Kỳ họp thứ 5 HĐND TPHCM khóa IX:

Lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè phải 'vừa xây, vừa chống'

Thứ Tư, 05/07/2017 20:32  | Lê Ngân

|

(CAO) Ngày 5-7-2017, kỳ họp thứ 5 HĐND TPHCM khóa IX tiếp tục chương trình thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội, bàn các giải pháp đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm… dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Phạm Đức Hải.

Chưa thực hiện thu phí vỉa hè

Thảo luận về vấn đề tăng trưởng kinh tế của TP, ĐB Vương Đức Hoàng Quân (Bình Thạnh) và ĐB Võ Thị Ngọc Thúy (Thủ Đức) đề nghị TP cần có chính sách hỗ trợ để thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển; cũng như hỗ trợ doanh nghiệp lớn để họ nâng cao năng suất và giá trị gia tăng.

Trong đó, TP cần tập trung cải cách hành chính, có chính sách bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư vào công nghệ cao; tập trung đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề chuyên môn cao. Còn ĐB Phan Thị Hồng Xuân (Gò Vấp) cho rằng đối với quy mô của doanh nghiệp không quan trọng mà phải nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; phải có chỉ số đổi mới công nghệ và yêu cầu các doanh nghiệp áp dụng đổi mới công nghệ.

Ông Sử Ngọc Anh- Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, phân tích, tốc độ tăng trưởng của TP trong 6 tháng đầu năm chỉ đạt 7,76% nên để đạt mục tiêu tăng trưởng 8,4% - 8,7% của cả năm đòi hỏi 6 tháng cuối năm phải tăng từ 9% - 9,4%, đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Văn Khoa tại cuộc họp

Giám đốc chỉ ra những việc phải làm ngay, duy trì kết nối hàng hóa, thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, mở rộng thị trường trong khu vực và 36 các tỉnh, thành phố đã kết nghĩa để đảm bảo tăng trưởng; về thị trường nước ngoài tăng cường mở rộng nhằm đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.

Tập trung cải thiện môi trường đầu tư như tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận đăng ký kinh doanh, đảm bảo tiếp cận quy hoạch đất đai, vốn, giảm chi phí không chính thức, đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho doanh nghiệp.

Chú trọng yếu tố nguồn lực lao động, trong đó sẽ giao cho các đơn vị tập trung đào tạo nguồn nhân lực theo yêu cầu của doanh nghiệp đặt ra như đào tạo về ngoại ngữ, kỹ năng quản lý. TP thường xuyên gặp gỡ doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn; hình thành các gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp; tổ chức chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, nhất là cho doanh nghiệp vừa và nhỏ; hình thành trung tâm khởi nghiệp.

Đề cập đến công tác quản lý trật tự lòng lề đường, đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm (Bình Tân) cho rằng việc lập lại trật tự lòng lề đường, đến nay tái xuất hiện tình trạng lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè và người dân rất bức xúc. Đặc biệt là việc cho thuê vỉa hè sau khi ra quân lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè gây hiểu nhầm nên cần phải có giải thích rõ ràng về chủ trương này, cũng như tính toán mức thu phù hợp với từng địa bàn, công khai minh bạch trong vấn đề này.

Ông Phạm Đức Hải tại cuộc họp

Trả lời những vấn đề đại biểu đặt ra, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Văn Khoa khẳng định quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của UBND TP là phải làm kiên trì, lâu dài nhằm mục đích chuyển đổi nhận thức của người dân, hộ kinh doanh trong việc tự giác chấp hành chủ trương của TP. Đồng thời, phân cấp mạnh cho các quận, huyện để tăng cường trách nhiệm ở cơ sở.

Thực hiện “xây” phải đi đối với “chống”, xây tạo điều buôn bán kinh doanh hợp lý bởi vì sau gánh hàng rong là số phận của cả gia đình, chống ở đây là chống hành vi chiếm dụng lòng, lề đường để vụ lợi riêng, ảnh hưởng đến tài sản tính mạnh của người khác. “Đối với vấn đề thu phí sử dụng một phần lòng đường, vỉa hè đã có từ lâu chứ không phải khi lập lại trật tự lòng, lề đường vỉa hè TP mới đề xuất như một số báo, đài thông tin.

Vừa qua, Sở Giao thông vận tải có trình dự thảo đề xuất phương án tăng phí sử dụng tạm một phần lòng đường, vỉa hè nhưng hiện tại UBND TP có chủ trương chưa thực hiện” – Phó Chủ tịch Lê Văn Khoa nhấn mạnh.

Sẽ khởi tố hình sự để thực phẩm “bẩn” gây hại nhiều người

Qua công tác giám sát, đại biểu Thi Thị Tuyết Nhung-Trưởng ban Văn hóa xã hội, HĐNDTP, nêu ra những hạn chế cần có giải pháp khắc phục. Công tác vận động tuyên truyền chưa tạo chuyển biến nhận thức và hành động của một bộ phận người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng; thức ăn đường phố và cửa hàng ăn uống chưa đăng ký kinh doanh còn nhiều, thiếu quy hoạch gây mất trật tự giao thông, mỹ quan đô thị, ô nhiễm môi trường và chưa kiểm soát chế biến, nguồn gốc, phụ gai thực phẩm.

Tại các chợ đầu mối các lô hàng chờ kết quả kiểm nghiệm đã đưa đi tiêu thụ trong khi kết quả không an toàn thì không thu hồi được; còn nhiều chợ tự phát kinh doanh thực phẩm trái phép, đặc biệt các điểm mua bán gia cầm sống. Hoạt động thanh, kiểm tra chuyên ngành chưa đáp ứng, hình thức xử phạt chế tài chưa đủ sức răn đe nên tỷ lệ vi phạm còn cao.

Bà Phạm Khánh Phong Lan tại cuộc họp

Bà Phạm Khánh Phong Lan- Trưởng Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM, cho biết Ban sẽ quyết tâm kiểm tra, xử phạt nghiêm người buôn bán thực phẩm bẩn trong thời gian tới. Theo đó, Ban sẽ thành lập 8 đội thanh tra thường trực tại các quận, huyện; 3 đội thường trực ở các chợ đầu mối Bình Điền, Hóc Môn và Thủ Đức. Các quận, huyện sẽ phải kết hợp với 8 đội thanh tra liên quận này để thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra.

“Các đội này vào ban ngày sẽ kiểm tra, ban đêm sẽ kiểm dịch. Thành viên các đội thanh tra sẽ được giám sát chặt, luân phiên thay đổi địa bàn làm việc để tránh phát sinh tiêu cực. Nếu có tiêu cực hay năng lực yếu kém, Ban sẽ cương quyết xử lý để đảm bảo an tâm cho người dân”, bà Lan khẳng định.

Đề cập đến hình thức chế tài, xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, bà Phong Lan khẳng định thời gian tới Ban sẽ phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an, kiểm tra những cá nhân, tổ chức dùng các chất cấm, hóa chất nguy hiểm trong chăn nuôi, sản xuất thực phẩm.

"Theo bộ Luật Hình sự sửa đổi, các hành vi dùng chất cấm trong sản xuất gây hại đến nhiều người có thể nhận mức án cao nhất là chung thân", bà Lan nhấn mạnh. Ban quản lý an toàn thực phẩm cũng đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, các đề án thực phấm sạch như vận động doanh nghiệp đăng ký chuỗi thực phẩm sạch, xây dựng chợ kiểu mẫu, thực phẩm sạch từ trang trại đến bàn ăn…

Đại biểu Lê Minh Đức-Phó Ban Pháp chế, HĐND TPHCM:

Trong 6 tháng đầu năm 2017, trên địa bàn thành phố xảy 2.289 vụ phạm pháp hình sự, giảm 125 vụ, tỷ lệ 5,17% so với cùng kỳ, đây nỗ lực rất lớn của lực lượng công an TP để đạt được thành tích này. tuy nhiên, một số lại án gia tăng như: tội phạm sử dụng công nghệ cao, cố ý gây thương tích, xâm hại tình dục, xâm phạm tài sản công dân…

Ông Lê Minh Đức

Bên cạnh đó, tình hình tai nạn giao thông trên các tuyến đường Võ Chí Công, Đồng Văn Cống..xảy ra rất nghiêm trọng thiệt hại tính mạng nhiều người (khu vực dốc cầu Phú Mỹ). Trên các trang mạng xã hội như facebook, zalo, youtube..tràn ngập các video bạo lực không phù hợp với trẻ vị thành niên.

Trước thực trạng như vậy, ông đề nghị UBNDTP tăng cường chỉ đạo các sở ngành, quận huyện phối hợp chặt chẽ với UBMTTQ TP và các đoàn thể xã hội đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, tập trung trấn áp các loại tội phạm, nhất là phủ sóng camera an ninh trên địa bàn thành phố; Sở Thông tin Truyền thông phối hợp các đơn vị có biện pháp ngăn chặn các video bạo lực; Sở Giao thông Vận tải có giải pháp kỹ thuật khắc phục tai nạn tại khu vực cầu Phú Mỹ, đẩy nhanh tiến độ xây dựng cầu vượt Mỹ Thủy (quận 2).

Bình luận (0)

Lên đầu trang