(CAO) Hôm 16-11, CNN đưa tin chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu chuyến công du đến Papua New Guinea (PNG), quốc gia ở châu Đại Dương nằm sát sườn Úc nhằm gia tăng ảnh hưởng ở khu vực Tây Thái Bình Dương.
Chuyến đi được truyền thông quốc tế chú ý trong bối cảnh Bắc Kinh đang xảy ra căng thẳng thương mại với Mỹ và dự án “Vành đai, con đường” của chính quyền ông Tập đang tìm cách lôi kéo thêm các đối tác mới tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng từ đường sá đến cảng biển bằng nguồn vốn được Bắc Kinh ưu đãi.
Ông Tập trước chuyến công du chính thức đã có mặt tại thủ đô Port Moresby của Papua New Guinea để tham dự hội nghị thượng đỉnh cấp cao APEC. Sau chuyến thăm PNG, ông sẽ tiếp tục đến Brunei và Philippines, hai quốc gia đang có tranh chấp trên Biển Đông với Bắc Kinh.
Việc ông Tập đến PNG tuyên bố sẽ hỗ trợ phát triển đất nước này là chỉ dấu cho thấy Trung Quốc đang tìm cách phá thế bủa vây của Mỹ và các nước đồng minh khi thời gian gần đây Washington liên tục điều tàu và máy bay tuần tra trên Biển Đông.
Tại PNG, truyền thông quốc tế nhận định nơi đây cũng đang dần trở thành “chiến trường” tranh giành ảnh hưởng giữa Úc và Trung Quốc. Mới đây Úc thông báo kế hoạch xây dựng 1 căn cứ hải quân chung với PNG cũng như rót tiền bằng các gói viện trợ vào quốc gia hẻo lánh này.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) gặp toàn quyền PNG - Bob Dadae ngày 16-11- Ảnh: Getty
CNN dẫn lời thủ tướng Úc Scott Morrison hôm 8-11 không giấu diếm ý định lôi kéo PNG vào tầm ảnh hưởng của mình: “Thời điểm đã tới. Tôi tin rằng một chương mới đã mở ra trong các mối quan hệ với gia đình Thái Bình Dương của chúng tôi. Đó không chỉ là khu vực của chúng tôi hoặc của những láng giềng của chúng tôi. Đó còn là ngôi nhà của chúng tôi”.
Dùng những cụm từ “thân mật” như “gia đình” hay “ngôi nhà”, Úc thể hiện rõ sự quan ngại khi gần đây những nước ở Thái Bình Dương như PNG hay Vanuatu, trước nay được xem là “sân sau” của Canberra, nay đang được Trung Quốc “chú ý” đến và không ngừng ra sức lôi kéo.
"Mạnh vì gạo, bạo vì tiền"
Các báo cáo hồi tháng 4 cho thấy Bắc Kinh đã ký 1 thoả thuận với quốc đảo Vanuatu để thiết lập một căn cứ quân sự tại đây, ngay trước “ngưỡng cửa” của Úc.
“Hốt hoảng”, chính phủ của thủ tướng Úc Morrison phải công bố khoảng đầu tư 2 tỷ USD xây dựng cơ sở hạ tầng cho các quốc gia láng giềng ở khu vực Thái Bình Dương.
“Mạnh vì gạo, bạo vì tiền” khiến cuộc đua giành ảnh hưởng dường như đang nghiêng cán cân về phía Trung Quốc. Thủ tướng Úc Morrison trong một thông báo nhấn mạnh: “Thế giới đang đổi thay, đó là sự thật và chúng ta cần đảm bảo rằng các đối tác Thái Bình Dương của mình phải ngày một trở nên mạnh mẽ hơn, rằng chúng ta phải là những thành viên đáng tin cậy của nhau trong một gia đình”.
Ông Tập bước xuống chuyên cơ bắt đầu chuyến thăm PNG ngày 15-11 - Ảnh: Getty
Trung Quốc trong khi đó, dĩ nhiên không bao giờ từ bỏ tham vọng gây ảnh hưởng ở Papua New Guinea. CNN đưa tin ông Tập được dự báo tại PNG ông sẽ gặp mặt 8 lãnh đạo của các quốc đảo Thái Bình Dương có quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh.
Tân Hoa Xã dẫn lời ông Tập trong một bài báo hôm 15-11 sử dụng những câu từ trau chuốt đầy tính ngoại giao: "Người Trung Quốc thường nói rằng khoảng cách không thể chia tách tình bằng hữu thật sự. Họ vẫn sát cánh cùng nhau cho dù có cách xa nhau vạn dặm. Thái Bình Dương rộng lớn thật sự là nơi giao hảo giữa Trung Quốc và các quốc gia Thái Bình Dương”.
Tiền Trung Quốc đang đổ về đây, trong cuộc chiến đầy lợi ích kinh tế ấy, ai “bạo vì tiền” hơn sẽ thắng.