"Cảm ơn Báo Công an đã giải oan cho gia đình tôi!"

Thứ Ba, 15/06/2021 11:22

|

(CATP) Một năm trước, đúng dịp Báo CATP kỷ niệm ngày thành lập 15-6-2020, tôi đã có bài viết kể lại số phận của ba con người chịu hàm oan trong ba vụ án hình sự. Báo CATP vào cuộc, thực hiện nhiều loạt điều tra công phu, chứng minh họ không phạm tội. Lời tri ân đầy xúc động "xin cảm ơn Báo Công an đã giải oan" của những con người được trắng án, thoát khỏi thân phận bị can, bị cáo khiến tôi nhớ mãi. Dịp kỷ niệm 45 năm ngày thành lập Báo CATP, tôi tiếp tục kể 2 câu chuyện của gia đình 2 cụ bà cũng được giải oan, thoát khỏi vòng xoáy đáo tụng đình. Đây là những kỷ niệm đẹp trong cuộc đời người cầm bút…

Vụ án trải dài qua 2 thế kỷ

Tôi quen luật sư (LS) Phan Văn Bé cách đây hơn 20 năm, khi đó ông còn là luật gia, tham gia bảo vệ quyền lợi cho một bị hại và một bị cáo trong vụ án Năm Cam. Khi ông trở thành LS, ông tham gia nhiều hơn những vụ án hình sự, dân sự và luôn hết lòng vì thân chủ, trong đó có cụ Hồ Thị Cho (SN 1944, ngụ P3, TP.Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) là nạn nhân trong một vụ tranh chấp kéo dài hơn 20 năm.

Tiếp nhận đơn kêu cứu kèm hồ sơ dầy cộm với những bằng chứng xác thực, bước đầu tôi nhận thấy cụ Cho và gia đình gánh chịu sự oan ức quá lớn, nên đã vào cuộc. Theo hồ sơ, ngày 1-4-1998, cụ Cho và chồng là cụ Huỳnh Tấn Tạo (SN 1935) ký hợp đồng (HĐ) chuyển nhượng khu đất 1.548m2 tại P3, TX.Cao Lãnh (nay là TP.Cao Lãnh) cho vợ chồng ông Phan Văn Lĩnh (SN 1967, ngụ xã An Bình, H.Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) với giá 23 lượng vàng 24K. Ngày 13-5-1998, ông Lĩnh được UBND TX.Cao Lãnh cấp giấy chứng nhận (sổ đỏ) khu đất. Ông Lĩnh cho rằng đã ứng cho chủ đất 3 lượng vàng kèm "giấy biên nhận" và trả trước 12 lượng kèm "tờ thỏa thuận" viết tay, trong đó có nội dung "thỏa thuận này thay cho biên nhận".

Tác giả trao tiền hỗ trợ của Báo CATP cho vợ ông Dũng bị đánh nhập viện tháng 4-2008

Vợ chồng cụ Tạo xác định chỉ nhận 3 lượng vàng; không nhận 12 lượng. Phần nội dung "thỏa thuận này thay cho biên nhận" được viết thêm vào tờ thỏa thuận; nếu vợ chồng cụ có nhận vàng thì phải viết giấy biên nhận như đã nhận 3 lượng.

Cả hai bản án sơ thẩm (ngày 26-3-2003 của TAND TX.Cao Lãnh) và phúc thẩm (ngày 11-8-2003 của TAND tỉnh Đồng Tháp) chấp nhận phần viết thêm, công nhận phía ông Lĩnh đã trả 15 lượng vàng, nên tuyên buộc vợ chồng cụ Cho nhận tiếp 8 lượng rồi tháo dỡ nhà, giao đất cho ông Lĩnh. Hai bản án trên đã bị TAND tối cao tuyên hủy.

Ngày 16-3-2007, Phòng Kỹ thuật hình sự (KTHS) Công an tỉnh Đồng Tháp có văn bản kết luận: Phần nội dung "thỏa thuận này thay cho biên nhận" là chữ viết điền thêm. Vậy mà tại phiên toà sơ thẩm lần 2 ngày 7-8-2007, TAND TP.Cao Lãnh vẫn tuyên buộc vợ chồng cụ Cho nhận hơn 46 lượng vàng rồi tháo dỡ nhà, giao đất. Xử phúc thẩm lần 2 ngày 23-1-2008, TAND tỉnh Đồng Tháp sửa án sơ thẩm, cho bị đơn nhận hơn 32,6 lượng vàng. Cả hai bản án này tiếp tục bị TAND tối cao tuyên hủy, do có yếu tố gian dối nhưng chưa được làm rõ.

Gia đình cụ Cho liên tục tố cáo ông Lĩnh nhưng không được xem xét, xử lý. Trong khi đó, ông Lĩnh đã đứng ra thành lập công ty năm 2006, khoác lên mình chiếc áo giám đốc một doanh nghiệp "thành đạt", đạt nhiều danh hiệu như "thanh niên tiên tiến" cấp tỉnh, "sản xuất giỏi" 5 năm liền...

Chịu uất ức kéo dài, cụ Tạo đã mất vào đầu năm 2012, trong sự tức tưởi. Cụ Cho tiếp tục đi tìm công lý. Ngày 1-10-2012, Viện Khoa học hình Bộ Công an có văn bản, khẳng định phần nội dung "thỏa thuận này thay cho biên nhận" đã được viết thêm vào tờ thoả thuận, đồng nghĩa với việc vợ chồng cụ Cho không hề nhận 12 lượng vàng.

Lưới trời lồng lộng, "thanh niên tiên tiến" bị sa lưới ngày 13-5-2015 trong một vụ giả giấy tờ "siêu hạng". Đằng sau vỏ bọc khá hoàn hảo, Lĩnh là đối tượng chủ mưu, cầm đầu đường dây làm giả hàng chục loại giấy tờ, trong đó có bằng "cử nhân kinh tế" đứng tên Lĩnh. Ngày 5-5-2016, Lĩnh bị TAND TP.Cao Lãnh tuyên phạt 3 năm tù giam về tội "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức".

Luật sư Phan Văn Bé và cụ Hồ Thị Cho tại trụ sở TAND TP.Cao Lãnh tháng 5-2020

Sau khi ra tù, Lĩnh tiếp tục hầu toà vụ tranh chấp với cụ Cho. Sau nhiều lần tạm hoãn, trong đó có lý do "dịch Covid-19", phiên toà sơ thẩm lần 3 được mở ngày 7-5-2020. HĐXX nhận định: Vợ chồng cụ Cho lập HĐ chuyển nhượng đất có căn nhà của hộ gia đình gồm 6 người đang sinh sống đã xâm phạm đến lợi ích của những thành viên còn lại nên cần hủy HĐ chuyển nhượng này. Bị đơn trình bày đã trả cho nguyên đơn 2 lần, 15 lượng vàng, nhưng chỉ có căn cứ nhận 3 lượng; không có tài liệu nào xác định nguyên đơn đã nhận 12 lượng. Hơn nữa, dòng chữ "thỏa thuận này thay cho biên nhận" đã được kết luận là "viết thêm" càng chứng minh nguyên đơn không nhận 12 lượng.

Từ nhận định trên, HĐXX tuyên hủy HĐ chuyển nhượng ngày 1-4-1998, hủy sổ đỏ do UBND TX.Cao Lãnh cấp cho ông Lĩnh ngày 13-5-1998. Nguyên đơn phải trả lại bị đơn 3 lượng vàng 24k, đồng thời liên hệ đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đăng ký quyền sử dụng khu đất đo thực tế 1.284,5m2.

Tại phiên toà phúc thẩm lần 3 ngày 14-4-2021, TAND tỉnh Đồng Tháp có quan điểm giống như toà sơ thẩm, đồng thời đưa ra thêm nhận định: Có đủ cơ sở xác định ông Lĩnh chỉ giao cho vợ chồng cụ Tạo 3 lượng vàng 24k, như vậy là vi phạm nghĩa vụ thanh toán. Phía nguyên đơn có lỗi không thông tin đầy đủ cho bị đơn biết dẫn đến HĐ bị huỷ nên phải bồi thường gấp đôi số vàng đã nhận.

Từ nhận định trên, HĐXX phúc thẩm tuyên hủy HĐ chuyển nhượng, hủy sổ đỏ; nguyên đơn được quyền sử dụng 1.284,5m2 đất, đồng thời phải trả cho bị đơn 6 lượng 24k.

Cụ Cho phấn khởi: "Chỉ vài chữ viết thêm khiến gia đình tôi phải 23 năm đáo tụng đình, dẫn đến cái chết tức tửi của chồng, rồi hai con trai bị chứng tâm thần. Cuối cùng, công lý đã được thực thi. Tôi xin cảm ơn Báo CATP đã vào cuộc xác minh, làm rõ và có nhiều bài viết sắc bén, chứng cứ xác thực, góp phần giải oan, giúp gia đình thoát cảnh khiếu tố, kiện tụng. an cư lạc nghiệp, ông nhà tôi mỉm cười nơi chín suối!...".

Gia đình liệt sĩ gánh nỗi oan suốt 23 năm…

Đang yên ổn sản xuất trên mảnh đất của mình, đầu năm 1992, cụ Nguyễn Thị Thừa (SN 1937, vợ Liệt sĩ, ngụ ấp Bình Châu, xã Tuyên Bình Tây, H.Vĩnh Hưng, tỉnh Long An) bị cụ Lê Văn Dương (ngụ cùng ấp) khiếu nại cụ Thừa "đào rãnh" lấn ranh qua đất của cụ. Từ đào rãnh lấn rang, ngày 19-1-1993, UBND H.Vĩnh Hưng ra QĐ số 09 "duyệt" cho cụ Dương sử dụng 10.000m2 đất đang tranh chấp với cụ Thừa đồng thời "cảnh cáo" cụ Thừa cố ý lấn chiếm đất đai (?!).

Ngày 16-8-1997, UBND tỉnh Long An ra QĐ số 1915, tiếp tục công nhận 10.000m2 đất cho cụ Dương Theo QĐ này thì đất giao cho cụ Dương là phần đất do cụ Thừa mua của bà Trần Thị Chuyền từ năm 1984, canh tác ổn định liên tục, trong đó có 4.325m2 đã được cấp chủ quyền (sổ đỏ).

Cụ Thừa khiếu nại gay gắt suốt 9 năm. Ngày 29-11-2006, Chủ tịch UBND tỉnh Long An lúc này là ông Dương Quốc Xuân ký QĐ 2905, công nhận cho cụ Dương 10.072m2 (tăng thêm 72m2) cắt từ đất cụ Thừa.

Tiếp nhận đơn kêu cứu của gia đình Liệt sĩ, tôi đã có mặt tại địa phương 3 ngày để nắm tình hình. Nhiều người dân lắc đầu kêu trời bởi sự oan ức mà gia đình cụ Thừa phải gánh chịu. Rõ ràng, có sự nhầm lẫn khi giải quyết bởi xuyên suốt quá trình tranh chấp, cụ Dương chưa bao giờ yêu cầu cụ Thừa trả lại 10.000m2 đất. Cả huyện và tỉnh ra QĐ giải quyết nằm ngoài khiếu nại của đương sự.

Cụ Thừa liên tục kêu oan. Phải mất thêm gần 7 năm, UBND tỉnh Long An mới nhận thấy sai nên ngày 11-10-2013, Chủ tịch UBND tỉnh lúc này là ông Đỗ Hữu Lâm ký QĐ, thu hồi hai QĐ số 2905 và 1915 vì "ban hành không đúng thẩm quyền". Ngày 20-5-2014, Chủ tịch UBND H.Vĩnh Hưng QĐ hủy bỏ QĐ số 09 do huyện ban hành ngày 19-1-1993 (hơn 21 năm), công nhận phần đất 10.072m2 cho cụ Thừa. Ngày 12-2-2015, Chủ tịch UBND tỉnh Long An Đỗ Hữu Lâm ký QĐ giữ nguyên QĐ mới của UBND huyện Vĩnh Hưng.

Phía gia đình cụ Dương khởi kiện hành chính, yêu cầu tòa hủy cả hai QĐ mới của huyện và tỉnh nhưng đã bị TAND tỉnh Long An bác bằng bản án ngày 28-9-2015.

Ngay sau khi nhận được bản án, ông Nguyễn Văn Dũng (con trai cụ Thừa) đã đến Báo CATP gặp tôi sáng 13-10-2015 báo tin mừng. Ông Dũng trình bày: "Gia đình gánh chịu nỗi oan ức, đau khổ suốt 23 năm mới được giải. Tất cả đều nhờ nhà báo đã xuống tận vùng sâu, vùng xa để điều tra xác minh và có bài viết tựa đề "Vì cán bộ mà dân khiếu nại" đăng trên Báo CATP ngày 3-8-2006, nêu rõ toàn bộ chân tướng của vụ tranh chấp. Không chỉ thế, Báo CATP còn hỗ trợ tiền viện phí cho vợ tôi bị phía tranh chấp "đánh hội đồng" phải nhập viện vào cuối tháng 4-2008".

Ông Dũng cho biết, hành trình khiếu tố, ông luôn mang theo bên mình bài báo để trưng ra cho các cơ quan chức năng xem như một minh chứng cho việc làm không đúng của một số cán bộ dẫn đến oan sai. Nhiều cơ quan đã tiếp nhận bài báo để tham khảo khi giải quyết. "Có được kết quả như hôm nay, gia đình tôi không thể nào quên được Báo CATP, nhờ Báo mà gia đình được giải oan nhận lại đất để canh tác, ổn định cuộc sống sau 23 năm ròng rã khiếu kiện!", ông Dũng nói trong sự vui sướng.

Bình luận (0)

Lên đầu trang