(CAO) Hôm 24-5, Reuters đưa tin thủ tướng Anh Theresa May tuyên bố bà sẽ từ chức, mở đường cho một cuộc tổng tuyển cử mới giữa lúc chính trường Anh đang bế tắc vì chia rẽ trong việc đạt được thoả thuận rời khỏi Liên minh Châu Âu (còn gọi là Brexit).
Đứng phát biểu trước văn phòng tại London, bà May cho biết mình sẽ từ chức vào ngày 7-6 tới, kết thúc 3 năm mệt mỏi theo đuổi thoả thuận Brexit bị các nghị sĩ Anh cáo buộc là chứa nhiều điều khoản nhân nhượng với Liên minh Châu Âu (EU)
Động thái này dẫn đến dự báo thời gian tới Anh có thể đối đầu với EU và rời đi mà không đạt được thoả thuận cụ thể nào về Brexit.
Lúc phát biểu thông báo, gương mặt bà May như chực chờ muốn khóc. “Tôi sẽ sớm rời chức vụ này. Là nữ thủ tướng thứ 2 trong lịch sử Anh, nhưng tôi chắc rằng tôi không phải là nữ thủ tướng cuối cùng”.
Bà May nói trong nước mắt về quyết định từ chức - Ảnh: Reuters
Bà cũng bày tỏ vinh dự và cơ hội đã được trao cho bà để phục vụ cho đất nước bà yêu mến trong thời gian qua.
Nói về Brexit, bà May cho rằng đó vẫn là nỗi tiếc nuối to lớn của mình khi không thể đạt được thoả thuận sau cùng với EU về vấn đề này vì quốc hội phản đối.
Bà May từ chức để lại một tương lai bất định cho khu vực khi giữa Anh và EU nay sẽ có nguy cơ bị dựng lại những “hàng rào cứng” với các thủ tục hải quan phức tạp, chính sách ưu đãi thuế và nhiều lĩnh vực khác bị thay đổi gây cản trở sự chuyển lưu của dòng chảy hàng hoá.
Các nghị sĩ cho rằng thoả thuận Brexit có nhiều nhân nhượng với EU khi không thiết lập biên giới cứng giữa Bắc Ireland và Cộng hoà Ireland, hay việc Toà án công lý EU vẫn duy trì thẩm quyền xét xử với Anh.
Trong khi đó phía EU cho biết chỉ bàn thảo về tiến trình Brexit chứ không bàn thảo thêm nữa về thoả thuận đã chốt (bị các nghị sĩ Anh phản đối) vì cho rằng bản thoả thuận này đã là “tốt nhất có thể” rồi.
Nếu không đạt được thoả thuận về Brexit, hàng rào thuế quan và hạn ngạch (quota) giữa Anh và EU sẽ được thiết lập và điều chỉnh theo các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) thay vì duy trì một thị trường mở giữa các nước thành viên EU như trước đây. Điều này có thể khiến các nhà đầu tư lo ngại, rút vốn khỏi Anh khiến lạm phát tăng, đồng bảng Anh mất giá kéo theo nhiều hệ luỵ khác.