Võ Văn Kiệt - nhà lãnh đạo có tư duy kiệt xuất:

Kỳ cuối: Tầm nhìn Võ Văn Kiệt

Thứ Tư, 23/11/2022 10:53

|

(CATP) Thủ tướng Võ Văn Kiệt là một nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng và Nhà nước ta. Với tầm nhìn xa trông rộng, ông đã để lại cho đất nước một di sản rất lớn, đặt nền tảng cho sự đổi mới, phát triển đất nước như hiện nay...

Kinh tế thị trường kiểu Võ Văn Kiệt

Nói về đồng chí Võ Văn Kiệt, gần như người dân ở TPHCM đều nghe câu chuyện có thật, khi ông Kiệt lập "tổ buôn gạo lậu" để cứu đói dân năm 1979 cho hơn 3,5 triệu dân TPHCM và tuyên bố, "nếu vì chuyện này mà anh chị đi tù thì tôi sẽ mang cơm nuôi".

Lúc đó, dân thành phố (TP) đói quay quắt, nhiều gia đình ăn độn bo bo, mì, mà gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đầy ắp nhưng Ban Vật giá Nhà nước chỉ đạo chỉ được mua lúa giá 5,2 hào/ký, dân không chịu bán. Đây là "giá giả” do Nhà nước quy định, không thể mua được, vì giá thị trường là 3 đồng/kg, nếu mua với giá này là vi phạm pháp luật.

Đồng chí Võ Văn Kiệt lúc đó là Bí thư Thành ủy TPHCM, thấy dân đói, ông phải hành động. Ông cho gọi bà Ba Thi (Nguyễn Thị Ráo), lúc đó là Giám đốc Công ty Lương thực TP; ông Lữ Minh Châu - Giám đốc Ngân hàng Ngoại thương, ông Năm Ẩn - Giám đốc Sở Tài chính để tìm cách cứu đói cho dân.

Nụ cười Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi đóng điện thành công đường dây 500 KV

Tại cuộc gặp này, Bí thư Võ Văn Kiệt nói: "Chúng ta là những người lãnh đạo TP mà để dân đói thì chúng ta có xứng là lãnh đạo không? Có còn là người cộng sản không? Và ông nói như ra lệnh: "Hôm nay, tất cả các anh, chị ngồi đây phải nghĩ kế để làm cho dân thoát đói. Ai không có kế thì tôi không cho về. Tôi sẽ nhốt ở đây". Và kế sách được vạch ra với lập luận của Bí thư: "Nếu làm cho dân hết đói thì không phải là vi phạm". "Tổ buôn lậu gạo" hình thành ngay lập tức.

Ngay hôm sau, bà Ba Thi chỉ huy một đoàn xe vận tải với sự trợ giúp của xe quân đội, vượt qua tất cả mọi trạm gác, thẳng tiến ĐBSCL mua lúa công khai với giá 3 đồng/kg, đem về TP xay xát bán cho dân với giá 5 đồng/kg gạo, trong khi giá chợ đen 7 - 8 đồng/kg mà không có để mua.

Chuyện "buôn lậu gạo" lọt đến Trung ương, bà Ba Thi bị triệu tập ra Hà Nội, làm việc trực tiếp Tổng Bí thư Lê Duẩn. Tổng Bí thư nghe bà Ba Thi báo cáo đầy đủ sự việc, ông kết luận: "Cô Chín Ráo làm như vậy là đúng". Không lâu sau đó bà Ba Thi được phong tặng danh hiệu anh hùng; Chủ nhiệm Ủy ban Vật giá Nhà nước phải thuyên chuyển công tác khác.

Với tầm nhìn "kinh tế thị trường kiểu Võ Văn Kiệt", không chỉ cứu đói cho 3,5 triệu dân TPHCM mà còn giúp cho hàng triệu nông dân được bán lúa đúng giá để còn có vốn sản xuất. Với sự "xé rào" khi đó, cho thấy Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã có cái nhìn về một nền kinh tế thị trường trước sau gì cũng hình thành, không thể chối bỏ nó.

Cùng với việc cứu đói cho dân, Võ Văn Kiệt còn ra tay cứu nguy cho nền kinh tế TP. Đầu thập kỷ 1980, nền kinh tế bị trói trong cơ chế "tập trung", kinh tế thị trường còn là điều cấm kỵ, một lần nữa ông lại "xé rào", vượt qua cơ chế quan liêu, bao cấp, cho phép thí điểm cách làm ăn mới trong sản xuất kinh doanh, lưu thông phân phối, từ đó thổi bùng luồng sinh khí mới, tạo đà cho TPHCM bước vào một thời kỳ phát triển năng động, góp phần không nhỏ làm thay đổi tư duy kinh tế sau này.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt thị sát vùng Tứ giác Long Xuyên

Tâm huyết với đường Trường Sơn

Tầm vóc, tầm nhìn xa của đồng chí Võ Văn Kiệt còn để lại cho chúng ta một công trình khác có ý nghĩa chiến lược khác là đường Trường Sơn.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng tâm sự rằng, chúng ta đã tạo nên con đường Trường Sơn hùng vĩ trong chiến tranh chống Mỹ, vậy thì tại sao trong hòa bình, ta lại không xây dựng được một con đường mang tên Trường Sơn?

Với tầm nhìn chiến lược của người lãnh đạo, Thủ tướng Võ Văn Kiệt nhìn thấy một đất nước có chiều dài ven biển đến 3.260km, chỉ một Quốc lộ 1A là không đủ. Quốc lộ 1A không đảm bảo an toàn bởi đoạn chạy qua miền Trung luôn đối diện với thiên tai, dù có có nâng cấp, trước sau gì cũng quá tải. Vì vậy rất cần một con đường Trường Sơn để vừa bảo đảm an ninh quốc phòng vừa phục vụ phát triển kinh tế xã hội sau này. Và ông đề xuất với Bộ Chính trị xây dựng con đường huyết mạch này ngay trong nhiệm kỳ do ông làm Thủ tướng.

Đây là một chủ trương lớn được Bộ Chính trị và Trung ương khóa 8 thống nhất tiến hành nhưng nó vẫn chưa thể triển khai vì không có vốn, khiến ông Kiệt rất day dứt bởi lúc này ông đã hết nhiệm kỳ. Nhưng ông vẫn kịp nhìn thấy tuyến đường này hình thành trên thực tế khi được khởi công vào tháng 02-2000.

Ngày nay, tuyến đường Hồ Chí Minh gần như đã hoàn tất nối liền Bắc Nam, đi qua địa phận 28 tỉnh, TP, với tổng chiều dài đã thực hiện là 2.744km - một tuyến đường cực đẹp dựa trên nền đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại. Hiện vẫn còn 6 đoạn tuyến đang tiếp tục thực hiện nhưng đường Trường Sơn đã và đang có những đóng góp rất lớn cho tiến trình phát triển kinh tế - xã hội - văn hóa của đất nước trong những năm qua, cho thấy tầm nhìn rất xa của một nhà lãnh đạo luôn trăn trở với sự phát triển trong tương lai của đất nước.

Đường dây 500 KV, sự sáng tạo Việt Nam

Trong các công trình ông Kiệt để lại cho đất nước, quan trọng bậc nhất là công trình đường dây 500 KV được khởi công xây dựng năm 1994, ngay trong thời gian ông đang đứng đầu Chính phủ. Công trình tải điện xuyên Việt gây chú ý trên thế giới về quy mô cũng như độ dài mà lúc đầu được cho là "không tưởng" ấy đã thành hiện thực chỉ trong 2 năm. Đó là dấu mốc lịch sử quan trọng của sự phát triển ngành điện lực Việt Nam, là biểu hiện tầm nhìn chiến lược, quyết định đúng đắn của Đảng và Nhà nước, trong đó có vai trò đặc biệt quan trọng của người đứng đầu Chính phủ lúc bấy giờ là Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Ý tưởng xây dựng công trình này được hình thành trong bối cảnh kinh tế xã hội khá phức tạp, nước ta vừa bắt đầu công cuộc đổi mới, khó khăn chồng chất, ngành điện lực phát triển không cân đối, miền Trung và miền Nam thiếu điện trầm trọng cho nhu cầu sản xuất và dân sinh. Tình hình đó ảnh hưởng xấu đến sự phát triển kinh tế, xã hội và an ninh, trong khi miền Bắc lại thừa điện.

Dự án truyền tải điện này từng gây rất nhiều tranh luận từ các cấp lãnh đạo Nhà nước, đến các nhà khoa học vì những đặc thù có một không hai của nó. Đặc biệt là các chuyên gia trong và ngoài nước phản biện về kỹ thuật truyền tải, cho rằng với chiều dài quá lớn, lại đi qua nhiều địa hình cực kỳ hiểm trở, rất khó khả thi. Hơn nữa với gần 1.500km và 3.400 vị trí trụ đi qua 14 tỉnh, TP, 4 trạm biến áp và 1 trạm bù mà thi công chỉ trong vòng 2 năm là điều không tưởng. Khó khăn chồng chất và áp lực, đến nỗi ông Kiệt từng tâm sự với thuộc cấp rằng nếu đường dây này thất bại, ông sẽ từ chức.

Vậy mà dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, sau hơn 2 năm xây dựng thần tốc, đúng 19 giờ 7 phút 59 giây ngày 27-5-1994, dòng điện Bắc - Nam đã chính thức truyền tải trên toàn tuyến. Thủ tướng Võ Văn Kiệt dường như không rời mắt khỏi sơ đồ dòng điện. Đó là giây phút lặng yên đến ngạt thở. Ông đã đặt cược sinh mệnh chính trị của mình vào công trình này và giờ ông mới có thể nở nụ cười nhẹ nhõm. Đến nay, 28 năm đường dây điện 500 KV vẫn vận hành rất tốt, là xương sống của ngành điện lực Việt Nam, không chỉ truyền tải điện mà còn truyền tải niềm tin mang dấu ấn và tầm nhìn xa của Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Trăn trở với biến đổi khí hậu

Một nỗi lo cho dân, cho nước vào lúc cuối đời của Thủ tướng Võ Văn Kiệt hướng về những cảnh báo của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, mà Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Ông chú ý đến một tin ngắn trên báo: "Dải băng lớn nhất ở Bắc cực đang tan ra" và cắt mẩu tin ấy chuyển cho TS Tô Văn Trường, Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam.

Là người con của ĐBSCL, ông đã thấy rất rõ những tác động của biến đổi khí hậu thế giới đang đe dọa. Những năm tháng cuối đời, ông vẫn lặn lội đi nhiều nơi ở ĐBSCL để khảo sát, tìm kế sách để đồng bào có thể chung sống với lũ, làm chủ con nước và làm giàu trên vùng đất đai rộng lớn màu mỡ, trước sự đe dọa của biến đổi khí hậu.

Ông đã thấy rõ trước sau gì nước biển sẽ nhấn chìm Nam Bộ; dòng Mê Kông cũng bị chia cắt bởi những nhà máy thủy điện, càng làm cho vựa lúa của Đông Nam Á bị đe dọa nghiêm trọng. Và ông hành động, chỉ đạo quyết liệt các biện pháp trước mắt như chủ trương ngọt hóa từ Gò Công đến bán đảo Cà Mau, chung sống với lũ, thoát lũ ra biển Tây, xây dựng cụm tuyến dân cư và nhìn xa hơn là hệ thống công trình và phi công trình cho phòng, chống thiên tai... Ông nghĩ đến Hà Lan, quốc gia có diện tích nhỏ, có điều kiện tự nhiên gần giống ĐBSCL nhưng vì sao họ sống được và giàu đến vậy. Ông ấp ủ một chuyến đi Hà Lan để học tập kinh nghiệm trị thủy và thúc giục phải hành động ngay khi còn kịp để cứu ĐBSCL.

Theo TS Tô Văn Trường, lúc đó Thủ tướng Võ Văn Kiệt vẫn trên gường bệnh nhưng ông hy vọng sẽ khỏi bệnh nên cho lên kế hoạch đi Hà Lan. Chuyến đi được vạch định cụ thể, sẽ xuất phát vào 23 giờ 5 phút đêm 02-6-2008 từ Tân Sơn Nhất và đã có kế hoạch cho những ngày đi thực địa ở Hà Lan. Nhưng đau đớn thay ông không kịp thực hiện chuyến công tác này vì đã ra đi lúc 18 giờ ngày 12-6-2008. Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã hành động về vấn đề biến đổi khí hậu rất sớm. Kế hoạch đó ông không kịp thực hiện nhưng cho thấy một tầm vóc, một tầm nhìn Võ Văn Kiệt rất xa, rất thông thái và hiện đại.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt - người để lại di sản rất lớn cho Tổ quốc. Người có tầm nhìn xa đến tận hôm nay và mai sau.

Kỳ 8: Lực lượng nòng cốt bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang