Hôm qua có một con người

Thứ Ba, 15/06/2021 11:25

|

(CATP) Mãi cho đến bây giờ, khi trò chuyện với giới thiện hữu trí thức, những nhà hoạt động văn hóa, những người cầm bút có tuổi, hầu như ai cũng nhắc đến Huỳnh Bá Thành - họa sĩ Ớt - với một thái độ, tình cảm hết sức trìu mến. Mặc dù ngọn nến ấy đã tắt trong "ngôi nhà chung" ngót 30 năm, mặc dù thời gian đã phủ lên ký ức con người lớp bụi nhiều màu sắc, mặc dù vạn sự ngày hôm nay đã khác ngày hôm qua, nhưng tiếng du dương của những nốt nhạc quá khứ vẫn còn lắng đọng trong ngõ ngách của nhiều con tim.

Huỳnh Bá Thành không phải là một vị thánh, không phải là đức chân tu, nhưng những triết lý về hành động cụ thể, nhân cách trong mối quan hệ cộng đồng, tấm lòng hồn hậu với cuộc sống đã nâng anh lên một tầm cao nghề nghiệp, trở thành "hình tượng" đáng ngưỡng mộ, học hỏi cho lớp cầm bút kế tục. Với Báo Công an thành phố Hồ Chí Minh, anh Thành không phải là người đặt những viên đá đầu tiên, nhưng kể từ khi anh bước chân vào ngôi nhà này, không khí làm việc hoàn toàn khác hẳn, mở toang những cánh cửa nhiều năm đóng im ỉm, ánh dương rực rỡ mang lại những ước mơ, niềm tin về tương lai nghề nghiệp, tạo điều kiện để những cây bút vốn chỉ biết "thông tin nội bộ" trở thành những ký giả chuyên nghiệp.

Dấu ấn của một người chỉ huy tài năng càng được khẳng định khi Báo Công an thành phố Hồ Chí Minh phát hành rộng rãi ra công chúng (ngày 2-9-1986) một tờ báo mà không ít người đã cho là "hiện tượng xã hội", "một thể loại báo chí hết sức đặc biệt", cụ thể hơn, như lời học giả Trần Bạch Đằng: "Nó là bạn đường của dân nghèo, chỗ dựa tinh thần của người yếu thế!". Những chuyên mục đặc thù của tờ báo chiếm được tình cảm nhiều độc giả, niềm tin về tiếng nói, hài lòng với những sự thật được phơi bày, lý thú trước những đột phá về thông tin... đã dần đưa số lượng phát hành đến đỉnh cao gần như không tưởng.

Nhà báo Huỳnh Bá Thành

Cũng như nhiều công việc khác, tờ báo là sản phẩm kết tinh trí tuệ, công sức lao động của một tập thể, nhưng không thể phủ nhận bộ óc tổ chức, kiến tạo của một cá nhân, nhất là trong một thời gian khá dài, đơn vị ấy cứ lẩn quẩn mãi trên con đường hắt hiu, đầy cỏ úa.

Vốn là chiến sĩ điệp báo hoạt động ngay trong lòng chế độ Sài Gòn, dưới vỏ bọc nhà báo, anh Thành hấp thụ được những bí quyết nghề nghiệp, phong cách thông tin và biết đưa ra "loại hàng" gì để có thể cạnh tranh trên thị trường. Anh không muốn tờ báo phải sống trong chế độ bao cấp, không muốn anh em cầm bút phải vật vã với miếng ăn như những người lao động phổ thông, không muốn tất cả sự học hành, cật lực làm việc phải trông chờ vào một cái ơn mưa móc nào đó. Phải tạo cơ hội, phải mở một con đường dài rộng, quang đãng hơn để chiến đấu với đời, xây dựng sự nghiệp.

Trong những lần sinh hoạt nội bộ, anh luôn khích lệ những người tích cực làm việc, muốn mỗi phóng viên phải năng động, mạnh mẽ như những chiến mã tuấn tú, sải vó trên cánh đồng chữ nghĩa thênh thang, đầy hấp lực. Anh không thích nhân viên be bét rượu chè, lười nhác hay có tính đố kỵ. Với anh: "Các bạn hãy làm đi, hãy chứng tỏ đi rồi mọi người sẽ phán quyết!".

Anh Thành không phải là loại cán bộ mượn ghế để "vinh thân phú gia", không thích ngồi quản lý, chỉ đạo chung chung, mà là một người cầm bút, làm nghề thực thụ. Ngoài việc quán xuyến nội dung, tính toán cho từng số báo, anh còn đảm trách một chuyên mục phiếm luận, viết truyện nhiều kỳ (Feuilleton), in sách và phân cảnh kịch bản phim. Một ngày không ngồi trên bàn viết, anh cảm thấy: "Bữa nay chẳng làm được gì hết, vô vị quá!".

Có thể nói, anh yêu ngòi bút như Hàn Mặc Tử say trăng, như Hồ Hữu Thủ yêu sen, như Vương Hồng Sển mê cổ vật... Sự đam mê luôn luôn thúc đẩy con người tìm đến chân giá trị của sự vật và tìm cách hoàn thiện nó. Không có sự hờ hững nào thành công trên bước đường chinh phục cái gì đó, nhất là đối với nghề làm chữ nghĩa, thiên biến vạn hóa, không có điểm dừng trước mặt. Trong nửa cuộc đời của mình, anh Thành đã gặt hái được những thành tựu đáng trân trọng qua những biếm họa chính trị mang tên họa sĩ Ớt.

Những tháng ngày đấu tranh sinh tồn, càng làm cho ngòi bút thêm sắc sảo, tư duy thêm sức mạnh, tấm lòng thêm rộng mở. Anh nổi tiếng biết "chiêu hiền đãi sĩ", thu phục được nhiều tên tuổi lớn đứng xung quanh mình, sẵn sàng dang tay giúp đỡ một kẻ cơ hàn, tặng ngay chiếc áo mới mặc cho một nhà thơ "lỡ vận", tặng ngay đôi giày cho một viên chức "sa cơ", dúi vào túi một nhà văn gầy gò dăm ba triệu bảo về đưa cho vợ...

Chẳng những thế, anh còn là người khởi xướng các chương trình từ thiện, khơi dậy tình yêu thương đồng loại, giúp đỡ những hoàn cảnh đáng thương trong xã hội. Qua vận động, kêu gọi trên mặt báo, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, quỹ tương trợ nhân đạo của tờ báo ngày càng phát triển, được sự hưởng ứng của mọi tầng lớp trong cộng đồng, kịp thời hỗ trợ, cứu giúp đồng bào bị thiên tai, hoạn nạn.

Có thể nói, Báo Công an thành phố Hồ Chí Minh là người tiên phong trên lãnh vực này, tạo ra hiệu ứng mạnh mẽ trong toàn xã hội, đặc biệt là đối với các đồng nghiệp. Dấu chân của các chiến sĩ thiện nguyện mang tên tờ báo hầu như đã in trên khắp mọi miền Tổ quốc, những dấu chân mang lại niềm vui cho cụ già, tương lai cho trẻ thơ, ước vọng cho lứa tuổi đang ngồi dưới mái trường. Những giọt lệ ngọc cho cả người nhận lẫn người cho, ấm áp tình dân tộc nghĩa non sông. Cái tên Huỳnh Bá Thành lại càng được quý trọng, tin yêu.

Từ tư liệu của gia đình, nhà báo Trần Tử Văn đã thực hiện quyển sách này để tưởng nhớ nhà báo Huỳnh Bá Thành

* * *

Người ta không thể đi xa khi không biết mình đi đâu! - Đúng là như vậy. Tất cả mọi cuộc khởi hành trong cuộc sống này đều có đích đến, dù hành trình ngắn hay dài, dù nó mang lại những điều hữu ích hay vô ích.

Ở một nghĩa khác, con người sống không có mục đích, không có hoài bão lớn lao thì con đường đời không bao giờ thênh thang, rộng mở. Những người có ý chí cao cả luôn tạo nên đại sự, thúc đẩy sự phát triển của xã hội, làm cuộc sống ngày thêm phong phú, ý nghĩa và bản thân cũng xứng đáng với những gì do trí tuệ và sự nỗ lực mang lại.

Lúc bấy giờ, những người cầm bút ở lứa tuổi 30 như tôi vẫn còn lẩn quẩn với những tin, bài nhỏ nhặt, xoay quanh trong giới hạn của một số thể loại thông thường, số lượng chữ thường vượt không quá ba trang đánh máy.

Chúng tôi học được ở Tổng biên tập Nguyễn Anh Linh về tính tư tưởng và góc nhìn chính trị khi thể hiện một bài viết; học được ở Phó tổng biên tập Vũ Quang Hùng về ngữ pháp và cách dùng từ sao cho phù hợp, chính xác với nội dung cần thể hiện... nhưng bấy nhiêu hành trang vẫn không đủ phục vụ cho cuộc trường chinh đầy gian nan, thử thách.

Vốn liếng ít ỏi như thế thì cuộc khởi nghiệp chắc chắn sẽ ì ạch, chậm phát triển, thậm chí còn dễ làm thui chột tinh thần người trong cuộc. Tôi yêu nghề báo, muốn thoát đi nhưng không biết phải... đi đâu! Nhiều đêm tôi cố vẽ ra những con đường, đường này có hoa thơm, đường kia có cỏ lạ, đường này ít cheo leo... nhưng rồi không biết đặt tên những con đường trừu tượng ấy là gì.

Tôi giống như con ngựa già đã chùn chân, mỏi vó, nhìn cánh đồng chữ nghĩa bao la mà ngán ngẩm cho chí bồng tang. Trong tình cảnh ấy, anh Thành xuất hiện. Anh đến đơn giản, nhẹ nhàng như chiếc lá rơi, chiếc lá làm nên những mùa thu huyền ảo, là nguồn cảm xúc cho biết bao tâm hồn mắc nợ thi ca, là sự đổi ngôi, kế tục của cuộc sống.

Anh Thành nói qua điện thoại: "Ngày mai báo in, còn thiếu một bài Trinh sát kể chuyện, em viết ngay, tối nay đưa cho anh!", tôi hoảng hốt: "Đâu có tài liệu, anh Ba?", anh Thành thản nhiên: "Không biết! Tối nay phải có bài, không lý do gì cả!".

Một buổi sáng, nghe tin có vụ chôn xác người bí ẩn ở quận 8, anh Thành cử tôi đến hiện trường bảo viết ngay một bài tường thuật cho số báo sắp in, nửa giờ sau, tôi gọi điện về: "Mới đào đất lên, công an đang điều tra, cứ liệu đâu mà viết, anh Ba?", anh Thành gằn giọng: "Không biết! Nếu không có bài thì đừng về tòa soạn nữa!". Chỉ một "chi tiết đắt giá" từ thông tin của người vừa mãn hạn tù, anh Thành hỏi: "Bài điều tra này em viết được mấy kỳ?", tôi đáp: "Có thể hai kỳ!", anh Thành cười nhạo: "Phải viết bốn đến năm kỳ, nếu không đủ chữ thì đầu hàng đi, anh giao người khác!!!"...

Anh Thành "rèn quân" như thế, chỉ có tiến chớ không được lùi, bắt buộc phóng viên phải có tinh thần chiến đấu cao, phải trang bị những kiến thức, nghiệp vụ cần thiết để ứng phó với diễn biến của xã hội. Tôi là người được anh ưu ái giao cho nhiều "cục xương khó gặm", nhưng cũng từ những "cục xương" ấy, nghề nghiệp của tôi dần phát triển, tư duy thu nạp thêm nhiều điều mà trước đây không sờ thấy hay hình dung ra được.

* * *

Năm 1963, B.Clinton có mặt trong đoàn học sinh đến Nhà Trắng tham quan và vinh dự được bắt tay Tổng thống Kennedy. Từ đó, cậu bé Bill nuôi ước vọng, nỗ lực học hành, phấn đấu với quyết tâm sẽ theo dấu chân Kennedy. Đúng 30 năm sau, B.Clinton trở thành Tổng thống thứ 42 của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ...

Tôi rất thích câu chuyện này và nhân dịp Tổng thống B.Clinton đến thăm thành phố Hồ Chí Minh (tháng 11-2000), tôi đã tìm mọi cách vượt qua các hàng rào cảnh vệ để tiếp cận nhân vật quan trọng và thực hiện loạt phóng sự ảnh, lưu dấu cho sự nghiệp chưa "tày gang" của mình.

Anh Huỳnh Bá Thành là thần tượng nghề nghiệp, là một hình mẫu lao động sáng tạo mà không có một lý thuyết nào làm cho sinh động hơn. Tôi tin vào lý trí của mình nên mạnh dạn đi theo con đường mà anh đã khai phá. Tính cách là một cái gì rất riêng có thể ta không rập khuôn được, nhưng những kinh nghiệm khôn ngoan, ý chí vượt qua trở lực là những bài học hữu ích mà ta nên biết tận dụng. Việc học đôi khi không cần phải chiễm chệ, cao xa, xung quanh ta có nhiều điều để học, có những người mà ta noi theo không dứt cả cuộc đời.

Một hôm, thấy tôi thập thò nhìn anh đang lên ma-két cho các trang báo, con người tài hoa ấy cười mỉm: "Em thích lắm hả?", tôi ngượng nghịu: "Em muốn làm được như anh", dừng tay, anh nói rất ân cần: "Rồi một ngày nào đó em sẽ thay anh. Nỗ lực thêm đi. Ý chí sẽ quyết định tất cả. Còn thiếu thứ gì cứ mạnh dạn mà hỏi, còn hụt thứ gì phải chuyên tâm mà học...". Tờ báo vẫn còn đây nhưng anh Thành đã trở nên... người của hôm qua. Cái ngày mùng ba Tết oan nghiệt năm ấy đã lấy đi tất cả những gì tinh anh mà tạo hóa đã ban cho một thân phận.

Bùi Giáng xông vào phòng nhìn tôi với đôi mất thẫn thờ. Tôi hỏi: "Thầy tìm gì?", nhà thơ huyền thoại nói: "Tao đi tìm thằng Thành, hồi xưa nó ngồi đây mà...". Tôi đứng dậy, kéo ông đặt lưng lên chiếc ghế, nửa nói đùa nửa thật: "Thầy ngồi đi. Chiếc ghế này của anh Thành, hơi ấm vẫn còn đây, ngồi bao lâu cũng được...". Con người chỉ còn một ít nơ-ron thần kinh bỗng nhỏ hai giọt nước mắt, cười rưng rức: "Một chén rượu chưa say mà đã ra người thiên cổ... Thành ơi!...".

Bình luận (0)

Lên đầu trang