(CAO) Các viên chức y tế ở miền nam Ấn Độ hôm 22-5 cho biết, ít nhất đã có 10 người thiệt mạng do một loại vi rút hiếm gặp mang tên Nipah.
Loại virút này lây lan do dơi ăn quả, có thể gây ra các triệu chứng giống như cúm và tổn thương não. Hiện chưa có thuốc chủng ngừa cho loại vi rút này và nó vẫn đang tiếp tục bùng phát tại bang Kerala. Nạn nhân đầu tiên tử vong là tại quận Kozhikode vào hôm 18-5.
Bà K.K. Shailaja, bộ trưởng y tế Ấn Độ cho biết: "Đây là một tình huống mới đối với chúng tôi, bởi chưa từng có dịch bệnh này trước đây. Chúng tôi chưa có kinh nghiệm ứng phó với loại vi rút này".
Dịch bệnh truyền nhiễm vốn là thách thức ở Ấn Độ, quốc gia đông dân thứ hai trên thế giới, nơi việc kiểm soát và giám sát nhiễm trùng yếu. Điều này dẫn đến hàng trăm ca tử vong hàng năm chỉ từ các bệnh đơn giản như sốt xuất huyết.
Các quan chức chăn nuôi và lâm nghiệp đặt một con dơi vào một thùng chứa sau khi bắt nó trong giếng tại Changaroth ở Kozhikode ở bang Kerala của Ấn Độ vào ngày 21-5-2018.
Trong số 18 người được điều trị vì nhiễm loại vi rút này thì 10 người đã chết, 6 người tình trạng sức khỏe đã ổn định và 2 người hiện đang phải điều trị tích cực. Ba trong số các nạn nhân tử vong là thành viên trong cùng một gia đình, họ bị nhiễm bệnh từ đàn dơi đông đúc sống gần nhà.
Ông U.V.Jose, hiện là quan chức chính phủ địa phương cho biết: "Chúng tôi đã đóng các giếng nước và sơ tán những người sống gần đó. Hiện các bệnh viện đều đang trong tình trạng quá tải vì một số bệnh nhân sốt cũng đến khám do lo sợ bị nhiễm bệnh. Chúng tôi buộc phải nhờ đến sự giúp đỡ của các bệnh viện tư nhân để giảm tải áp lực".
Vi rút này đã từng giết chết hơn 260 người tại Malaysia, Bangladesh và Ấn Độ trong các vụ lây lan dịch bệnh từ năm 1998. Tổ chức y tế thế giới WHO đã đặt tên Nipah là một trong 8 bệnh ưu tiên có thể gây ra đại dịch, cùng với Ebola và Zika.
Tại Ấn Độ, căn bệnh này lần đầu tiên được báo cáo vào năm 2001 và một lần nữa 6 năm sau đó, với hai trận dịch đã cướp đi ít nhất 50 người. Cả hai lần, căn bệnh này đã được báo cáo tại các khu vực của bang miền đông Tây Bengal giáp biên giới Bangladesh.
Bangladesh đã gánh chịu gánh nặng bệnh tật trong những năm gần đây, với hơn 100 người chết vì Nipah kể từ khi một ổ dịch đầu tiên được báo cáo vào năm 2001.