Áp thấp nhiệt đới có thể mạnh thành bão giật cấp 12, hướng vào Nha Trang

Thứ Tư, 21/11/2018 21:46  | A. Quân

|

(CAO) Theo Trung tâm DBKTTV Trung ương, hồi 19 giờ ngày 21/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới cách phía Bắc đảo Pa-la-oan (Philippines) khoảng 100km về phía Tây. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7, giật cấp 9.

Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc mỗi giờ đi được khoảng 20km, đi vào Biển Đông và có khả năng mạnh lên thành bão. Đến 19 giờ ngày 22/11, vị trí tâm bão cách đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 200km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 80km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới.

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới nên ở vùng biển Đông Nam Biển Đông có mưa rào và dông, từ sáng sớm ngày 22-11 gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8, giật cấp 10; biển động mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới: (gió mạnh cấp 6 trở lên) từ vĩ tuyến 9,0 đến 12,5 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 115,0 độ Kinh Đông.

Hướng đi dự báo của áp thấp nhiệt đới. Nguồn: TTDBKTTVTW

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km và có khả năng mạnh thêm. Đến 19 giờ ngày 23/11, vị trí tâm bão, cách bờ biển các tỉnh Nam Trung Bộ khoảng 240km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 11. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 10-15km và có khả năng mạnh thêm. Đến 19 giờ ngày 24/11, vị trí tâm bão trên vùng biển các tỉnh Nam Trung Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 12. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Như CAO đã đưa tin, cuối tuần vừa qua, mặc dù cơn bão số 8 sớm tan trên biển, không đổ bộ vào đất liền, nhưng đã khiến mưa lớn kéo dài, gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh Nam Trung bộ, đặc biệt là Nha Trang (Khánh Hòa) đã phải hứng chịu đợt thiên tai lịch sử với các điểm sạt lở đất kinh hoàng khiến ít nhất 14 người chết, 5 người mất tích, hơn chục người bị thương và trăm ngôi nhà, công trình bị phá hủy.

Đến nay, dù chính quyền, ngành chức năng đã khẩn trương tập trung lực lượng khắc phục nhưng nhiều khu vực vẫn còn ngổn ngang, đổ nát. Tài sản của dân bị cuốn theo nước lũ hoặc chôn vùi dưới hàng ngàn tấn đất đá sạt lở.

Bình luận (0)

Lên đầu trang