(CATP) Cuối tháng 9-2015, Ban Công tác bạn đọc nhận được đơn cầu cứu của ông Lê Văn Mỹ (ngụ ấp Bàu Điều, xã Lý Văn Lâm, TP. Cà Mau) kêu oan cho con trai Lê Minh Nhựt (17 tuổi) đang bị tạm giam và truy cứu về tội cướp tài sản. Ngoài việc trình bày rất nhiều uẩn ức để phóng viên điều tra, ông Mỹ còn tha thiết đề nghị Báo Công an TPHCM tìm giúp 1 luật sư (LS) với 2 điều kiện: phải là LS thành phố và dám lật ngược vụ án.
Cân nhắc, đánh giá những chứng cứ ông Mỹ cung cấp, chúng tôi liên hệ với LS Nguyễn Thanh Lương, anh bảo: "Cà Mau xa quá, cần phải nghiên cứu hồ sơ và gặp các đương sự, nếu thực sự bị oan thì sẽ cùng phóng viên vào cuộc". Ít hôm sau anh chính thức nhận lời, giúp chúng tôi thêm vững tin, nhưng vì lý do cá nhân, vợ anh là LS Trần Thị Ánh sẽ bào chữa miễn phí cho Lê Minh Nhựt.
Ngày 4-12-2015, Tòa án nhân dân huyện Cái Nước mở phiên xử sơ thẩm. Sau khi báo cáo Ban Biên tập, chị Lan Anh - lúc ấy là Trưởng ban Công tác bạn đọc - phân công tôi dự phiên tòa. Lần đầu đi Cà Mau chẳng ai biết đường, cậu lái xe canh theo Google Map mà chạy từ lúc trời chưa sáng đến non buổi chiều mới tới nơi. Không kịp nghỉ, chúng tôi đến ngay quán nhậu 797 là nơi Nhựt làm công trước khi bị bắt, nhiều người đã chờ sẵn để cung cấp bằng chứng ngoại phạm cho Nhựt và 2 người bạn. Ai cũng bức xúc, chủ quán Lê Đình Cần không được triệu tập cũng nằng nặc đòi đến tòa khai báo.
Buổi công khai xin lỗi người dân bị oan sai
Theo hồ sơ, đêm 2-6-2015 trên cầu Lương Thế Trân thuộc địa bàn huyện Cái Nước xảy ra vụ cướp tài sản. Anh Lâm Chí Nhẫn vừa chạy xe máy vừa nghe điện thoại thì bị 3 đối tượng cúp đầu xe, đánh và đâm vào vai, cướp chiếc điện thoại trị giá 3,7 triệu đồng. Băng bó vết thương xong, anh Nhẫn cùng người bạn chạy lòng vòng tìm các đối tượng gây án. Ngang qua quán 797 nhìn thấy 1 thanh niên mặc chiếc áo thun màu đỏ đang ngồi nhậu cùng 2 người khác, Nhẫn báo công an. Lập tức 3 thanh niên gồm Lê Minh Nhựt (SN 1998, ngụ ấp Bà Điều), Nguyễn Hoàng Khang (SN 1995), Nguyễn Vũ Ca (SN 1996, cùng ngụ ấp Trại Lưới B, huyện Năm Căn) bị áp giải về công an xã.
Vụ án không có nhân chứng, hoàn toàn dựa vào lời khai của nạn nhân. Nhựt trở thành chủ mưu vụ cướp chỉ vì vô tình mặc chiếc áo thun màu đỏ, nhuộm tóc vàng, Khang - Ca là đồng phạm, cướp chiếc điện thoại bán được 200.000 đồng rồi đến quán 797 nhậu. Cơ quan điều tra không thu được tang vật nhưng định giá tài sản bị cướp 3,7 triệu đồng; việc thu giữ các tang vật khác như quần áo, xe máy dùng để gây án cũng không phù hợp và không đúng trình tự pháp luật qui định. Quan trọng nhất về thời gian gây án thì chủ quán và các nhân viên quán 797 đều xác nhận Nhựt chạy bàn bê đồ ăn cho khách suốt buổi tối, không rời khỏi quán lúc nào. Đặc biệt, toàn bộ nhân viên của quán này phải mặc quần dài khi làm việc, chứ không mặc quần short như lời khai của người bị hại.
Mẹ Nhựt, Ca, Khang nhận tiền bồi thường
Gặp chúng tôi, vợ chồng ông Mỹ mừng quýnh nhưng ánh mắt ầng ậng nước: "Dưới này bà con chỉ tin Báo CATP, qua Báo nhờ tìm giúp LS có tâm, dũng cảm phanh phui việc sai trái. Ai đời con tui lúc bị bắt mới hơn 16 tuổi, đang học lớp 10 mà tui không được giám hộ, lại cử đại diện Đoàn thanh niên? Thằng nhỏ kêu oan, LS xem hồ sơ xong bảo "Con ông bà nhận tội rồi còn khiếu nại gì?". Vì thế, vợ chồng ông Mỹ đã từ chối LS chỉ định và hủy luôn hợp đồng với LS mà họ tốn tiền thuê để trợ giúp pháp lý.
Luật sư Trần Thị Ánh cũng nghẹn lời, kể: Trong hồ sơ, cả Nhựt, Khang, Ca đều nhận tội, nhưng sau đó Nhựt kêu oan. Lần đầu tiếp xúc, Nhựt khóc rất nhiều, kể rành rọt những tình tiết mâu thuẫn trong vụ án. Tin con mình bị oan, vợ chồng ông Mỹ dù không có tiền (chồng làm thuê, vợ phụ bán quán cơm) cũng vay mượn để nhờ LS, còn gia đình Khang và Ca quá nghèo nên tuyệt đối không nhờ, ngược lại còn cho rằng LS chẳng thể giúp gì được. Đến khi tòa tuyên trả hồ sơ để điều tra bổ sung, 2 gia đình mới tin tưởng sự đấu tranh của báo chí và nhờ LS bào chữa.
Nhựt tiếp tục việc học hành sau vụ án oan
Phiên tòa đầu tiên kéo dài đến hơn 5 giờ chiều, chúng tôi vội quay về Sài Gòn ngay trong đêm. Trước đó, các chiến sĩ công an áp giải phạm nhân cảnh báo "đi lộ Phụng Hiệp nguy hiểm, đường xa mà trộm cướp dữ lắm". Tưởng thiệt, cậu lái xe phóng ào ào. Ai cũng đói, mệt nhoài, chạy qua Vĩnh Long mới dám tấp vào quán cháo khuya ven đường. Những lần sau, chị Lan Anh biết đường đi nên đỡ vất vả, nhưng phiên tòa diễn ra rất căng thẳng, dằng dai 2-3 ngày. Thẩm phán Trần Thanh Khiết cẩn thận xét hỏi, ghi nhận những tình tiết bất nhất mà LS trình bày, báo chí phân tích. Kết thúc cả ba phiên tòa, Hội đồng xét xử đều tuyên trả hồ sơ điều tra bổ sung và đề nghị Viện kiểm sát nhân dân (KSND) cùng cấp cho các bị cáo (BC) tại ngoại.
Ca, Khang nhận quyết định xin lỗi oan sai Ảnh: ĐẶNG HIỀN
Bao nhiêu lời bào chữa, bao nhiêu bài viết của Báo CATP vẫn chưa xoay chuyển được tình thế, cơ quan điều tra huyện vẫn kết luận các BC có tội. Quyết tâm phanh phui sự thật, chúng tôi phải vận dụng nhiều phương cách như "đặt bài" bác Đinh Văn Quế - nguyên Chánh tòa hình sự TANDTC, chuyên gia phân tích cơ sở pháp lý; LS Ánh gửi tài liệu cho nhiều báo khác cùng tham gia để góp tiếng nói minh oan cho các BC. Chiều muộn ngày 1-7-2016, niềm vui vỡ òa khi Nhựt, Khang, Ca được trả tự do sau 12 tháng 21 ngày bị tạm giam. Hơn 1 tháng sau, ngày 15-8-2016, Viện trưởng Viện KSND huyện Cái Nước ký quyết định đình chỉ vụ án, chính thức minh định 3 thanh niên này không phạm tội. Thêm 2 phiên tòa dân sự kiện đòi bồi thường, cuối cùng Viện KSND huyện Cái Nước phải tổ chức xin lỗi công khai tại địa phương nơi Nhật, Khang, Ca sinh sống (ảnh), sau đó bồi thường cho các em gần 500 triệu đồng tiền oan sai.
Cho đến bây giờ, các cơ quan tố tụng tỉnh Cà Mau vẫn không tìm ra "chiếc áo đỏ” nào gây án, nhưng chúng tôi đã tìm ra sự thật, chứng minh sự trong sạch cho các em. Sau vụ án "áo màu đỏ”, chúng tôi trở nên gần gũi hơn với người dân Cà Mau. Có dịp qua lại, bà con gửi hũ ba khía, bồn bồn hay ít khô lóc, hộp bánh bông lan ngọt ngào tình nghĩa. Nắm bàn tay chai sạn của những phụ nữ miền Tây chất phác, bao nhọc nhằn tan biến mà chỉ thấy ấm lòng, cay cay nơi khóe mắt. Cà Mau không còn xa nữa!