Dự và chủ trì Hội thảo có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh; Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Bùi Văn Nghiêm, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Long.
Các đồng chí chủ trì hội thảo
Tham dự Hội thảo còn có một số đồng chí lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đại diện lãnh đạo: Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Chính phủ; đại diện lãnh đạo các Ban, Bộ, Ngành Trung ương; lãnh đạo Thành ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các sở, ban, ngành TPHCM; lãnh đạo Tỉnh ủy Vĩnh Long; đại diện lãnh đạo Quân khu 7, Quân khu 9; đại diện lãnh đạo Thành ủy Hà Nội, Thành ủy Cần Thơ và các Tỉnh ủy: Cà Mau, Kiên Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu, An Giang ...; đại diện gia đình, dòng họ đồng chí Võ Văn Kiệt; đại biểu là các nhà khoa học ở Trung ương và địa phương.
Hội thảo là dịp để tiếp tục nghiên cứu, làm sâu sắc hơn cuộc đời hoạt động cách mạng phong phú, cao đẹp và tri ân những đóng góp to lớn của đồng chí Võ Văn Kiệt đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, qua đó góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, lý tưởng cách mạng cho các cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được gần 90 báo cáo, tham luận của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo các cơ quan Ban, Bộ, Ngành Trung ương, một số địa phương và các nhà khoa học gửi đến Hội thảo.
Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo cùng các đại biểu tham quan triển lãm khu vực diễn ra hội thảo
Hội thảo tập trung làm sáng tỏ những nội dung chủ yếu sau đây:
1. Đồng chí Võ Văn Kiệt - Người cán bộ lãnh đạo tài năng, có đóng góp to lớn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước
Đồng chí Võ Văn Kiệt tên khai sinh là Phan Văn Hòa (bí danh Sáu Dân, Chín Hòa ...), sinh ngày 23-11-1922 trong một gia đình nông dân nghèo, tại làng Trung Lương, tổng Bình Trung, huyện Vĩnh Trị, nay là xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Tiếp thu truyền thống yêu nước bất khuất của dân tộc và quê hương, đồng chí sớm tham gia hoạt động cách mạng từ năm 16 tuổi và trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương năm 17 tuổi. Từ đây, cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí gắn liền với những chặng đường đấu tranh cách mạng oanh liệt, vẻ vang của Đảng và cách mạng Việt Nam.
Năm 1940, ở tuổi 18, đồng chí Võ Văn Kiệt được giao làm Bí thư Chi bộ, Huyện ủy viên huyện Vũng Liêm, tham gia lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ ở huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Sau đó, theo sự phân công của tổ chức, đồng chí về hoạt động ở vùng U Minh Thượng thuộc tỉnh Rạch Giá (nay là Kiên Giang). Trên cương vị Ủy viên Tỉnh ủy lâm thời tỉnh Rạch Giá (1941-1945), đồng chí đã tham gia xây dựng vùng U Minh trở thành căn cứ địa vững chắc, góp phần tích cực vào thắng lợi của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Rạch Giá và các tỉnh miền Tây Nam Bộ trong Cách mạng Tháng Tám 1945.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đồng chí Võ Văn Kiệt được cử làm Ủy viên Chính trị dân quân cách mạng Liên tỉnh Tây Nam Bộ (9-1945); Phó Bí thư Tỉnh ủy Rạch Giá (6-1947); Phó Bí thư, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu (1950-1954). Đồng chí đã trực tiếp lãnh đạo nhân dân các tỉnh Rạch Giá, Bạc Liêu tiến hành cuộc kháng chiến, lập nhiều chiến công, thể hiện tinh thần kiên cường, bất khuất của “Miền Nam thành đồng Tổ quốc”, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta đi đến thắng lợi.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trên các cương vị Ủy viên Xứ ủy Nam Bộ, Phó Bí thư Liên Tỉnh ủy Hậu Giang (1955-1959); Bí thư Khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn, rồi Bí thư Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Ủy viên Trung ương Cục miền Nam (1959-1969); Bí thư Khu ủy Khu 9, Ủy viên Trung ương Đảng (1969-1973); Ủy viên Thường vụ Trung ương Cục miền Nam, phụ trách khối Dân vận - Binh vận - Mặt trận (1973-1975), đồng chí Võ Văn Kiệt đã luôn kiên cường bám trụ, sâu sát cơ sở, tham gia lãnh đạo quân dân Nam Bộ vượt qua những năm tháng đầy gian khổ, khó khăn, ác liệt, đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi vẻ vang, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thu giang sơn về một mối.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo
2. Đồng chí Võ Văn Kiệt - Nhà lãnh đạo năng động, sáng tạo thời kỳ trước đổi mới
Đất nước thống nhất, đồng chí Võ Văn Kiệt được Đảng giao đảm trách cương vị Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM, rồi Bí thư Thành ủy TPHCM trong bối cảnh đầy khó khăn, thách thức của một thành phố mới được giải phóng.
Với những đóng góp quan trọng vào sự phát triển của TPHCM, tháng 4-1982, đồng chí Võ Văn Kiệt được điều động lên Trung ương, đảm nhiệm cương vị Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch nhà nước. Đây là giai đoạn tình hình trong nước và quốc tế đều có những biến động, khó khăn, phức tạp. Với tinh thần đặt lợi ích của đất nước, của nhân dân lên trên hết và tác phong sâu sát, cụ thể, đồng chí đã đến nhiều địa phương, nhiều nhà máy, công trình lớn của đất nước để nghiên cứu, tháo gỡ khó khăn, đề xuất xây dựng kế hoạch sát hợp với thực tiễn. Những nỗ lực, tìm tòi của đồng chí đã góp phần hình thành đường lối đổi mới toàn diện của Đảng.
3. Đồng chí Võ Văn Kiệt - Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và Nhà nước thời kỳ đổi mới
Tháng 12-1986, Đại hội toàn quốc lần thứ VI của Đảng đề ra đường lối đổi mới toàn diện, đánh dấu giai đoạn phát triển mới của cách mạng Việt Nam. Tại Đại hội, đồng chí Võ Văn Kiệt được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Bộ Chính trị. Tháng 2-1987, đồng chí được Quốc hội cử là Phó Chủ tịch Thường trực, sau đó là Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng. Tại Đại hội toàn quốc lần thứ VII của Đảng (tháng 6-1991), đồng chí tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Bộ Chính trị. Kỳ họp thứ chín Quốc hội khóa VIII (tháng 8-1991) đã bầu đồng chí làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa IX (tháng 10-1992), đồng chí được Quốc hội khóa IX bầu làm Thủ tướng Chính phủ.
Trên các cương vị được giao, tư duy đổi mới, năng động, sáng tạo của đồng chí Võ Văn Kiệt trong nghiên cứu và trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng, thực hiện kế hoạch Nhà nước càng được thể hiện rõ, góp phần đưa đường lối đổi mới của Đảng vào thực tiễn đời sống.
Đặc biệt trên cương vị cao nhất của Chính phủ, đồng chí Võ Văn Kiệt đã có những cống hiến to lớn, thể hiện tầm tư duy chiến lược, góp phần bổ sung, phát triển và chỉ đạo hiện thực hóa đường lối đổi mới của Đảng, đưa nước ta ra khỏi khủng hoảng kinh tế-xã hội, bước vào thời kỳ ổn định, phát triển, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Dấu ấn của đồng chí Võ Văn Kiệt được thể hiện sâu đậm trên nhiều lĩnh vực từ kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội đến quốc phòng-an ninh, đối ngoại.
Toàn cảnh hội thảo.
4. Đồng chí Võ Văn Kiệt - Người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tấm gương đạo đức trong sáng
86 tuổi đời, 70 năm hoạt động cách mạng liên tục và gần 70 năm tuổi Đảng, đồng chí Võ Văn Kiệt đã trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, hạnh phúc của nhân dân. Sự năng động, đổi mới sáng tạo, tinh thần dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt hành động vì lợi ích chung của dân tộc, của nhân dân là những nét nổi bật trong con người đồng chí Võ Văn Kiệt.
Đồng chí là tấm gương tiêu biểu cho nếp sống trong sáng, trung với nước, hiếu với dân, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, giản dị, chân thành, cởi mở, gắn bó mật thiết với quần chúng nhân dân. Đồng chí xứng đáng là một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí đã để lại những bài học vô cùng quý giá, là tấm gương sáng cho các thế hệ cách mạng Việt Nam hôm nay và mai sau học tập, noi theo.
5. Đồng chí Võ Văn Kiệt với Đảng bộ, nhân dân Vĩnh Long và Đảng bộ, nhân dân TPHCM
Vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng Vĩnh Long đã sinh ra, nuôi dưỡng, góp phần to lớn hình thành nhân cách, ý chí người chiến sĩ cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo năng động, sáng tạo Võ Văn Kiệt. Vĩnh Long cũng là nơi ghi dấu những hoạt động yêu nước đầu tiên và bước ngoặt trong cuộc đời đồng chí Võ Văn Kiệt khi trở thành người đảng viên cộng sản. Kế thừa và không ngừng rèn luyện, phát huy những truyền thống quý báu của quê hương, đồng chí Võ Văn Kiệt đã trở thành người chiến sĩ cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và Nhà nước, người con ưu tú của quê hương Vĩnh Long, đã làm rạng danh cho quê hương Vĩnh Long và là tấm gương sáng để Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Long học tập, noi theo.
Sinh ra, lớn lên ở Vĩnh Long, nhưng cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Võ Văn Kiệt lại gắn bó nhiều năm với Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, TPHCM. Nơi đây đã ghi dấu sự kiên trung, nhiệt huyết, tài năng, sự năng động, sáng tạo, hết lòng vì nước, vì dân của người cộng sản Võ Văn Kiệt. Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, TPHCM cũng chính là nơi góp phần trui rèn đồng chí trở thành nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và Nhà nước. Học tập và noi theo tấm gương đồng chí Võ Văn Kiệt, Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Long cùng Đảng bộ và nhân dân TPHCM đang nỗ lực phát huy truyền thống tốt đẹp, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.