Trước đó, Tổng thống Zelensky cho rằng một lệnh ngừng bắn hoàn toàn là điều kiện cần để tổ chức các cuộc đàm phán chính thức giữa Nga và Ukraine.
Trong ngày 28/2, các quan chức Nga và Ukraine đã tiến hành vòng đàm phán đầu tiên sau khi Moskva mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại miền Đông Ukraine ngày 24/2.
Tuy vòng đàm phán này đã kết thúc mà không đạt được tiến bộ cụ thể nào, nhưng hai bên đã nhất trí về vòng đàm phán tiếp theo.
Tổng thống Volodymyr Zelensky. Ảnh: Reuters
Chuyên gia chính trị Belarus Yury Voskresensky, người thân cận với những người đồng tổ chức vòng đàm phán thứ nhất, tiết lộ rằng cuộc thảo luận tiếp theo có thể diễn ra vào chiều 2/3.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu ngày 2/3 đã bày tỏ hy vọng Nga và Ukraine sẽ đạt được thỏa thuận ngừng bắn trong vòng đàm phán thứ hai.
Hãng Sputniknews của Nga dẫn lời Ngoại trưởng Cavusoglu nhấn mạnh hai bên phải tiến hành đàm phán để đạt được thỏa thuận ngừng bắn.
Trong vòng đàm phán tiếp theo, hai bên sẽ có đủ thời gian để thảo luận và nhất trí về các vấn đề chính trị.
Cùng ngày, Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) thông báo đang tiến hành sơ tán các quan sát viên từ Kharkov tới Dnepr để chuẩn bị cho việc rút khỏi Ukraine.
Kharkov là thành phố giáp giới Nga, có 1,4 triệu người sinh sống. Ngôn ngữ chính tại Kharkov là tiếng Nga.
Hơn 677.000 người đã rời khỏi Ukraine an toàn
Người đứng đầu Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) Filippo Grandi ngày 1/3 cho biết khoảng 677.000 người tị nạn ở Ukraine đã tới các nước láng giềng an toàn, trong khi ước tính có khoảng 1 triệu người Ukraine phải sơ tán ở trong nước.
Trong cuộc họp báo ở Geneva, ông Grandi nói số lượng người phải di tản là "đặc biệt đáng quan ngại" và một nửa trong số trên đã sang Ba Lan, Hungary (gần 90.000 người), Moldova (60.000), Slovakia (50.000 người), Romania (40.000 người).
Theo ông, tình hình trên có thể trở thành cuộc khủng hoảng tị nạn lớn nhất châu Âu trong thế kỷ này.
Người tị nạn rời khỏi Ukraine tới Olkusz, Ba Lan ngày 28/2/2022. (Ảnh: PAP/TTXVN)
Tại cuộc họp báo trước đó, người phát ngôn của UNHCR, bà Shabia Mantoo cảnh báo rằng số người tị nạn đang tăng lên theo cấp số nhân, đồng thời kêu gọi các chính phủ duy trì chính sách tiếp cận lãnh thổ cho người tị nạn, trong đó có người Ukraine và công dân nước thứ 3 tại Ukraine.
Trong diễn biến liên quan, Chính phủ Tây Ban Nha đã cho phép người tị nạn Ukraine tới nước này.
Người phát ngôn của chính phủ, bà Isabel Rodriguez cho biết người tị nạn Ukraine sẽ được hưởng quy chế “công dân đầy đủ” ngay khi đến Tây Ban Nha, đặc biệt là về việc được tiếp cận với việc làm.
Liên minh châu Âu (EU) đang cân nhắc việc trao cho Ukraine quy chế đặc biệt theo Chỉ thị Bảo vệ Tạm thời năm 2001, theo đó cho phép những người tị nạn từ các cuộc xung đột sống và làm việc trong khối trong tối đa 3 năm.
Tuy nhiên, để văn bản trên có hiệu lực, đa số các quốc gia thành viên EU, tức là phải có 15 trong số 27 nước, đại diện cho ít nhất 65% dân số của khối, ủng hộ.
Theo văn phòng thống kê quốc gia INE, có khoảng 112.000 người Ukraine hiện đang sống ở Tây Ban Nha.
Cùng ngày, tổ chức cứu trợ Caritas ở Ba Lan cho biết sẽ đón 2.000 trẻ em mồ côi ở Ukraine, nhóm đầu tiên gồm 300 em đang trên đường đến Ba Lan.
Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 1/3 cũng cho biết nước này có thể tiếp nhận ít nhất 200.000 người tị nạn Ukraine sau khi chính quyền mở rộng chương trình trợ giúp những người tị nạn đến từ nước này.
Chương trình này cho phép những người Ukraine định cư ở Anh được đưa cha mẹ, ông bà, con cái trên 18 tuổi, và anh chị em tới Anh. Các công ty của Anh cũng có thể tài trợ cho các cá nhân người Ukraine nhập cảnh nước này.
Ông cũng cho biết Anh sẽ cung cấp 220 triệu bảng Anh viện trợ nhân đạo và khẩn cấp cho Ukraine.
Nga: "Không thấy thiện chí của Ukraine trong tìm kiếm giải pháp"
Đại diện thường trực của Nga tại cơ quan Liên hợp quốc ở Geneva (Thụy Sĩ), Đại sứ Gennady Gatilov đã đưa ra tuyên bố trên trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Liban lên sóng ngày 1/3 và được hãng tin RIA trích dẫn lại.
Đại sứ Gatilov khẳng định quan điểm của Moskva ủng hộ giải pháp ngoại giao trên cơ sở tôn trọng lập trường của tất cả các quốc gia và sự bình đẳng. Ông nhấn mạnh, đó là điều Nga chưa thấy được từ phía Ukraine.
Đại diện thường trực của Nga tại cơ quan Liên hợp quốc ở Geneva (Thụy Sĩ), Đại sứ Gennady Gatilov. (Nguồn: AP)
Trong ngày 28/2, các quan chức Nga và Ukraine đã tiến hành vòng đàm phán đầu tiên sau khi Moskva mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại miền Đông Ukraine ngày 24/2. Tuy vòng đàm phán này đã kết thúc mà không đạt được tiến bộ cụ thể nào, nhưng hai bên nhất trí về vòng đàm phán tiếp theo.
Trong diễn biến liên quan, ngày 1/3, Tổng thống Ukraine, ông Volodymyr Zelensky nêu điều kiện Nga ngừng ném bom các thành phố của Ukraine để hai bên có thể xúc tiến các cuộc đàm phán về một lệnh ngừng bắn.
Nhà lãnh đạo Ukraine hối thúc các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) áp đặt lệnh cấm bay để ngăn chặn lực lượng không quân Nga, coi đây là biện pháp phòng ngừa.