Lo ngại khi vaccine Covid-19 của Trung Quốc hiệu quả thấp hơn tuyên bố

Thứ Năm, 14/01/2021 17:29  | Anh Duy

|

​(CAO) Hôm 14-1, CNN đưa tin một loại vaccine Covid-19 hàng đầu của Trung Quốc do Sinovac Biotech phát triển chỉ có hiệu quả 50,38% trong các thử nghiệm giai đoạn cuối ở Brazil, thấp hơn đáng kể so với kết quả trước đó cho thấy, theo một tuyên bố do chính quyền bang Sao Paulo công bố hôm 12-1.

Mặc dù con số hiệu quả này vượt quá ngưỡng cần thiết để được cơ quan quản lý phê duyệt, nhưng nó thấp hơn nhiều so với mức 78% được công bố trước đó, đặt ra câu hỏi về tính xác thực của dữ liệu và làm dấy lên sự hoài nghi về sự thiếu minh bạch rõ ràng liên quan đến các loại vaccine Covid-19 của Trung Quốc.

Các nhà phân tích cho biết tỷ lệ hiệu quả của vaccine Coronavac do Sinovac phát triển ở Brazil thấp nhất trong số các loại vaccine Covod-19 được các tập đoàn dược phẩm toàn cầu tung ra.

Thông tin này có thể ảnh hưởng đến niềm tin quốc tế đối với vaccine do Trung Quốc sản xuất.

"Viện Butantan và Chính quyền Sao Paulo báo cáo rằng vaccine Covid-19 đạt được tỷ lệ hiệu quả tổng thể là 50,38% trong nghiên cứu lâm sàng được thực hiện ở Brazil, ngoài ra (tỷ lệ hiệu quả) là 78% đối với các trường hợp nhẹ và 100% đối với các trường hợp trung bình và các trường hợp nghiêm trọng nhiễm Covid-19. Tất cả các tỷ lệ đều cao hơn mức 50% mà WHO (Tổ chức Y tế Thế giới) yêu cầu" - tuyên bố đưa ra hôm 12-1 cho biết.

Biên độ hiệu quả sít sao để được chấp thuận theo quy định có thể khiến các nhà khoa học lo ngại.

Vaccine Covid-19 - Coronavac do Sinovac phát triển có hiệu qủa thấp gây lo ngại - Ảnh: Getty

Cơ quan nhà nước đã tài trợ cho giai đoạn 3 thử nghiệm vaccine này, với sự tham gia của 13.000 nhân viên y tế của trên 8 bang ở Brazil.

"Về hiệu quả tổng thể của phân tích, chúng tôi đã đáp ứng các yêu cầu của Tổ chức Y tế Thế giới với tỷ lệ 50,38%" - Ricardo Palacios, giám đốc y tế nghiên cứu lâm sàng tại trung tâm y sinh Butantan ở Sao Paulo cho biết.

Tuy nhiên, các thành viên cấp cao của Bộ Y tế Brazil đã nói với rằng "hiệu quả này nằm ở mức ranh giới", và bởi vì "nó đã ở mức giới hạn. Chúng tôi phải chờ ANVISA (Cơ quan Quản lý Y tế Brazil) đánh giá thêm". 

Một đại diện của Sinovac cho biết công ty đang thảo luận về kết quả nhưng từ chối đưa ra bình luận thêm. Tỷ lệ hiệu quả cuối cùng của vaccine sẽ được xác định bởi cơ quan quản lý dược phẩm của Trung Quốc, Cục Quản lý Sản xuất Y tế Quốc gia, theo vị đại diện.

Yanzhong Huang, một thành viên cấp cao về y tế toàn cầu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại có trụ sở tại Mỹ mô tả hiệu quả 50,38% của vaccine Sinovac là một kết quả "đáng thất vọng" khiến ông ngạc nhiên.

Kết quả cho thấy Coronavac kém hiệu quả hơn các loại vaccine Covid-19 thay thế do Pfizer-BioNTech và Moderna phát triển, vốn có tỷ lệ hiệu quả khoảng 95%.

Nga cho biết vaccine Covid-19 Sputnik V của họ có hiệu quả 91%, trong khi vaccine Covid-19 của Vương quốc Anh, do Đại học Oxford và AstraZeneca phát triển, có hiệu quả trung bình là 70%.

Vaccine Sinovac cũng kém hiệu quả hơn so với đối thủ cạnh tranh nội địa Trung Quốc, do công ty nhà nước Sinopharm phát triển, theo công ty có hiệu quả 79,34%.

Mặc dù kết quả tồi tệ hơn dự đoán, Huang cho biết vắc xin Sinovac vẫn "có thể sử dụng được" bằng cách giúp giảm áp lực lên hệ thống chăm sóc sức khỏe đồng thời giảm tử vong có thể xảy ra, do hiệu quả cao hơn đối với các trường hợp vừa và nặng cần điều trị y tế.

Tuy nhiên, hiệu quả tổng thể thấp của nó có thể cản trở khả năng mở rộng thị phần của Sinovac trên toàn cầu, Huang nói.

Sinovac đã ký các thỏa thuận cung cấp 46 triệu liều vaccine Covid-19 cho Brazil, 50 triệu liều cho Thổ Nhĩ Kỳ và 7,5 triệu liều cho Hồng Kông. Nó cũng sẽ cung cấp số lượng lớn 40 triệu liều vaccine- vaccine cô đặc trước khi được chia thành các lọ - cho Indonesia để tiêm trong nước.

Huang cho biết: “Vì nhiều quốc gia đang có kế hoạch đặt hàng hoặc đã đặt hàng vaccine của Sinovac, điều đó có thể làm suy yếu sự sẵn sàng sử dụng của mọi người, bởi vì mọi người có thể nghi ngờ tính hữu dụng của vaccine này. Nó có thể là một trở ngại tiềm tàng".

Cuộc đua sản xuất vaccine Covid-19 đang diễn ra nóng bỏng ở các nước - Ảnh: CNN

Thiếu minh bạch

Sự thiếu minh bạch là mối lo ngại lớn bao trùm các loại vaccine Covid-19 do Trung Quốc sản xuất.

Cả Sinovac và Sinopharm đều phải đối mặt với các câu hỏi liên quan đến việc công bố dữ liệu an toàn và hiệu quả. Khi công bố kết quả về hiệu quả của nó, Sinopharm thuộc sở hữu nhà nước đã không cung cấp chi tiết về dữ liệu thử nghiệm lâm sàng. Một giám đốc điều hành của Sinopharm cho biết dữ liệu chi tiết sẽ được công bố sau đó và xuất bản trên các tạp chí khoa học mà không đưa ra được mốc thời gian.

Ngoài ra còn có vấn đề về sự khác biệt trong kết quả từ các thử nghiệm lâm sàng được thực hiện ở những nơi khác nhau.

Đầu năm ngoái, các nhà sản xuất thuốc Trung Quốc đã phải tìm kiếm các địa điểm ở nước ngoài để kiểm tra tính hiệu quả của vaccine. Nhưng các kết quả được báo cáo cho đến nay vẫn chưa thống nhất.

Ví dụ, tỷ lệ hiệu quả của Sinopharm là 79%, thấp hơn so với 86% được Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất công bố cho cùng một loại vaccine vào tháng 12.

Các nước đang đua tranh chen chân vào thị trường vaccine Covid-19 - Ảnh:  CNN

Vaccine của Sinovac đã có kết quả rất khác biệt ở ba quốc gia: Các cơ quan quản lý dược phẩm Indonesia cho biết dữ liệu tạm thời từ các thử nghiệm giai đoạn 3 cho thấy nó có hiệu quả 65,3% và đã cho phép sử dụng khẩn cấp ở nước này; Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng nó có hiệu quả 91,25%; Và ở Brazil, hai tỷ lệ hiệu quả khác nhau đáng kể được công bố cách nhau một tuần đã làm dấy lên nhiều câu hỏi.

Tuần trước, cơ quan quản lý y tế của Brazil (ANVISA) nói với Viện Butantan rằng để phê duyệt việc sử dụng khẩn cấp vaccine, tỷ lệ hiệu quả toàn cầu phải được công bố công khai - thông tin mà Viện chưa nhận được vào thời điểm đó từ Sinovac.

ANVISA sẽ họp vào ngày 17-1 để quyết định về hai yêu cầu sử dụng khẩn cấp cả vaccine Coronavac và vaccine AstraZeneca của Đại học Oxford.

Bình luận (0)

Lên đầu trang