(CAO) Người sáng lập tổ chức WikiLeaks - Julian Assange đã rời Anh và tuần này sẽ nhận tội vi phạm luật gián điệp của Hoa Kỳ trong một thỏa thuận cho phép ông trở về quê hương Úc, chấm dứt cuộc chiến pháp lý kéo dài 14 năm.
Reuters đưa tin, Assange, 52 tuổi, đã đồng ý nhận tội với một tội danh duy nhất là âm mưu lấy và tiết lộ các tài liệu quốc phòng mật của Hoa Kỳ, theo hồ sơ gửi lên Tòa án quận thuộc quần đảo Bắc Mariana của Hoa Kỳ.
Assange sẽ bị kết án 62 tháng tù tại phiên điều trần trên đảo Saipan lúc 9 giờ sáng giờ địa phương hôm 26/6 tới.
Assange rời nhà tù Belmarsh ở Anh vào ngày 24/6 trước khi được Tòa án Tối cao Vương quốc Anh cho tại ngoại và lên chuyến bay tại Sân bay Stansted vào chiều hôm đó, WikiLeaks xác nhận.
Một đoạn video được WikiLeaks đăng trên X cho thấy Assange mặc áo sơ mi xanh và quần jean đang ký một tài liệu trước khi lên máy bay riêng.
“Julian Assange được tự do” - WikiLeaks đăng trên tài khoản mạng xã hội X, trước đây gọi là Twitter.
"Đây là kết quả của một chiến dịch toàn cầu bao gồm các nhà tổ chức cấp cơ sở, các nhà vận động tự do báo chí, các nhà lập pháp và các nhà lãnh đạo từ khắp các lĩnh vực chính trị, cho đến tận Liên Hợp quốc.
Điều này đã tạo ra không gian cho các cuộc đàm phán kéo dài với Bộ Tư pháp Hoa Kỳ, dẫn đến một thỏa thuận vẫn chưa được hoàn tất chính thức. Chúng tôi sẽ cung cấp thêm thông tin sớm nhất có thể” – tuyên bố của tổ chức này cho biết.
Theo tuyên bố của WikiLeaks, nhà sáng lập sẽ trở lại Úc sau phiên điều trần ở Saipan.
WikiLeaks năm 2010 đã công bố hàng trăm nghìn tài liệu quân sự mật của Mỹ về các cuộc chiến của Washington ở Afghanistan và Iraq - những vụ vi phạm an ninh lớn nhất thuộc loại này trong lịch sử quân sự Mỹ - cùng với hàng loạt điện tín ngoại giao.
Nhà sáng lập tổ chức WikiLeaks - Julian Assange
Assange đã bị truy tố trong chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump về việc WikiLeaks phát hành hàng loạt tài liệu bí mật của Hoa Kỳ, bị rò rỉ bởi Chelsea Manning, một cựu nhà phân tích tình báo quân đội Hoa Kỳ, người cũng bị truy tố theo Đạo luật Gián điệp.
Kho tài liệu gồm hơn 700.000 tài liệu bao gồm các bức điện ngoại giao và các báo cáo chiến trường, chẳng hạn như đoạn video năm 2007 quay cảnh một trực thăng Apache của Mỹ bắn vào những người tình nghi là quân nổi dậy ở Iraq, giết chết hàng chục người trong đó có hai nhân viên hãng tin Reuters. Video đó được phát hành vào năm 2010.
Các cáo buộc chống lại Assange đã làm dấy lên sự phẫn nộ trong số nhiều người ủng hộ ông trên toàn cầu, những người từ lâu đã lập luận rằng Assange với tư cách là nhà xuất bản WikiLeaks không nên phải đối mặt với các cáo buộc thường được áp dụng đối với các nhân viên chính phủ Hoa Kỳ về tội ăn cắp hoặc rò rỉ thông tin.
Nhiều người ủng hộ quyền tự do báo chí đã lập luận rằng việc buộc tội Assange là mối đe dọa đối với quyền tự do ngôn luận.
Jameel Jaffer, giám đốc điều hành của tổ chức tự do ngôn luận Knight First, nói: “Thỏa thuận nhận tội sẽ ngăn chặn tình huống xấu nhất đối với tự do báo chí, nhưng thỏa thuận này dự tính rằng Assange sẽ phải ngồi tù 5 năm vì các hoạt động mà các nhà báo tham gia hàng ngày. Nó sẽ phủ bóng đen lên những thể loại báo chí quan trọng nhất, không chỉ ở đất nước này mà trên toàn thế giới”.
Assange lần đầu tiên bị bắt ở Anh vào năm 2010 theo lệnh bắt giữ của châu Âu sau khi chính quyền Thụy Điển cho biết họ muốn thẩm vấn ông về các cáo buộc tội phạm tình dục; nhưng sau đó đã bị hủy bỏ.
Ông sau đó trốn đến đại sứ quán Ecuador và ở đó 7 năm để tránh bị dẫn độ sang Thụy Điển.
Ông bị lôi ra khỏi đại sứ quán vào năm 2019 và bị bỏ tù. Ông đã ở trong nhà tù Belmarsh kể từ đó, nơi bản thân đã đấu tranh chống dẫn độ sang Mỹ trong gần 5 năm. Khi ở Belmarsh, ông kết hôn với người bạn đời Stella, người mà ông có hai con khi ẩn náu tại đại sứ quán Ecuador.
Gia đình Assange và những người ủng hộ cho biết sức khỏe thể chất và tinh thần của ông đã bị ảnh hưởng trong hơn một thập kỷ đấu tranh pháp lý.