(CAO) Hôm 15-5, Reuters đưa tin một tàu khảo sát của Trung Quốc cùng các tàu hộ tống liên quan đến vụ xung đột kéo dài 1 tháng qua với tàu thăm dò dầu khí của Malaysia trên Biển Đông đã rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Malaysia.
Dữ liệu theo dõi tàu cho thấy sự chuyển dịch này. Từ giữa tháng 4 đến nay, tàu khảo sát Hải dương địa chất 8 của Trung Quốc đã xâm nhập vào vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia, bám theo đuôi tàu West Capella, một tàu thăm dò làm việc theo hợp đồng với công ty dầu khí quốc gia Malaysia – Petronas.
Trên website Marine Traffic chuyên theo dõi di chuyển của các con tàu cho thấy nhóm tàu Trung Quốc đã rời đi. Bộ Ngoại giao Malaysia chưa đưa ra bình luận gì trước động thái trên. Trước đó chính quyền Kuala Lumpur đã kêu gọi giải quyết xung đột bằng các biện pháp hoà bình.
Trong khi đó Trung Quốc bác bỏ đã xảy ra xung đột, ngang nhiên cho rằng hoạt động của nhóm tàu này là “những hoạt động bình thường".
Tàu khảo sát Hải dương địa chất 8 của Trung Quốc - Ảnh: China Geological Survey
Vụ việc đội tàu khảo sát Trung Quốc hiện diện ở Biển Đông suốt 1 tháng qua khiến Mỹ lên tiếng phản đối. Washington kêu gọi Bắc Kinh dừng “các hành vi bắt nạt” các nước láng giềng ở các vùng nước tranh chấp.
Mỹ và Úc đã điều tàu chiến tập trận chung trên Biển Đông gần tàu West Capella những tuần qua, không lâu sau khi tàu Hải Dương địa chất của Trung Quốc trờ đến.
Trung Quốc đến nay tuyên bố chủ quyền phi pháp hầu hết diện tích trên Biển Đông. Mỹ cáo buộc Trung Quốc tạo “điểm nóng” trên vùng biển này để chuyển hướng sự chú ý của dư luận khỏi đại dịch Covid-19 bùng phát từ Trung Quốc, đến nay đã lan ra toàn cầu.
Đáp lại Bộ ngoại giao Trung Quốc cáo buộc các quan chức Mỹ đang tìm cách bôi nhọ họ.