(CAO) Kể từ năm 2017, khi Triều Tiên ngưng các vụ thử hạt nhân, tên lửa để đổi lấy bầu không khí ngoại giao thuận lợi cho các cuộc đàm phán với Mỹ và Hàn, nhưng thất bại trong thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 khiến Bình Nhưỡng quay lại với hoạt động thử tên lửa để gửi thông điệp mạnh mẽ đến Mỹ.
Bước đi này thật ra đã được các nhà phân tích quốc tế tiên đoán từ lâu. Sáng 4-5, các quan chức Hàn Quốc cho biết Triều Tiên đã cho bắn đi vài quả tên lửa tầm ngắn ra biển. Các vật thể bay được khoảng 70 đến 200km trước khi rơi xuống biển. Vụ phóng diễn ra vào 9h6 phút (giờ địa phương – tức 7h6 phút giờ VN).
Vụ phóng diễn ra chỉ vài ngày sau khi nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên – Kim Jong Un trở về từ chuyến thăm Nga. Vụ phóng diễn ra ở bờ biển phía đông của Triều Tiên, tức bay ra hướng biển Nhật Bản.
Các quan chức Mỹ cho biết đang phân tích kỹ càng vụ phóng. Vật thể bắn đang được phân tích xem đó là gì? Đạn? Tên lửa hay cả hai. Mặc dù Bộ quốc phòng Hàn Quốc trong thông cáo phát đi trước đó, cho đó là các quả tên lửa.
Một người dân Nhật Bản xem tin tức về vụ phóng tên lửa tầm ngắn ra biển của Triều Tiên sáng 4-5 - Ảnh: Reuters
Trong khi Bộ quốc phòng Nhật cho biết hiện chưa có bằng chứng nào cho thấy các vậy thể này đã rơi xuống lãnh hải của họ.
Những động thái dồn dập sau thượng đỉnh lần 2
Vụ phóng sáng 4-5 diễn ra chỉ vài tuần sau khi Triều Tiên thử vũ khí dẫn đường chiến thuật mới.
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) trong vụ thử vũ khí chiến thuật trước đó tiết lộ loại vũ khí này có “chế độ đặc thù để điều hướng bay” và “mang một đầu đạn mạnh mẽ”.
Ông Kim Jong Un qua vụ thử trước đó vài tuần cho biết việc “kiện toàn phát triển hệ thống vũ khí đóng vai trò, ý nghĩa quan trọng để nâng cao khả năng chiến đấu”.
Lời cảnh cáo sẽ mở “lối đi riêng” của ông Kim trong bài phát biểu hồi đầu năm đang dần trở thành hiện thực khi Bình Nhưỡng nhiều lần muốn Mỹ dỡ các lệnh trừng phạt để đổi lấy phi hạt nhân hoá nhưng Washington khước từ. Mỹ nhiều lần nhấn mạnh Bình Nhưỡng phải cho họ thấy được “những bằng chứng tốt hơn” về quá trình chuẩn bị phá huỷ hoặc giảm quy mô kho vũ khí hạt nhân để có được bước đi này.
Ông Trump và ông Kim trong hội nghị thượng đỉnh lần 2 tại Hà Nội hồi tháng 2 - Ảnh: Getty
Các chuyên gia quốc tế phân tích rằng vụ thử sáng thứ 7 mang tính thông điệp là chính vì Bình Nhưỡng đã chọn loại vũ khí có “tầm bắn ngắn” để bắn đi, không vi phạm vào chủng loại vũ khí họ đã hứa với Mỹ là sẽ không thử sau các cuộc đàm phán bắt đầu vào năm ngoái.
CNN dẫn lời Harry J. Kazianis – Giám đốc chương trình nghiên cứu Triều Tiên tại Trung tâm nghiên cứu Lợi ích quốc gia có trụ sở tại Washington nhận định: “Triều Tiên chưa bao giờ hứa rằng họ sẽ hoàn toàn ngưng thử tất cả các loại tên lửa. Họ chỉ tự áp đặt sẽ không thử các loại tên lửa tầm xa như tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) có khả năng vươn đến đất liền Mỹ. Thế nên chúng ta không nên bị sốc quá vì vụ thử của Triều Tiên sáng nay”.
Theo vị chuyên gia này, đây là lúc ông Kim Jong Un quyết định “nhắc nhở Thế giới, đặc biệt là Mỹ rằng năng lực vũ khí của họ đang không ngừng phát triển ngày qua ngày" (sở hữu đủ loại tên lửa với tầm bắn khác nhau). Mặt khác do các cuộc gặp, đàm phán với Mỹ không tạo ra bất kỳ đột phá nào. Rõ ràng là Triều Tiên đang giận dữ về những gì họ cho là “thiếu sự linh hoạt trong chính sách của chính quyền Trump về việc giảm nhẹ các lệnh trừng phạt”, chính sách được Mỹ xem là biện pháp nhằm “gây áp lực tối đa lên Bình Nhưỡng”.
Chuyên gia Harry J. Kazianis nhấn mạnh lo sợ của bản thân là với những diễn biến thế này, sân khấu ngoại giao sẽ trở về những ngày mà hai bên tiếp tục đe doạ nhau bằng chiến tranh hạt nhân.
Một chu kỳ căng thẳng như vậy nên phải tránh bằng mọi giá – Kazianis nhấn mạnh.