(CATP) Bức xúc với việc bị ngăn chặn giao dịch đất tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, anh Lê Viết Sơn (SN 1993, ngụ Q11, TPHCM) đã làm đơn kêu cứu gửi đến tòa soạn Báo Công an TPHCM.
Người dân bị ảnh hưởng quyền lợi
Theo hồ sơ, anh Sơn là người nhận chuyển nhượng từ ông Vũ Văn Nhật, bà Trần Thị Mai, ông Trần Đăng Nhuần, bà Đồng Thị Lập với các thửa đất số 1759 và 1762, tờ bản đồ số 7 (xã Xuyên Mộc, huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa - Vũng Tàu). Để đơn giản hóa thủ tục, các bên thống nhất chuyển nhượng dưới hình thức ủy quyền toàn quyền thực hiện các quyền hợp pháp của chủ sử dụng đất (ký hợp đồng (HĐ) chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê, thế chấp vay vốn, ủy quyền lại cho bên thứ 3...) theo HĐ ủy quyền số công chứng 914 ngày 16/4/2019 và HĐ ủy quyền số công chứng 1261 ngày 07/5/2019 tại Văn phòng công chứng Xuyên Mộc.
Ngày 27/01/2022, anh Sơn ký HĐ ủy quyền lại số công chứng 2093, với nội dung: "Ủy quyền lại cho ông Bùi Phúc Thọ thực hiện việc chuyển nhượng đối với các thửa đất số 1759". Ngày 17/3/2021, anh Sơn tiếp tục ký HĐ ủy quyền lại số công chứng 3248 với nội dung: "Ủy quyền lại cho bà Nguyễn Thị Bút thực hiện việc chuyển nhượng đối với thửa đất số 1762". Sau đó, ông Thọ đã ký chuyển nhượng thửa đất số 1759 cho ông Bùi Văn Hữu; bà Bút cũng thực hiện ký chuyển nhượng thửa 1762 cho ông Nguyễn Thế Hoàng, bà Hà Thị Quỳnh Nga.
Đất ở xã Xuyên Mộc (huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa - Vũng Tàu) hiện bỏ trống do vướng áp dụng BPKCTT
Sau đó, anh Sơn nhận thông tin 2 thửa đất này bị ngăn chặn giao dịch. Thửa đất số 1759 bị từ chối thực hiện thủ tục cập nhật biến động sang tên theo văn bản số 2163, ngày 12/9/2022 của Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Xuyên Mộc. Thửa đất số 1762 cũng bị tình trạng tương tự theo văn bản số 2375, ngày 26/9/2022.
Lý do bị ngăn chặn do có quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (BPKCTT) số 03/2022, ngày 31/8/2022 của TAND TP.Bắc Giang ("QĐ số 03/2022/QĐ-BPKCTT"). QĐ này áp dụng BPKCTT "cấm hoặc buộc thực hiện hành vi nhất định" - cấm chuyển đổi, chuyển nhượng, thế chấp đối với 10 thửa đất đứng tên ông Nhật, bà Mai cùng hai đồng sử dụng đất khác là ông Trần Đăng Nhuần, bà Trần Thị Lập (trong đó có 2 thửa đất nêu trên), QĐ được ban hành căn cứ theo đơn yêu cầu của bà Võ Thị An Bình (đại diện theo quyền của ông Nguyễn Tiến Thành - nguyên đơn trong vụ án dân sự thụ lý số 25/2022/TLST-DS về việc "tranh chấp hợp đồng vay tài sản" với bị đơn - ông Vũ Văn Nhật, bà Trần Thị Mai). Vụ án do thẩm phán (TP) N.V.T phụ trách giải quyết. Tuy nhiên, BPKCTT bà Bình yêu cầu áp dụng là "phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ”.
Ngày 02/01/2024, anh Sơn đã gửi đơn khiếu nại đến các cơ quan có thẩm quyền. Đến ngày 20/02/2024, Chánh án TAND TP.Bắc Giang có thông báo số 01/2024/TA "về việc không thụ lý giải quyết khiếu nại với lý do anh Sơn không phải là đương sự trong vụ án dân sự sơ thẩm thụ lý số 25/2022/TLST-DS", đồng thời vụ án trên đã giải quyết xong và đã có hiệu lực pháp luật.
Ngày 08/3/2024, anh Sơn gửi đơn tố cáo đến Chánh án TAND TP.Bắc Giang. Đến ngày 17/5/2024, Chánh án TAND TP.Bắc Giang ban hành kết luận số 04/KL-CA. Kết luận này mâu thuẫn ở việc vừa kết luận nội dung tố cáo của anh Sơn là sai, nhưng đồng thời nhận định QĐ số 03/2022/QĐ-BPKCTT cần phải được... tuyên hủy.
Ths - LS Lê Thị Phương
Không đồng ý với kết quả giải quyết tố cáo lần 1, ngày 27/6/2024, anh Sơn tiếp tục có đơn tố cáo lần 2 đến Chánh án TAND tỉnh Bắc Giang. Đến ngày 25/7/2024, Chánh án TAND tỉnh Bắc Giang ra thông báo số 04/TB-TA kết luận "việc giải quyết tố cáo lần đầu đã đúng quy định nên không tiến hành giải quyết lại vụ việc tố cáo của anh Sơn".
Áp dụng BPKCTT có phù hợp?
Ths - LS Lê Thị Phương (Trưởng VPLS Lê Phương, Đoàn LS TP.Hồ Chí Minh) phân tích, căn cứ các Điều 111, 114, 133, 136 BLTTDS 2015, việc áp dụng BPKCTT này sẽ thuộc trường hợp áp dụng theo yêu cầu của đương sự và buộc phải thực hiện biện pháp bảo đảm. Tuy nhiên, TP giải quyết vụ án đã tự ý áp dụng BPKCTT khác với yêu cầu của đương sự và không yêu cầu đương sự phải thực hiện biện pháp bảo đảm là trái với quy định của BLTTDS 2015, có dấu hiệu của việc ra quyết định trái pháp luật. Theo điều 138 BLTTDS 2015, TAND TP.Bắc Giang cần sớm ban hành quyết định hủy bỏ, bởi anh Sơn và các đương sự, cá nhân, tổ chức có liên quan đang bị xâm phạm quyền lợi.
Như vậy, căn cứ quy định của BLTTDS 2015, có thể thấy việc áp dụng BPKCTT trong vụ việc này có rất nhiều vi phạm nghiêm trọng: TP tự ý áp dụng BPKCTT khác với BPKCTT mà đương sự yêu cầu; không yêu cầu đương sự thực hiện biện pháp bảo đảm; BPKCTT được áp dụng không thuộc trường hợp Tòa án được tự mình áp dụng và ngay cả khi có yêu cầu của đương sự thì BPKCTT này cũng không đáp ứng điều kiện để được áp dụng trong vụ việc mà anh Sơn đang kêu cứu; các tài sản bị áp dụng BPKCTT không chỉ thuộc quyền sở hữu của người có nghĩa vụ thi hành án là ông Nhật, bà Mai mà còn thuộc quyền sở hữu của ông Nhuần, bà Lập - những người không liên quan, không tham gia vào vụ án tranh chấp giữa các bên tại Tòa án trước đó.
Hiện anh Sơn đã tiếp tục làm đơn kêu cứu khẩn cấp gửi đến Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao và nhiều cơ quan chức năng khác để được giải quyết dứt điểm vụ việc sai phạm này.