(CATP) Ngày 18-7-2015, tại ấp Bình Thuận, xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ, TP.Hồ Chí Minh, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cùng nhà thầu Liên danh Sumitomo Mitsui Construction Co., Ltd - Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 4 (Liên danh Sumitomo - Cienco4) tổ chức động thổ gói thầu J3 (xây dựng cầu Phước Khánh) thuộc dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành. Dự kiến công trình sẽ được hoàn thành sau 42 tháng thi công.
Cầu Phước Khánh bắt đầu từ Km29+264 đến Km32+450 với tổng chiều dài 3,186km, bao gồm cầu Phước Khánh, cầu cạn qua huyện Cần Giờ, TPHCM và huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Cây cầu có chiều rộng mặt cầu 21,75m, được xây dựng theo kết cấu cầu dây văng hai mặt phẳng.
Phần cầu Phước Khánh sẽ có ba nhịp chính với hai nhịp hai đầu cầu dài 149,5 mét và nhịp giữa dài 300 mét. Phần cầu dẫn phía đông và phía tây sẽ được thi công bằng phương pháp đúc hẫng cân bằng và 17 nhịp có kết cấu dầm Super-T. Tổng khối lượng thực hiện tại gói thầu cần tới 29.000 mét cọc khoan nhồi, 12.435 tấn cốt thép, 106.473m3 bê tông các loại...
Liên danh Sumitomo - Cienco4 đã trúng thầu gói thầu trên với giá trên 3,9 tỷ yên Nhật, từ nguồn vốn vay của chính phủ Nhật Bản thông qua Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và 2.844 tỷ đồng vốn đối ứng từ ngân sách Nhà nước.
Việc khởi công gói thầu J3 sẽ tạo nên diện mạo cho dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành có tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 là 1.607 triệu USD. Tuyến đường cao tốc trên là dự án trọng điểm quốc gia thuộc trục cao tốc Bắc - Nam, được Bộ Giao thông - Vận tải giao Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam làm chủ đầu tư.
Dự án có tổng chiều dài 57,1km đi qua các tỉnh Long An, TPHCM, Đồng Nai. Trong đó đoạn đi qua Bến Lức, Cần Giuộc của tỉnh Long An kéo dài 2,8km; đoạn đi qua H.Bình Chánh và H.Nhà Bè thuộc TPHCM dài khoảng 26,4km và 28km còn lại đi qua hai huyện Nhơn Trạch, Long Thành của tỉnh Đồng Nai.
Dự án đường thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, gồm 4 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp, vận tốc 100km/giờ. Do dự án đi qua vùng địa chất yếu nên phải xây dựng hơn 20km cầu cạn, trong đó có hai cầu dây văng lớn là cầu Bình Khánh, Phước Khánh. Cả hai cầu có tĩnh không thông thuyền 55m, cao nhất tại Việt Nam hiện nay.
Đối với TPHCM và các tỉnh thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía nam, dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành khi đưa vào sử dụng sẽ hình thành tuyến cao tốc khép kín hệ thống đường vành đai 3. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc phân bổ lưu lượng xe trên các trục đường quốc lộ hướng tâm TP.Hồ Chí Minh, giảm áp lực lưu thông từ các tỉnh thành phía Nam.
Phối cảnh cầu Phước Khánh
Đồng thời, kết nối trực tiếp TPHCM với các thành phố vệ tinh Nhơn Trạch, Biên Hòa, Vũng Tàu và các cụm công nghiệp, cụm cảng trong khu vực Hiệp Phước - Nhà Bè, Thị Vải, Cái Mép, Sao Mai - Bến Đình... Từ đó, tạo thành một phần của Hành lang kinh tế phía nam thuộc Tiểu vùng sông Mê Kông, mở rộng từ Bangkok qua Phnôm Pênh, TP.Hồ Chí Minh, Vũng Tàu.
Phát biểu tại lễ động thổ, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Ngọc Đông đánh giá cao nỗ lực của chủ đầu tư, liên danh các nhà thầu đã chuẩn bị chu đáo các thủ tục, để tiến hành động thổ gói thầu J3. Thứ trưởng cũng gửi lời cảm ơn Ngân hàng Phát triển châu Á, Chính phủ Nhật bản đã tài trợ vốn cho dự án. Thứ trưởng Đông đề nghị lãnh đạo các tỉnh Long An, Đồng Nai, TP.Hồ Chí Minh tạo điều kiện hỗ trợ chủ đầu tư công tác giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện có mặt bằng sạch để các nhà thầu triển khai dự án đúng tiến độ.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Chí Trung - Chánh văn phòng VEC - khẳng định, toàn bộ tuyến đường cao tốc đoạn đi qua huyện Cần Giờ sẽ không có đường dẫn kết nối với đường Rừng Sác của huyện Cần Giờ. Việc không bố trí tuyến đường nối với huyện đảo này nhằm giữ gìn, tránh các tác động có thể dẫn tới việc phá vỡ hệ sinh quyển tại khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ.