Trump rút gần như toàn bộ quân Mỹ khỏi Somalia gây "khó dễ" cho Biden

Thứ Bảy, 05/12/2020 14:37  | Anh Duy

|

​(CAO) Hôm 5-12, Reuters đưa tin tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra lệnh rút gần như toàn bộ số quân Mỹ đang hoạt động khỏi Somalia, một phần trong kế hoạch rút quân toàn cầu của ông trước khi rời nhiệm sở vào tháng tới.

Hiện Mỹ có khoảng 700 binh sĩ hoạt động ở Somalia, tập trung vào việc giúp các lực lượng địa phương đánh bại lực lượng nổi dậy al Shabaab có liên hệ với tổ chức khủng bố al Qaeda.

Nhiệm vụ này ít được chú ý ở Mỹ nhưng được xem là nền tảng trong nỗ lực toàn cầu của Lầu Năm Góc nhằm chống lại al Qaeda.

Trong một tuyên bố, Lầu Năm Góc đã tìm cách giảm nhẹ hệ lụy của việc rút quân mà các chuyên gia cho rằng có thể làm suy yếu an ninh ở Somalia.

Lầu Năm Góc cho biết: “Mặc dù đây là một sự thay đổi trong tương quan lực lượng, nhưng hành động này không phải là một sự thay đổi trong chính sách của Mỹ. Chúng tôi sẽ duy trì khả năng tiến hành các hoạt động chống khủng bố có mục tiêu ở Somalia, đồng thời thu thập các cảnh báo và chỉ báo sớm về các mối đe dọa đối với quê nhà” – cơ quan này cho biết trong 1 tuyên bố.

Mỹ trước đó đã rút quân khỏi các thành phố Bossaso và Galkayo của Somalia vào đầu năm nay. Tính đến tháng trước, quân đội Mỹ vẫn còn hoạt động ở thành phố cảng phía nam Kismayo, căn cứ không quân Baledogle ở ​​vùng hạ Shabelle và ở thủ đô Mogadishu.

Một quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên cho biết, gần như tất cả các lực lượng Mỹ sẽ rời Somalia, mặc dù một số lực lượng sẽ ở lại Mogadishu. Tuyên bố chưa ký của Lầu Năm Góc cho biết một số lượng không xác định lực lượng ở Somalia sẽ được điều động đến các nước láng giềng, cho phép họ thực hiện các hoạt động xuyên biên giới.

Hiện trường một vụ đánh bom ở Somalia tháng 8-2020 - Ảnh: Reuters

Một nguồn thạo tin giấu tên cho biết việc rút quân diễn ra vào thời điểm khó khăn đối với Somalia, trước cả cuộc bầu cử quốc hội và tổng thống, tạo ra tình thế khó xử cho tổng thống Mỹ đắc cử Joe Biden khi ông nhận nhiệm sở.

Somalia đã bị tàn phá bởi cuộc nội chiến kể từ đầu những năm 1990, nhưng trong thập kỷ qua, lực lượng gìn giữ hòa bình do Liên minh châu Phi hậu thuẫn và quân đội Mỹ đã giành lại quyền kiểm soát Mogadishu và những vùng đất rộng lớn của đất nước từ tay các phiến quân.

Tổng thống Somalia - Mohamed Abdullahi Mohamed dường như đã vận động hành lang công khai chống lại việc Mỹ rút quân.

Viết trên Twitter vào tháng 10, ông cho rằng sự hỗ trợ của Mỹ "đã cho phép chúng tôi chống lại Al-Shabab một cách hiệu quả và đảm bảo vùng an ninh ở vùng Sừng châu Phi. Một chiến thắng trong hành trình này và cho quan hệ đối tác Somalia-Mỹ chỉ có thể đạt được thông qua quan hệ đối tác an ninh liên tục và hỗ trợ nâng cao năng lực”.

Một quan chức Mỹ khác cho biết sự hiện diện của quân Mỹ ở Somalia là một điểm gây tranh cãi giữa Trump và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper, người mà Trump đã sa thải vào tháng trước.

Nhóm Al Shabaab đã chiến đấu trong hơn một thập kỷ để thiết lập quyền cai trị dựa trên việc áp dụng nghiêm ngặt luật Sharia của Hồi giáo. Nhóm khủng bố này thường thực hiện các cuộc tấn công bằng súng và đánh bom vào các mục tiêu quân sự và dân sự, đồng thời cũng tấn công các mục tiêu trong khu vực, đặc biệt là ở Kenya.

Một cuộc tấn công vào một căn cứ quân sự của Mỹ ở Kenya đã giết chết ba người Mỹ vào đầu năm nay. Nhiều lực lượng Mỹ ở Somalia huấn luyện và hỗ trợ Danab, lực lượng đặc biệt của Somalia, nòng cốt trong sứ mệnh tiêu diệt các thủ lĩnh al Shabaab.

Danab hiện có khoảng 850 binh sĩ nhưng đã có kế hoạch tăng lên khoảng 3.000, là lực lượng chiến đấu hiệu quả nhất của Somalia.

Đây là lần rút quân lớn thứ ba kể từ khi Trump bổ nhiệm quyền Bộ trưởng Quốc phòng Christopher Miller, một cựu quan chức Mũ nồi xanh và chống khủng bố, thay thế Esper tại Lầu Năm Góc sau thất bại bầu cử hôm 3-11.

Quan chức quốc phòng Mỹ cho biết việc rút quân được yêu cầu hoàn thành trước ngày 15 tháng 1 - cùng thời hạn đối với việc rút quân ở Afghanistan và Iraq.

Bình luận (0)

Lên đầu trang