Phát ngôn đó không phải Bolton phát biểu trong tuần này, nhưng là vào tháng 11-2002, khi ông đang đảm nhiệm chức Thứ trưởng Kiểm soát Vũ khí của Bộ Ngoại giao, chứ chưa đảm nhiệm chức Cố vấn An ninh quốc gia. Câu nói trên cũng không phải dành cho Iran, Venezuela hay Triều Tiên mà dành cho…Iraq.
Gần 17 năm sau, chính quyền của tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn đang dọn dẹp “di sản” chính quyền George W. Bush để lại ở Iraq sau khi phế truất Saddam Hussein. Và họ (chính quyền Trump) vẫn đang phải xử lý hệ quả các cuộc khủng hoảng đang diễn ra với cùng một nhóm người quen thuộc.
Khác biệt chủ chốt: Ông Trump không rõ ràng quan điểm trong vị trí của mình, vì thế khiến chính sách đối ngoại trở nên lỏng lẻo, bị buông lỏng và chịu sự kiểm soát của các tay “diều hâu” (những người theo đường lối chủ chiến để giải quyết mâu thuẫn) của đảng Cộng Hoà.
Gấp rút chuẩn bị chiến tranh
Một tuần gây “ngạc nhiên” cho cộng đồng khi chính quyền Trump dường như muốn vội vã thông qua những gì mà chính quyền Bush (con) mất đến 2 năm để làm với Iraq.
Thông tin tình báo bị rò rỉ, sau đó đã bị một quan chức cao cấp “hạ nhiệt” về tầm quan trọng, đến từ đồng minh Anh quốc, báo cáo rằng Iran đang dịch chuyển hệ thống tên lửa một cách “đe doạ”. Tờ New York Times rò rỉ tin về các kế hoạch Mỹ gửi 120.000 quân đến khu vực Trung Đông, thông tin sau đó bị chính Trump bác bỏ, xem đó là “tin giả” bằng cách nói lấp lửng rằng nếu ông đã điều quân thì sẽ điều còn nhiều hơn số đó nữa.
Đến thứ năm tuần này (16-5), theo các nguồn thạo tin với vấn đề này cho biết Trump tỏ rõ sự thất vọng đối với đội ngũ cố vấn “diều hâu” của mình khi họ đang tìm cáh tiến đến một cuộc chiến với Iran. Sau đó tờ Wall Street Journal đưa tin các quan chức Mỹ tin chắc rằng Iran có thể sẽ phòng thủ bằng cách dịch chuyển các dàn tên lửa để đối phó nguy cơ về một cuộc tấn công từ Mỹ.
Cố vấn "diều hâu" John Bolton ngồi sau "quân sư" cho tổng thống Trump - Ảnh: Getty
Tuy nhiên các thông tin tình báo sau đó cho thấy một số tàu Iran mà Mỹ tuyên bố đang mang tên lửa đã quay trở lại cảng và đã dỡ một số tên lửa. Nguồn tin từ hai quan chức Mỹ thạo tin cho biết hiện không rõ số tên lửa này đã được đưa vào kho cất để “giấu” chúng khỏi tai mắt của Mỹ hay nhằm để phát đi tín hiệu giảm leo thang căng thẳng đến Washington.
Chúng ta giờ đây đã đi hết một “vòng tròn” với đủ diễn biến: Xung đột về các thông tin tình báo, tranh luận về kế hoạch chiến tranh, đe doạ về một cuộc xung đột toàn diện rồi sau đó…rút lại các ý tưởng trên chỉ trong vòng…1 tuần làm việc.
Các nhà phân tích cho rằng đây có thể là một chiêu “tung hoả mù” với “thuyết Madman (Gã điên)” của cựu tổng thống Nixon khi ông hành động để khiến các đối thủ của mình nghĩ rằng ông không thể đoán trước được, có phần “hơi điên” khiến họ lo sợ khi nghĩ đến sự phẫn nộ của ông. Logic là: Nếu ông ta có thể làm bất cứ điều gì thì ông ta có thể đưa ra bất kỳ một phản ứng không cân xứng, không hợp lý nào (như tiến đến chiến tranh). Kẻ thù của ông bất giác sẽ nghĩ vậy mà không cần Nixon phải hành động gì.
Như để chứng minh cho giả thuyết này (vận dụng thuyết Gã điên của Nixon), Trump đã đăng tải dòng tweet trên Twitter vào cuối tuần này, nhấn mạnh: “Truyền thông đưa tin giả đang gây tổn hại cho đất nước của chúng ta với thông tin gian lận và không chính xác về các diễn biến (leo thang căng thẳng) với Iran. Nó tạo nên sự xáo trộn (thông tin), các luồng thông tin kém chất lượng và gây nguy hiểm. Nhưng ít nhất nó đã khiến Iran thực sự không biết phải suy nghĩ theo hướng nào (để đoán ý định của chúng ta). Vào thời điểm này, việc này có lẽ là một điều rất tốt”.
Kế hoạch lật đổ tổng thống Venezuela - Nicolas Maduro của Bolton và Pompeo gặp "trục trặc" khi quân đội Venezuela không chịu "trở cờ" - Ảnh: AFP
Các cố vấn và chương trình nghị sự
Những gì xuất hiện từ bên trong “vòng tròn thân tín” các quan chức thân cận của Trump cho thấy hình ảnh của một vị tổng thống mà các vị cố vấn xem việc tâm trạng mỗi khi thay đổi của ông chính là “cơ hội” để họ theo đuổi chương trình nghị sự của mình và hy vọng ông sẽ “xuôi” theo quan điểm cố vấn của họ (Như việc Michael Flynn tác động để Trump đưa Iran vào diện chú ý, sự cố vấn của của Jim Mattis giục Trump ủng hộ các đợt ném bom ngắn ngày và tập trung chống lại chế độ ở Syria và “niềm tin” của Rex Tillerson rằng Mỹ nên đối thoại với Triều Tiên mà không cần “đưa ra điều kiện trước”).
Các cố vấn này khởi sự các chính sách, (tìm cách tác động theo diễn biến những cơn buồn – vui của Trump) mà không làm rõ mục tiêu lâu dài của các chính sách là gì. Việc này không chỉ xảy ra ở Trung Đông mà còn thể hiện trong chính sách đối ngoại của Washington ở khu vực Nam Mỹ.
“Tất cả các giải pháp đều được đặt trên bàn nghị sự (kể cả hành động quân sự)” – Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton cho biết. Đây sẽ là sự thật của diễn biến sẽ xảy ra với Iran nếu đang vào năm…2003. Nhưng trong năm nay, tuyên bố này dần trở nên phổ biến cho tình hình đang diễn biến ở Venezuela (nhưng chưa thành hiện thực).
Từ trái qua: Bolton, Trump và Pompeo. Có nguồn tin nói dạo gần đây Trump "thất vọng" với Bolton khi ông tìm cách "quân sư" rằng Mỹ hãy tiến đến chiến tranh với Iran - Ảnh: The Hill
Bolton và Pompeo (Ngoại trưởng Mỹ) đã đầu têu cho các cáo buộc nhắm vào chế độ ở đây, sao chép niềm tin của những người theo chủ nghĩa bảo thủ mới (1) thời Bush, những người hy vọng rằng Thế giới sẽ phải “uốn” theo những gì họ muốn áp đặt: Phải có ai đó phải trả giá và sau đó chỉ cần xem điều đó xảy ra. Sau đó, nếu diễn biến tình hình không như mong đợi, theo logic họ phải tiến hành xâm chiếm như từng làm với Iraq, chiếm giữ nó lâu dài, thậm chí để truy lùng Saddam. Tuy nhiên cho đến nay điều đó đã không xảy ra ở Caracas.
(Bộ sậu Bolton và Pompeo) đề nghị loại bỏ tổng thống Nicolas Maduro. Họ tin tưởng (dễ bề lật đổ chế độ) từ những bức xúc thông qua sự quản lý kinh tế của ông, đặt niềm tin vào khả năng người dân nơi đây ủng hộ một người đàn ông khác tuyên bố mình là tổng thống lâm thời (Guaido), có các đồng minh của họ theo dõi và ủng hộ (nhiều nước đồng minh khác của Mỹ như Anh, Đức… đã lên tiếng ủng hộ Giaido), và hy vọng rằng Maduro sẽ lên máy bay đào tẩu sang Cuba.
Kịch bản này ban đầu có thể đã khiến Trump nghĩ đây sẽ là một chiến thắng dễ dàng. Nhưng thật sự nó đã thất bại nhiều lần. Và sau những gợi ý rõ ràng hơn sau đó của Pompeo rằng Mỹ nên tiến hành hoạt động quân sự xâm chiếm Venezuela, một lần nữa Trump đã thể hiện thái độ không hài lòng về việc các cố vấn của ông muốn tiến đến chiến tranh với nước này.
Một lần nữa, dàn “cố vấn” quen thuộc lại xuất hiện, với Elliott Abrams, người đã dẫn dắt cáo buộc nhắm Iraq (vu cáo chính quyền nước này sở hữu vũ khí huỷ diệt hàng loạt để tiến đánh) khi đảm nhiệm chức cố vấn về vấn đề Trung Đông của Bush (con) trong NSC (Hội đồng An ninh quốc gia). Lần này Abrams lại đang dẫn dắt các nỗ lực “gây chiến với cả thế giới” của chính quyền Trump. Trở lại năm 2002, một quan chức chính quyền cấp cao nói với tờ New York Times rằng, khi nói đến Abrams "bất kỳ tranh cãi nào trong quá khứ thì cũng chỉ là trong quá khứ”. Trước đó, họ không đề cập đến vai trò của ông ở Trung Đông dưới thời Bush, mà là về niềm tin của Abrams về vụ Iran-Contra (2).
Venezuela là lần thứ ba Abrams tham gia “cố vấn”. Đầu tháng 3, Abrams nói với các thượng nghị sĩ: "Lưng của Maduro đã dựa vào tường. Ông ta đang lưỡng đầu thọ địch khi có những người coi thường ông ta bao quanh. Mọi người chỉ chờ đợi thời điểm thích hợp để chỉ cho ông ta cánh cửa”. Tuy nhiên sau một nỗ lực thất bại để khiến quân đội Venezuela “trở cờ” quay sang ủng hộ phe đối lập, Abrams hôm 30 tháng 4 đã than vãn: “Có vẻ như hôm nay họ (quân đội Venezuela) sẽ không vùng lên”.
Người dân Iran đốt cờ phản đối chính sách của Mỹ. Quan hệ hai nước trở nên vô cùng căng thẳng trong thời gian qua - Ảnh: The Guardian
Hỗn loạn
Lại lần nữa, các mục tiêu đối ngoại cuối cùng lại kết thúc bằng các tuyên bố “hoa mỹ” rồi hy vọng sẽ đạt được mục tiêu. Không có sự hưởng ứng của tổng thống. Với Iran, Venezuela hay thậm chí là Triều Tiên, các ý tưởng thúc giục từ cá nhân các cố vấn cuối cùng không đi đến đâu. Một loạt các động thái được khơi màu, nhưng rồi cuối cùng…không có gì xảy ra cả.
Cùng một nhóm tập hợp các cố vấn theo chủ nghĩa bảo thủ mới (từ thời Bush) dẫn dắt chính sách ngoại giao của chính quyền Trump. Có lẽ họ cảm thấy “cơ hội” toả sáng để hiện thực hoá các mục tiêu mình theo đuổi trong nhiều thập kỷ, bằng cách thúc giục, áp dụng chính sách đối ngoại đối với một vị tổng thống không muốn đuổi theo quá đà các ý tưởng này (như gây chiến với Iran hay Venezuela).
Nhóm cố vấn này “tiến về trước” bằng các động thái trong một tuần qua. Nó khiến chúng ta cảm thấy như thể đang ở năm 2002 (khi nhóm cố vấn của Bush thúc giục tiến đánh Iraq). Nhưng chính sách cố vấn của nhóm này lại đụng phải Trump, vị tổng thống thường thể hiện mình là chính khách đi theo chủ nghĩa cô lập (thích các thoả thuận song phương hơn đa phương, đi ngược xu thế toàn cầu hoá v..v), muốn chấm dứt chiến tranh ở những nơi mà Mỹ thiết đặt căn cứ mà ông thậm chí còn không hiểu (vì sao Mỹ phải hiện diện ở đó để bảo vệ ích lợi gì), hoặc đơn giản là không quan tâm.
Vụ căng thẳng với Iran gần đây gây ra bất hoà giữa Trump và dàn cố vấn "diều hâu" với những tay như Bolton hay Pompeo. Trump tuần trước nói với các cố vấn rằng ông "không muốn chiến tranh với Iran"
Tuy nhiên, (với tình hình trống đánh xuôi, kèn thổi ngược này giữa dàn cố vấn và tổng thống Trump) sẽ gây ra hậu quả lâu dài mà Mỹ phải gánh sau những vụ “thùng rỗng kêu to” thế này. Hình ảnh hiện tại (chính quyền Mỹ thời Trump) được xây dựng từ di sản thời Obama khi Mỹ vướng vào hai cuộc chiến tranh lâu dài với Iraq và Afghanistan khiến cho cường quốc này khao khát được “nghỉ ngơi”. Hình ảnh một nước Mỹ “mệt mỏi” muốn cho nước khác ngồi vào ghế trước (lãnh đạo trong một thế giới đơn cực) thay mình được thể hiện.
Trump muốn thể hiện mình là vị tổng thống của những hành động “lớn”, nhưng ông không theo kịp đòi hỏi hành động theo kiểu này. Rủi ro đối với trật tự thế giới hiện tại là các đối thủ của Mỹ đã nhìn ra sự hỗn loạn này, yếu điểm trong chính sách của Washington và sẽ hành động để lấp đầy “khoảng trống” đó, bỏ qua các tuyên bố “đao to búa lớn” của Mỹ hết lần này đến lần khác (thậm chí chẳng thèm quan tâm).
--------------
Chú thích:
(1) Chủ nghĩa bảo thủ mới: Theo định nghĩa của từ điển Cambridge là thuật ngữ chỉ những ai có tư tưởng chính trị bảo thủ hoặc cánh hữu. Những người này có niềm tin mạnh mẽ vào thị trường tự do và có suy nghĩ rằng đất nước của họ nên sử dụng sức mạnh quân sự của mình để can thiệp hoặc cố kiểm soát các vấn đề nảy sinh xảy ra ở các nước khác.
(2) Vụ Iran-Contra:
Tham khảo nội dung ở đây: https://vi.wikipedia.org/wiki/Vụ_bê_bối_Iran-Contra
Theo CNN, Anh Duy lược dịch