(CAO) Quốc gia Châu Phi - Sierra Leone đã đưa ra luật mới cấm tảo hôn tại một buổi lễ do Đệ nhất phu nhân Fatima Bio tổ chức ở thủ đô Freetown.
Những vị khách được mời, bao gồm cả các đệ nhất phu nhân từ các quốc gia Cape Verde và Namibia, đã chứng kiến chồng bà, Tổng thống Julius Maada Bio ký Đạo luật cấm kết hôn với trẻ em thành luật.
Bất kỳ ai hiện nay tham gia vào cuộc hôn nhân của một cô gái dưới 18 tuổi sẽ bị bỏ tù ít nhất 15 năm hoặc bị phạt khoảng 4.000 USD (3.200 bảng Anh), hoặc cả hai.
Sinh viên đại học Khadijatu Barrie, có em gái lấy chồng năm 14 tuổi, nói với BBC rằng cô hoan nghênh lệnh cấm nhưng ước nó có hiệu lực sớm hơn để cứu em mình.
“Tôi thực sự mong điều đó xảy ra sớm hơn. Ít nhất tôi đã có thể cứu được em gái mình, bạn bè và những người hàng xóm khác” - sinh viên nghiên cứu về giới tính 26 chia sẻ.
Sierra Leone là một xã hội gia trưởng và việc người cha ép con gái mình kết hôn là điều bình thường.
Barrie là một trường hợp trong số đó. Cô đã phải đối mặt với viễn cảnh này khi mới 10 tuổi. Cô đã chống lại nó và trốn khỏi nhà sau khi bị cha ép kết hôn.
Luật chống tảo hôn được Tổng thống Julius Maada Bio ký thành luật
Cô may mắn tìm được những giáo viên đã trả học phí cho cô và một nhân viên từ cơ quan trẻ em Liên Hợp quốc giúp cô có chỗ ở.
Tuy nhiên, cô cho rằng những người sống ở khu vực nông thôn khó có thể vi phạm truyền thống và mọi cộng đồng cần được thông báo về luật mới để luật này có hiệu lực.
Bộ Y tế ước tính rằng 1/3 số bé gái phải kết hôn trước khi bước sang tuổi 18, dẫn đến số ca tử vong vì làm mẹ ở nước này thuộc hàng cao nhất thế giới.
Những người phải đối mặt với hình phạt theo quy định mới bao gồm chú rể, cha mẹ hoặc người giám hộ của cô dâu nhí và thậm chí cả những người tham dự đám cưới.
Bà Bio, người đi đầu trong chiến dịch chống lạm dụng tình dục kể từ khi chồng bà trở thành Tổng thống 6 năm trước, muốn việc ký dự luật phải là một dịp trọng đại.
Kể từ khi các nghị sĩ thông qua đạo luật này vài tuần trước, nó đã không nhận được nhiều sự quan tâm tại địa phương.
Các nhà hoạt động nhân quyền đã phản ứng tích cực với đạo luật này, gọi đây là một bước ngoặt. Trên trang X của họ, Cục Các vấn đề Châu Phi của Hoa Kỳ hoan nghênh việc thông qua dự luật khi cho rằng “cột mốc quan trọng không chỉ bảo vệ các bé gái mà còn thúc đẩy các biện pháp bảo vệ nhân quyền mạnh mẽ”.