năm nay.

Bình Nhưỡng đã nhiều lần từ chối các tiến triển trong đối thoại nếu Hàn Quốc không cho hồi hương 12 nữ phục vụ viên ở nhà hàng Triều Tiên tại thành phố Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang đào tẩu hồi tháng 4-2016.


Triều Tiên có thể có nhiều vật liệu chế tạo bom hạt nhân hơn dự đoán

Hình ảnh vệ tinh về hoạt động nhiệt tại nhà máy hạt nhân chính của Triều Tiên cho thấy chính quyền Bình Nhưỡng có thể có nhiều plutonium hơn dự đoán của các chuyên gia quốc tế để chế tạo bom hạt nhân.

Kết luận này được đưa ra dựa trên phân tích của dự án 38 North, chuyên phân tích về tình hình ở Triều Tiên, có trụ sở tại Washington. Ảnh chụp vệ tinh về phân tích hoạt động nhiệt do phóng xạ ở nhà máy hạt nhân Yongbyon từ tháng 9-2016 đến cuối tháng 6-2017 cho thấy điều này.

Kết quả phân tích vừa được công bố vào hôm 14-7.

Hình ảnh vệ tinh về hoạt động phát nhiệt ở cơ sở hạt nhân Yongbyon làm dấy lên nhiều quan ngại từ cộng đồng quốc tế - Ảnh: North 38

Hình ảnh vệ tinh cũng cho thấy hoạt động của các máy ly tâm ở địa điểm này, dụng cụ có thể được dùng để làm giàu lượng uranium hiện hữu, một trong những vật liệu làm nguyên liệu của bom hạt nhân.

Hình ảnh vệ tinh còn thể hiện dấu hiệu hoạt động ngắn hạn tại những lò phản ứng nước nhẹ thực nghiệm tại đây. Có ít nhất hai chu trình tái chế mà trước đây không được thấy nhằm mục đích sản xuất một lượng plutonium không xác định, có thể làm tăng thêm vật liệu cho việc sản xuất vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Hiện không rõ hoạt động nhiệt được ghi nhận trên ảnh vệ tinh là kết quả của quá trình vận hành các máy ly tâm hay đây chỉ là hoạt động bảo dưỡng thông thường ở cơ sở này.

Triều Tiên sản xuất bom hạt nhân bằng cách sử dụng hai loại nguyên liệu chính là uranium và plutonium. Bình Nhưỡng trước nay đã tiến hành 5 vụ thử bom hạt nhân và có thể tiến hành vụ thử thứ 6 vào bất cứ lúc nào, bất chấp các lệnh trừng phạt quốc tế.

Hình ảnh vệ tinh của nhà máy hạt nhân Yongbyon - Ảnh: North 38/Reuters

Bình luận (0)

Lên đầu trang