Một năm nhìn lại cuộc đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ

Thứ Bảy, 15/07/2017 16:52  | Anh Duy

|

(CAO) Những sự kiện sẽ được tổ chức tại Thổ Nhĩ Kỳ, đánh dấu tròn 1 năm cuộc đảo chính thất bại diễn ra tại nước này khiến ít nhất 260 người thiệt mạng, 2196 người bị thương.

Cách đây 1 năm, vụ đảo chính do một nhóm binh sĩ của quân đội, bất mãn với chính quyền đương nhiệm của tổng thống Recep Tayyip Erdogan tiến hành. Tuy nhiên cuộc đảo chính nhanh chóng bị ngăn chặn bởi lực lượng trung thành với ông Erdogan.

Từ khi cuộc đảo chính bị ngăn chặn đến nay, chính quyền Erdogan đã cách chức 150.000 nhân viên chính phủ, ngăn các tiến nói đối lập chỉ trích. Ông còn chủ trì chiến dịch sửa hiến pháp nhằm nới rộng thêm quyền lực của mình, bước đi bị nhiều nước phương Tây chỉ trích là “độc tài”.

Tuần trước, hàng trăm ngàn người đã xuống đường biểu tình ở Istanbul với thông điệp “cuộc diễu hành công lý chống chính quyền”. Người đứng đầu tổ chức của biểu tình là chính trị gia đối lập Kemal Kilicdaroglu.

Kilicdaroglu lên án cuộc đảo chính một năm trước nhưng đồng thời cũng chỉ trích những biện pháp được ông Erdogan tiến hành để đàn áp tiếng nói đối lập trong một năm qua là một “cuộc đảo chính thứ hai”.

1 năm sau cuộc đảo chính thất bại, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan vẫn cầm quyền, có thêm quyền lực nhờ sửa Hiến pháp. Tuy nhiên xã hội thì vẫn chia rẽ sâu sắc - Ảnh: CNN

Trước những cuộc biểu tình mới nhất, đánh dấu 1 năm xảy ra cuộc đảo chính, tổng thống Erdogan mạnh mẽ chỉ trích, gọi đó là hành động “hỗ trợ cho khủng bố”.

Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ đến nay vẫn đang cáo buộc giáo sĩ Fethullah Gulen, một người sống lưu vong ở Mỹ là chủ mưu đứng sau vụ đảo chính tháng 7-2016. Ankara nhiều lần yêu cầu Washington cho dẫn độ Gulen về nước xét xử nhưng đều bị từ chối.

Tròn 1 năm sau ngày đảo chính, dù vẫn tại vị nhưng tổng thống Erdogan chính là người biết khá rõ thực trạng xã hội đang chia rẽ đến mức nào. Tại Istanbul, những đám đông phản đối và ủng hộ ông thường xuyên đối đầu trên đường phố. Dù chính quyền thực thi những biện pháp mạnh tay nhằm ngăn những tiếng nói chỉ trích, giải pháp hữu hiệu nhất vẫn chính là đối thoại.

Một lối điều hành ngày càng có xu hướng cứng rắn, độc tài của chính quyền đương nhiệm theo cách xây dựng một nhà nước Hồi giáo hùng mạnh đang ngày càng mâu thuẫn với mong muốn thế tục hóa sâu rộng của xã hội.

1 năm nhìn lại, vẫn còn ngổn ngang bao mối tơ vò.

Bình luận (0)

Lên đầu trang