Mỗi trang báo thắm yêu thương tình đời

Thứ Ba, 15/06/2021 11:17

|

1 - Ngay từ khi ra trường, năm 1987, tôi đã bước chân vào nghề làm báo, mới đó, chỉ một nháy mắt đã trôi cái vèo mấy chục năm trời. Từ một anh chàng bộ đội phục viên ở ngoài miền Trung xa tít, chân ướt chân ráo đến lập nghiệp tại phương Nam nắng ấm, nhà cửa chưa có, đường xá chưa rành, chỉ có chiếc xe đạp cà tàng, vậy làm sao kiếm sống? Ai là người "định hướng" cho tôi trước nhất? Là... Báo Công an TPHCM chứ ai. Nói cho "có tích có tuồng" thì thời gian còn đi học đại học, tôi cùng bạn thơ học chung lớp là Trương Nam Hương đã ký "giao kèo thi đua" ai có thơ in trên báo nhiều nhất. Những vần thơ viết tại ký túc xá, chúng tôi lần lượt gửi cộng tác đến các báo, gửi hú họa, chứ mình có quen biết ai đâu mà nhờ cậy.

Rồi một ngày kia, ngày thứ Tư 25-2-1987, lần đầu tiên bài thơ Có những bước chân của tôi được in trên Báo Công an TPHCM. Tôi đã sung sướng xiết bao. Không nhớ lúc ấy nhuận bút được bao nhiêu, chỉ nhớ là khoảng tiền khấm khá của một sinh viên đang học đại học năm cuối. Với số tiền xúng xính này, tôi đã đãi bạn bè những lúc có thể vênh mặt bước vào quán cơm bình dân mà không thèm sờ túi đắn đo, nhẩm tính trước sau. Phải nói rằng, với những bài thơ thỉnh thoảng được báo chọn in, đối với tôi là niềm vui khó quên. Nay, nhớ lại vẫn còn thấy bồi hồi pha lẫn một chút gì đó cảm động.

Một người dân ở xóm lao động dưới chân cầu Băng Ky, quận Bình Thạnh đọc Báo Công an TPHCM trong lúc nghỉ ngơi. Ảnh: T.Minh

Không cảm động sao được, có một lần ký nhuận bút bọn tôi liều lĩnh gõ cửa phòng Tổng biên tập xin được gặp mặt. Không ngờ, anh Huỳnh Bá Thành đã không hẹp lòng với các cây bút trẻ là tôi, Trương Nam Hương và Trần Việt Dũng... Anh đã dành cho chúng tôi một buổi trò chuyện vui vẻ. Anh Huỳnh Bá Thành là đây ư? Bấy giờ, tên tuổi anh nổi như cồn trong trường văn trận bút. Chúng tôi nhìn và ngưỡng mộ lắm. Khi trò chuyện với anh, lúc ấy, một trong những phân vân, lo lắng của chúng tôi vẫn là sau khi ra trường tìm việc ở đâu, làm việc gì? Với những câu hỏi ấy, anh đã dành cho chúng tôi những lời khuyên chân thành. Mà, "gút lại" theo anh, đã học khoa Ngữ văn, biết làm thơ nữa thì cứ theo nghề viết báo xem sao. Lời khuyên này, tôi vẫn còn nhớ như in. Và, tất nhiên tôi vẫn còn nhớ những lời khen của anh (có thể anh khen thật, cũng có thể anh động viên) những bài thơ đầu tiên tôi được in trên Báo Công an TPHCM - viết về người chiến sĩ công an thầm lặng trong khu phố, chẳng hạn:

Ai vẫn đi khắp con phố đêm khuya

Con mắt thức cho mọi người yên ngủ

Cho gió xuân bay thênh thang đoàn tụ

Trang thơ tình tôi đọc mê say

Ai chân tình hơn bóng mát vòm cây

Gìn giữ bóng đêm đi vào yên tĩnh

Con mắt thức không hề toan tính

Cầm đồng lương vơi nhẹ... đồng lương

Rồi, anh cũng khen những câu ở bài thơ khác như:

Đừng quên một ngày bắt đầu như thế

Vũ trụ xoay vần trả giá một đêm đen

Có bước chân ai tuần tra thanh thản

Qua mỗi cung đường thao thức nắng mai lên

Ối dào, hơn 30 năm trước tôi đã có thơ được chọn in trên Báo Công an TP.HCM rồi đó. Nghĩ lại, cảm thấy vui. Nhắc lại chi tiết này bởi lẽ, thế hệ bạn đọc trẻ ngày nay khó có thể hình dung ra vai trò và sức ảnh hưởng "cực kỳ” của tờ báo này trong thập niên 1980 và sau đó nữa. Số lượng mỗi kỳ in ra hơn nửa triệu bản và "phủ sóng" mọi hang cùng ngõ hẻm, mọi sạp báo và cũng là tờ báo được rao lên trước nhất của người đi bán báo dạo.

Được in nhiều bài thơ trên báo này, nói thật, bấy giờ, dù đang ở phòng trọ, trong con hẽm sâu hút trên đường Đinh Bộ Lĩnh, không một xu dính túi nhưng tôi đã được bà con chòm xóm nơi ấy quý mến, thậm chí đã có thể... uống cà phê "ký sổ" mà họ vẫn vui vẽ. Kể chi tiết này, không ngoài mục đích, tôi muốn nói đến "sức mạnh" của vai trò báo chí thời ấy, trong đó có Báo Công an TP.HCM. Trong mắt họ, những người làm báo trước hết phải là người có tư cách, lương thiện, có nghiệp vụ báo chí và tờ báo đó luôn đồng hành cùng họ. Sự cảm nhận này không hề "sách vở" mà chính tôi đã nhìn thấy khi tờ Công an TP.HCM đã được bà con đón nhận nồng nhiệt như thế nào.

2 - Sau những lần được gặp gỡ anh Huỳnh Bá Thành tại tòa soạn báo, nay, tôi cảm thấy nhớ đến gương mặt đẹp trai, khi cười "con mắt có đuôi" cực kỳ nam tính của anh Huỳnh Bá Thành. Vào tháng 12-1987, trong số chúng tôi, bạn Trần Việt Dũng được anh Huỳnh Bá Thành nhận về hợp đồng làm báo. Dũng ký bút danh Phan Long, tức nói lái Phong Lan - tên người bạn bạn gái học chung lớp tôi mà hắn ta cực kỳ say đắm thương yêu; Trương Nam Hương về Nhà xuất bản Công An Nhân dân, rồi làm báo An Ninh thế giới, tôi về tập sự ở báo Tuổi Trẻ, sau chuyển qua Phụ Nữ.

Ngày ấy, do có bạn Phan Long làm ở tờ báo này, rồi lúc anh Đoàn Thạch Hãn được anh Huỳnh Bá Thành "bảo kê” về đây, từ mối thân tình đó, tôi lui tới Báo Công an ngày càng nhiều. Qua đó, dần dà tôi có thêm những người bạn mới như anh chị Hồng Ánh, Phan Thị Ngọc Tươi, Trần Xuân Hồng, Nguyễn Thị Phương Mai, Phan Tường Niệm... rồi thêm anh chị Nam Bình, Lại Văn Long, Giản Thanh Sơn... Nhớ về tờ báo Công an TP.HCM từ năm tháng tập tễnh bước vào nghề để có được như ngày hôm nay, trong tôi vẫn còn nhớ nhiều đến anh Huỳnh Bá Thành.

Con người tài hoa và lịch lãm này, khi vẽ tranh châm biếm, ký bút danh Ớt. Tại sao? Có lần anh tâm sự: "Sở dĩ có bút danh này là do một người bạn thấy bức tranh đầu tiên của tôi chua cay nên đặt cho tôi cái tên Ớt". Hỏi kỹ hơn, tôi biết "người bạn" này chính là nhà thơ Cung Văn. Ngày ấy, trên nhật báo Chính Luận có hoạ sĩ biếm ký tên Tiêu Sọ - tờ báo này do Đặng Văn Sung chủ nhiệm kiêm chủ bút, số 1 phát hành ngày 5-4-1964 tại Sài Gòn và có khuynh hướng thân quốc gia. "Tiêu Sọ”, ngụ ý cay lắm đó! Như một cách "bày tỏ chính kiến", Cung Văn đặt bút danh Ớt cho bạn mình - nghĩa là cũng cay mà lại đặc trưng cho tính cách của người Quảng Nam - quê hương của hai anh cùng quê với tôi.

Lúc anh Huỳnh Bá Thành mất, NXB Trẻ có in tập Huỳnh Bá Thành (họa sĩ Ớt) - Ký sự nhân vật. Một điều tôi phân vân là trong tập sách đó, có cả những biếm họa ký Thợ Cọ? Ủa, anh Huỳnh Bá Thành còn ký Thợ Cọ? Nhầm lẫn gì chăng? Từ Đà Nẵng, qua điện thoại, nhà thơ Cung Văn - người bạn chí cốt làm "văn nghệ văn gừng" cùng thời với anh - cười khà khà: "Có một họa sĩ biếm đồng hương với Ớt tên là Thợ Cọ, nếu tôi nhớ không nhầm, tên là Trung. Về sau anh này mất ở biển Cà Ná, là bạn bè thân thiết với nhau, anh Ớt cũng ký Thợ Cọ; ngoài ra, khi viết báo anh Ớt còn ký tên Hai Mã Tấu cũng từ một tình bạn". Hỏi thêm thông tin từ nhà báo Đoàn Thạch Hãn, tôi cũng được xác nhận ngoài bút danh sĩ Ớt, anh Huỳnh Bá Thành còn ký Thợ Cọ.

Lại nhớ, có những lúc vui vẽ, hào hứng, anh Huỳnh Bá Thành thường "khoe" lại niềm sung sướng, hạnh phúc của một đời cầm bút. Rằng, dịp Tết về quê, bao giờ anh cũng nhận được câu hỏi của thân sinh: "Chữ ở đâu mà ngày nào con cũng viết được?". Sự ngạc nhiên của người cha, đối với anh không một lời khen nào có thể sánh bằng. Đúng quá, đã nhà báo thì phải viết, chứ còn gì nữa?

Nào ai biết, lời kể về niềm tự hào của anh đã lan truyền cảm hứng cho tôi, từ ngày ấy.

3 - Nhớ đến Báo Công an TPHCM, có lẽ chưa ai xác lập "kỷ lục" này, dù nhiều người đã từng biết đến: Đây là cơ quan truyền thông từ nhiều năm qua đã làm làm công tác xã hội một cách bền bĩ, hiệu quả; tổ chức nhiều chương trình ca nhạc gây quỹ từ thiện, tức là phía sau trang báo, họ đã thể hiện tình người đến với muôn vạn số phận nghèo khó khi gánh chịu thiên tai, lũ lụt, bệnh tật... Làm sao có thể kêu gọi tinh thần "lá lành đùm lá rách" nếu tấm lòng của anh em đồng nghiệp không trong sáng, không thật lòng "mình vì mọi người"?

Đây là cơ quan truyền thông có thời gian đã diễn ra hoạt động triển lãm tranh gần như định kỳ, trở thành "sân chơi" tao nhã của người yêu mỹ thuật. Làm sao có thể thực hiện một galary hoành tráng ngay tại tòa soạn báo, nếu anh em đồng nghiệp không am tường nghệ thuật, không yêu lấy cái Đẹp?

Đây là cơ quan truyền thông đã mời được các cây bút tiếng tăm cộng tác, có thể kể đến các văn nghệ sĩ như Sơn Nam, GS Hoàng Như Mai, Vũ Hạnh, Bùi Giáng, Huy Cận, Trần Bạch Đằng... Nếu không thật sự quý mến và tôn trọng tài năng, làm sao anh em đồng nghiệp có thể quy tụ được? Rồi ngay cả thế hệ chúng tôi như Bùi Chí Vinh, Đoàn Vị Thượng, Trương Nam Hương, Lê Thị Kim... cũng cộng tác nữa.

Những "điểm son" này, có thể còn nhiều nữa, tuy nhiên với tư cách là cộng tác viên, tôi chỉ mới biết đến đó, thí dụ, còn có thể kể thêm đây là cơ quan truyền thông trước nhất đã thành lập hãng phim; là nơi có những nhà văn tiếng tăm như Huỳnh Bá Thành, Trần Tử Văn, Từ Kế Tường, Nguyễn Ngọc Mộc, Lại Văn Long, Khương Hồng Minh, Vũ Đức Sao Biển, Bùi Anh Tấn...

Trong tình cảm quý mến dành cho đồng nghiệp, thú thật, tôi dành cho anh Trần Tử Văn khá đậm nét, đơn giản chỉ vì "hợp cạ”, hợp gu trong lúc trao đổi về đề tài, bài vở. Có lần nghe anh em trong Báo Công an TPHCM kể, anh Văn cũng chính là người vẽ luôn maket cho tờ đặc san nữa. Chi tiết này, thú vị quá, vì rằng, đây là một lãnh vực khác mà không phải bất kỳ ai đã làm báo, viết báo đều có thể kham nổi. Đã thế, chính thời của anh phụ trách, lần đầu tiên báo chí Việt Nam xuất hiện tờ đặc san khổ lớn (như số báo hàng ngày), lại có bìa in 4 màu. Cú đột phá này, thời đó đã gây ấn tượng mạnh mẽ cho bạn đọc.

Sở dĩ, tôi còn nhớ, vì bấy giờ, trên đặc san này đã in từng kỳ hồi ký của nhà văn Sơn Nam. Tất nhiên, "ông già Nam Bộ" có được một khoảng nhuận bút khấm khá vào lúc cuối đời. In không chỉ vì nhu cầu bạn đọc, tôi hiểu, đây cũng là một cách kín đáo tạo điều kiện cho nhà văn Sơn Nam có "đồng ra đồng vào" lúc về xế chiều. Há phải là vì nặng tình, chung thủy có trước có sau của Báo Công an TP.HCM dành cho cộng tác viên đó sao?

Lần đầu gặp anh Trần Tử Văn, thú thật, tôi không thể hình dung ra ở một người hoạt bát, thân thiện ấy, thậm chí không màu mè kiểu cách lại viết thường xuyên chuyên mục Trinh sát kể chuyện. Từng bài báo của anh ngồn ngộn chất liệu của đời sống, khiến bất cứ nhà văn chuyên nghiệp nào cũng thèm thuồng một vốn sống dồi dào như thế. Đã có một thời bạn đọc cực kỳ mê đọc chuyên mục Trinh sát kể chuyện qua ngòi bút của anh. Và đúng như nhận xét của nhiều người, có nhiều tình huống không chỉ gay cấn mà còn hấp dẫn chính là nhờ yếu tố bi hài, hoạt kê... Điều này cho thấy, chính lấy từ chất liệu của cuộc đời, Trần Tử Văn đã có được những tác phẩm mang phong cách của riêng mình. Ngày đó, tôi đã viết bài thơ tặng anh:

Những đêm khuya lặng im như nòng súng

Văn phải ngồi đối diện với Văn

Chỉ ngọn đèn thấu hiểu nỗi cô đơn

Cô đơn như Pháp trường yên ả

Thiện - ác rạch ròi ai nhớ ai quên?

Nước mắt giang hồ đã vây phải trả

Từng dòng chữ có là phép lạ?

Thay đổi con người sống thật Người hơn

Tình yêu này cảm hóa cả núi non...

Văn vẫn đi qua cuộc đời với Văn với báo

Gặt hái được Kế hoạch J.96

Cùng Xóm nước đen và Bữa nhậu cuối cùng

Đêm đã khuya chỉ còn trên bản thảo

Nhân vật trong Văn hòa nhập vào đời

Văn vẫn vô tư như đám mây trời

Cắm cúi viết như một người đang viết

Thời gian ơi! Thoáng đó đã nửa đời...

Nhắc lại một vài chi tiết vừa nêu trên, sở dĩ tôi không quên vì còn nhớ rằng, bạn đọc yêu thích Báo Công an TP.HCM còn là do tên tuổi của các cây bút từ "trong nhà” đến cộng tác viên bên ngoài nữa.

4 - Thoáng đó, đã 45 năm của Báo Công an TP.HCM. Khi viết bài này, giữa tôi và bạn thơ Trương Nam Hương cùng gật gù, tâm đắc nhắc lại thuở "hàn vi" xa xưa đã đến cộng tác bài vở với các anh chị của báo. Tự dưng, trong lòng chúng tôi xao xuyến không nguôi. Và sâu thẳm lòng mình, Trương Nam Hương đã bật ra câu thơ ứng khẩu:

45 năm một chặng đường

Mỗi trang báo thắm yêu thương tình đời

Nhân văn - Trung thực sóng đôi

Mang Hy vọng đến bao người Tin yêu

Suy nghĩ chân thành này, không của riêng ai mà của bạn đọc nhiều thế hệ đã suy nghĩ và đã dành tình cảm cho Báo Công an TPHCM đấy chứ? Vâng, đúng là thế.

Bình luận (0)

Lên đầu trang