Trong một buổi chiều giữa tháng sáu trời mưa, tôi chọn một góc vắng hồi tưởng lại những ngày đầu bước chân vào tòa soạn Báo Công an TPHCM mới giật mình khi nhẩm tính mình đã có hơn một phần tư thế kỷ gắn bó với nơi thân thuộc này.
Có những người ngay từ nhỏ đã được định hướng nghề nghiệp, nhưng cũng có không ít trường hợp công việc đến một cách ngẫu nhiên, như duyên định không ngờ tới. Tôi thuộc vào trường hợp thứ hai. Mặc dù học chuyên văn ở phổ thông trung học, rồi cũng đi thi học sinh giỏi vài ba lần nhưng tôi không bao giờ nghĩ sau này mình sẽ viết báo, bởi đơn giản lúc đó quê tôi làm gì có báo đọc để mà định hướng, mơ tưởng đến nghiệp viết lách. Nhưng rồi, khi ra học ở Trường Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng, tôi mới có dịp tiếp xúc với báo.
Nhớ những buổi chiều rảnh rỗi, tôi lang thang dọc sông Hàn, ghé vào các kiosk để đọc báo "chùa". Không hiểu sao lúc đó tôi rất thích đọc Báo Công an Quảng Nam - Đà Nẵng và Công an TPHCM. Đó cũng là lúc hai tờ báo này có một lượng độc giả rất đông đảo. Sau này vào làm việc tại đây tôi mới biết, Báo CATPHCM lúc đó có số lượng phát hành đứng đầu cả nước, số cao nhất lên đến 700 ngàn tờ.
Còn nhớ, chờ đến trưa thứ ba hàng tuần là ra các sạp báo "đọc nhanh" tờ Báo Công an TPHCM để biết được tin tức, tình hình an ninh trật tự tại một đô thị lớn, dù lúc đó tôi cũng chưa biết Sài Gòn là thế nào, phức tạp đến đâu? Chính thời gian này đã hướng tôi đến với nghề báo.
Sẵn có chút máu mê văn chương, cộng với vốn ngoại ngữ tạm được, tôi và một số bạn bè tìm báo tiếng Nga, tiếng Anh về dịch rồi gởi bài cho Báo Công an Quảng Nam - Đà Nẵng, Kiến thức Ngày nay và một số tạp chí khác để kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống sinh viên thiếu thốn. Xem ra công việc làm thêm của chúng tôi bước đầu gặt hái được kết quả đáng khích lệ. Bài được đăng thường xuyên, nhuận bút gấp nhiều lần so với học bổng khiến tôi càng thích thú hơn với nghề viết, dịch báo.
Tác giả trong một lần tác nghiệp ở Brussels (Bỉ)
Ra trường, vào TPHCM, tôi đến ngay tòa soạn Tạp chí Kiến thức Ngày nay và Báo Công an TPHCM để xin cộng tác. May mắn thay khi đến tòa soạn Báo Công an TPHCM, tôi được anh Hoàng Yên Di - phụ trách trang quốc tế - và một số anh chị khác vui vẻ nhận tôi làm cộng tác viên và tận tình chỉ dẫn mọi thứ. "Vạn sự khởi đầu nan" như thế là quá tốt. Rồi mọi việc ngày càng thuận lợi hơn. Hàng tuần, ngoài gởi bài cho Báo Công an TPHCM, tôi cộng tác thêm với Báo Khoa học phổ thông, Khoa học đời sống, Kiến thức gia đình... nên cũng đủ sống.
Kỷ niệm đáng nhớ nhất trong thời gian này là những "cuộc họp" định kỳ hàng tháng của anh em cộng tác viên trang quốc tế với các anh trong tòa soạn. Hàng tháng, chúng tôi có lãnh lương cộng tác viên rồi góp lại để đi ăn uống, vui chơi. Những cây bút viết quốc tế kỳ cựu và nổi tiếng như Đoàn Khắc Xuyên, Phạm Hồng Phước, Đinh Công Thành, Lê Tây Sơn, Trường Tuyền, Bùi Kim Ánh... lúc bấy giờ cũng cộng tác với Báo CATPHCM rất hào hứng với những cuộc gặp mặt này, thậm chí còn đề xuất tăng mỗi tháng lên hai lần.
Nhớ nhất là anh Hoàng Yên Dy - phụ trách trang quốc tế - với lối ăn nói hài hước cộng với sự phong phú những thành ngữ "giang hồ", khiến cho câu chuyện giữa chúng tôi thêm phần vui nhộn và nhiều màu sắc hơn. Mặc dù cuộc sống của mọi người lúc đó không mấy sung túc, nhưng chúng tôi sống với nhau chan chứa tình người, thật đáng nhớ.
Tổ biên tập trao đổi về chuyên môn
Rồi giữa năm 1995, tôi gặp anh Trần Tử Văn qua lời giới thiệu của anh Hoàng Yên Di. Khi đó, anh Văn sắp về Báo Công an Nhân dân nên hỏi tôi có muốn về đó cùng làm việc với anh không. Đây quả là bước ngoặc quan trọng trong nghề nghiệp, cuộc đời của tôi. Từng say mê với những phóng sự điều tra, truyện nhiều kỳ, tác phẩm điện ảnh hấp dẫn của nhà báo, nhà văn Trần Tử Văn, nay có cơ hội làm việc với anh thì còn gì tuyệt hơn.
Khi về nhận nhiệm vụ Phó tổng biên tập Báo CAND - phụ trách nội dung - anh Văn đã có những cải tiến đáng kể, đem lại diện mạo mới cho tờ báo. Lúc đó, tôi được sếp giao phụ trách trang quốc tế nên rất phấn khởi, say sưa làm việc. Làm việc bên anh Văn, tôi học hỏi được rất nhiều điều, không chỉ về kiến thức, chuyên môn mà còn lĩnh hội được những kỹ năng, phầm chất của một nhà báo giỏi.
Điều đáng nói, cũng từ lúc này ngòi bút của tôi không chỉ gói gọn trong những trang dịch bài quốc tế từ tiếng Nga, tiếng Anh mà bắt đầu tập tễnh viết tin, bài về mảng kinh tế, văn hóa, thể thao, du lịch... Sau 3 năm làm việc chăm chỉ, thấy tôi cũng là phóng viên làm được việc nên khi trở về Báo Công an TPHCM nhận nhiệm vụ Phó tổng biên tập - Phụ trách nội dung - anh Văn tiếp tục cho tôi theo anh làm việc. Vậy là ước mơ ngày nào của tôi trở thành phóng viên Báo Công an thành hiện thực.
Kể từ khi chính thức bước chân vào ngôi nhà 110 Nguyễn Du mới đầu còn nhiều bỡ ngỡ, khó khăn nhưng rồi cũng được làm việc, với sự chỉ bảo của những bậc đàn anh, đàn chị tôi lĩnh hội thêm nhiều điều bổ ích trong chuyên môn. Tất cả những gì tôi có được ngày hôm nay, ngoài khả năng, sự nỗ lực của bản thân chắc chắn có sự chắp cánh, nâng đỡ của các anh chị, bạn bè trong tòa soạn.
Ngẫm lại, thời gian trôi qua thật nhanh, mới ngày nào bước chân vào tòa soạn còn nhiều bỡ ngỡ, còn nhiều rào cản... vậy mà giờ đây đã gần 27 năm gắn bó với nơi này. Đối với mỗi người, chỉ cần làm việc vài ba tháng ở một nơi nào đó cũng đã rất lưu luyến khi rời xa, huống hồ chi hơn một phần tư thế kỷ gắn bó thì biết bao nghĩa, bao nhiêu tình. Tôi luôn thầm nhủ, đây là nơi thân thuộc nhất khi gắn bó gần như cả cuộc đời mình với biết bao kỷ niệm, trải nghiệm để trưởng thành trong nghề nghiệp, cuộc sống.
Tôi mong sao nơi đây mỗi ngày trôi qua chúng ta có thêm nhiều niềm vui, thêm nhiều kỷ niệm đẹp đẽ trong miền ký ức của mỗi người. Trong tâm trí tôi, những năm tháng làm việc ở tòa soạn Báo Công an TPHCM là ký ức đẹp đẽ nhất, đáng nhớ nhất trong cuộc đời của mình.