(CAO) Khủng hoảng chính trị, kinh tế tại Venezuela có khả năng bước sang một mức mới khi hôm 31-3, Reuters đưa tin Tòa án Tối cao nước này quyết định tiếp quản chức năng của Quốc hội.
Đây là động thái bãi bỏ vai trò của quốc hội nước này một cách không chính thức.
Từ năm 2015, khi cuộc khủng hoảng kinh tế bùng lên do chính quyền của tổng thống Maduro điều hành kém, Quốc hội đã nằm trong tay phe đối lập với đa số ghế. Quốc hội do phe đối lập nắm quyền kiểm soát nhiều lần kêu gọi trưng cầu dân ý, phế truất ông Maduro.
Mới đây, Tòa án tối cao Venezuela còn tự ý cho phép tổng thống Maduro thành lập liên doanh dầu khí mà không có sự phê chuẩn của Quốc hội. Trong thông cáo của mình, Tòa án này ngang nhiên tuyên bố: “Chừng nào tình trạng bất tuân ở Quốc hội còn tiếp diễn, tòa án hoặc một cơ quan khác sẽ đảm nhận các chức năng của Quốc hội".
Người dân biểu tình chống tổng thống Maduro - Ảnh: Reuters
Thông báo này gây phản ứng mạnh mẽ từ dư luận quốc tế. Các quốc gia từ khu vực Mỹ Latin đến nước Mỹ cho rằng đây là một bước thụt lùi về dân chủ. Tổng thống Maduro muốn thâu tóm quyền lực và trở thành nhà độc tài. Các nước lên án ông đang thực hiện một cuộc “đảo chính”.
Trước áp lực của dư luận, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đã phải lên truyền hình vào đêm 31-3 phân trần. Ông cho rằng khủng hoảng giữa Tòa án tối cao và Quốc hội nước này đã lắng dịu nhưng không cung cấp thêm chi tiết.
Đứng bên cạnh Maduro, phó tổng thống Venezuela Tareck El Aissami cho biết: "(Chúng tôi) thúc giục Tòa án tối cao xem lại các quyết định ... để duy trì ổn định thể chế và sự cân bằng quyền lực".
Tổng thống Maduro vấp phải chỉ trích mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế vì quyết định lấn quyền Quốc hội của Tòa án tối cao - Ảnh: Reuters