Iran cam kết thực thi thoả thuận hạt nhân bất chấp Mỹ “gây hấn”

Thứ Năm, 16/05/2019 12:21  | Anh Duy

|

​(CAO) Hôm 16-5, Reuters đưa tin chính quyền Iran cam kết sẽ có những hành động kiềm chế và tiếp tục thực thi các cam kết đã ký trong thoả thuận hạt nhân quốc tế năm 2015 ký dưới thời Obama bất chấp chính quyền Mỹ đương nhiệm đã rút khỏi thoả thuận này.

Theo đó, Ngoại trưởng nước này – ông Javad Zarif đồng thời cũng lên án việc tái áp đặt các lệnh trừng phạt của Mỹ lên Tehran là “không thể chấp nhận được”.

Ông Zarif đưa ra bình luận trên khi đang có cuộc gặp với người đồng cấp ở Tokyo, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở khu vực Trung Đông làm dấy lên lo ngại Mỹ và Iran sẽ tiến đến một cuộc đối đầu quân sự.

Chẳng những cam kết thực thi, ông Zarif còn nhấn mạnh nước ông sẽ hành động với “sự kiềm chế tối đa” dù trên thực tế Mỹ đã rút khỏi thoả thuận này. Thoả thuận quy định Tehran cắt giảm hoạt động làm giàu uranium để đối lại được quốc tế dỡ các lệnh trừng phạt.

Tuy nhiên chính quyền Trump cho rằng thoả thuận này là chưa đủ vì chưa bao hàm chương trình tên lửa của Iran, đồng thời cáo buộc Tehran không ngừng các hành động bảo trợ cho khủng bố, bành trướng tầm ảnh hưởng trong khu vực như việc ủng hộ phiến quân Houthi ở Yemen.

Washington dưới thời Trump “siết chặt vòng vây” với Tehran bằng cách ban hành các lệnh trừng phạt nhằm cắt nguồn tiền Iran thu được từ hoạt động xuất khẩu dầu.

Ngoại trưởng Iran - Javad Zarif cam kết tiếp tục thực thi thoả thuận hạt nhân 2015 bất chấp Mỹ "gây hấn" - Ảnh: Reuters

Nhật là một trong những bên mua dầu nhiều nhất từ Iran trước khi Mỹ áp lại các lệnh trừng phạt.

"Bóng ma" chiến tranh lảng vảng

Mâu thuẫn Mỹ - Iran thời gian qua ngày càng tăng cao do những bất mãn gây ra từ việc Trump đơn phương rút khỏi thoả thuận hạt nhân.

Mỹ đã rút dần nhân viên khỏi sứ quán ở Iraq hôm 15-5 viện dẫn lý do lo sợ tính mạng của họ bị đe doạ phát sinh từ các mối đe doạ đến từ Iran.

Trump đã gửi nhóm tàu sân bay tác chiến, máy bay ném bom B-52 và hệ thống tên lửa phòng thủ Patriot đến Trung Đông để chống lại cái mà Washington gọi là “mối đe doạ tăng cao đối với lính Mỹ và lợi ích của Mỹ ở khu vực, đến từ Iran”.

Đến nay, những nước như Nhật hay các tổ chức như Liên minh Châu Âu (EU) vẫn tiếp tục bày tỏ ủng hộ và khuyến khích Iran tiếp tục thực thi các điều khoản trong thoả thuận hạt nhân năm 2015 bất chấp Mỹ gia tăng áp lực.

Bình luận (0)

Lên đầu trang